So với 3 lần chuyển đổi KH&CN trước, trong lần chuyển đổi này, Việt Nam có sự chuẩn bị tốt hơn về nhân lực và chính sách; bên cạnh đó, còn có sự đồng hành của khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn - theo nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020.
Ngày 18/12, tại Hà Nội đã diễn ra “Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN kết hợp với Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức.
Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 200 lãnh đạo và đại diện của các Bộ, ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và chuyên gia quan tâm đến hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
Tại đây, các đại diện đều khẳng định, đã đến lúc khoa học và công nghệ thực sự cần được coi là một trong những động lực quan trọng nhất đưa đất nước phát triển, trong điều kiện tài nguyên cạn kiệt và các điều kiện khác đã đến giới hạn.
Từ góc nhìn của mình, các diễn giả tham gia thảo luận đưa ra các lý do vì sao các nỗ lực chuyển đổi khoa học kỹ thuật trong 3 lần trước đây lại chưa mấy thành công. Họ cho rằng, trong các lần vận động trước, Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về nhân lực và chính sách, vẫn còn tồn tại các rào cản thể chế và thiếu liên kết giữa khu vực nhà nước với các thành phần khác trong nền kinh tế, đồng thời chưa đủ ý chí quyết tâm để thay đổi.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, dường như các bên tỏ ra lạc quan hơn. “Lần này chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn” - GS. TS Phạm Thành Huy, Hiệu trường Trường ĐH Phenikaa, chia sẻ. Theo ông, giờ đây nhà nước không còn đơn độc, thậm chí đã có doanh nghiệp tư nhân lớn đi cùng. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thấy khoa học và công nghệ là điều buộc phải có để cạnh tranh và tồn tại. Vài năm trở lại đây, các trường đại học cũng đã nhanh chóng thay đổi mô hình đào tạo sang hướng ứng dụng thực tiễn hơn. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến rất nhiều điều được nhìn nhận lạivà có thể là cú hích cho các tiến trình thay đổi diễn ra nhanh hơn.
Bổ sung vào đó, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ VIPRI, cho rằng: “Nếu có được sự đồng bộ khiến các bên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, có kế hoạch, có hoạt động thực chất đi vào chiều sâu hơn thì sự chuyển đổi khoa học và công nghệ này sẽ thành công”.
Để hỗ trợ tiến trình chuyển đổi, trong định hướng mới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ KH&CN đã đặt “doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia". Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - một trong những đơn vị đầu mối kết nối với doanh nghiệp của Bộ KH&CN, đã giới thiệu một loạt hỗ trợ dành cho doanh nghiệp được triển khai trong vòng vài năm trở lại, bao gồm các chương trình thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình nâng cao năng suất chất lượng, dự án lập bản đồ công nghệ của một số ngành, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống các điểm kết nối cung cầu tại các địa phương, thiết lập các trạm khai thác tài sản trí tuệ IPPlatform ở các Sở KH&CN và viện nghiên cứu/ trường đại học, xây dựng sàn giao dịch tài sản trí tuệ…
Không chỉ đối với doanh nghiệp và viện/trường, Bộ KH&CN còn có các đơn vị hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa, hoàn thiện công nghệ hoặc thành lập doanh nghiệp như Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (NIPTEX).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Diễn đàn chỉ ra rằng họ vẫn gặp khó khăn trong việc nắm bắt và tiếp cận các hoạt động hỗ trợ nêu trên, thậm chí chưa biết tới các chương trình đang được triển khai. Các ý kiến cũng nêu ra một số điểm yếu khác đang tồn tại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc thiếu hụt các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hỗ trợ về sở hữu trí tuệ và tìm kiếm thị trường mua bán công nghệ, hoặc cơ chế nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn theo tư duy tránh “rủi ro”.
Trong đó, TS. Tô Hoài Nam, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ ra thực trạng mặc dù các chính sách về khoa học và công nghệ đã thay đổi rất tích cực, nhưng thể chế của các cơ quan thực thi chưa thay đổi theo kịp.
Đón nhận các kiến nghị và khúc mắc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp hiện nay được Bộ KH&CN coi là trung tâm trong các hoạt động của mình. Chúng tôi khẳng định các cơ quan của Bộ KH&CN liên quan đến việc phát triển công nghệ, ứng dụng đổi mới sáng tạo luôn sẵn sàng đồng hành cùng với doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp nhận và tôn trọng mọi ý tưởng sáng tạo, và mong muốn hỗ trợ cho các ý tưởng và sáng tạo đó, giúp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”
Thứ trưởng cũng chia sẻ quan điểm, hỗ trợ của Bộ KH&CN không thay thế được nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. “Tôi chia sẻ quan điểm doanh nghiệp là chủ thể của sự thay đổi. Cùng với sự hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách nâng cao năng lực của mình để hấp thụ công nghệ mới trong bối cảnh thế giới đang phát triển nhanh chóng. Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ và chia sẻ từ phía doanh nghiệp trong các hoạt động khoa học và công nghệ,” ông nói.