Mặc dù nhận số tiền tài trợ của chính phủ cho nghiên cứu ít hơn nhiều so với hệ thống viện nghiên cứu nhà nước nhưng sản lượng công bố quốc tế của các trường đại học lại cao hơn hẳn.
Nếu chính phủ quyết liệt thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, đồng thời mở rộng cơ chế phân bổ ngân sách dựa trên nguyên tắc cạnh tranh trong toàn hệ thống thì các tiềm năng R&D còn được phát huy mạnh hơn nữa.
Bất chấp ngân sách eo hẹp, sản lượng công bố quốc tế vẫn tăng mạnh
Mặc dù chính phủ đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học nhưng khối này chỉ nhận được một tỷ lệ rất nhỏ chi tiêu trực tiếp của chính phủ để thực hiện công tác nghiên cứu.
Năm 2013, chỉ có 5,6% chi phí R&D của nhà nước được phân bổ cho các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Những năm gần đây, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa sẵn lòng tài trợ cho các dự án nghiên cứu xuất phát từ các trường đại học, ngân sách eo hẹp của nhà nước dành cho nghiên cứu là một trong những nguyên nhân chính cản trở các trường đại học xây dựng và phát huy tiềm lực nghiên cứu.
Khối nhà nước hiện sử dụng số lượng lớn nhất các nhà nghiên cứu ở Việt Nam. Năm 2017, khoảng một nửa số nhà nghiên cứu của Việt Nam (49,73%) làm việc cho các viện nghiên cứu trực thuộc nhà nước; trong khi khối doanh nghiệp sử dụng 25,77%. Khối các trường đại học chỉ tuyển dụng khoảng một phần tư tổng số nhà nghiên cứu (24,06%).
Thực trạng sử dụng nguồn nhân lực nghiên cứu trên đây ở Việt Nam hoàn toàn trái ngược với tình hình ở một số quốc gia có thu nhập cao, nơi khối doanh nghiệp thường chiếm tỷ lệ cao nhất trong việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu. Ở Bắc Mỹ và châu Âu, khối doanh nghiệp sử dụng khoảng 65% và 45% tổng số nghiên cứu viên. Ở nhiều quốc gia châu Âu có thu nhập trung bình cao, trên 40% các nhà nghiên cứu làm việc trong các trường đại học. Rất hiếm quốc gia có thu nhập cao nào có một tỷ lệ lớn các nhà nghiên cứu được tuyển dụng trong khu vực nhà nước như ở Việt Nam.
So với hệ thống viện nghiên cứu nhà nước, khu vực đại học cũng nhận được số tiền tài trợ của chính phủ cho nghiên cứu ít hơn nhiều (1,4% so với 26,93% - theo dữ liệu năm 2017). Tuy nhiên, khối đại học có số lượng bài báo quốc tế ISI cao gấp 4 lần so với khối các viện nghiên cứu tạo ra (80,78% so với 19,22% - theo số liệu giai đoạn 2011-2019).
Kể từ khi có các chính sách phát triển nghiên cứu trong trường đại học hai thập kỷ gần đây, tổng số lượng các ấn phẩm quốc tế từ khối đại học đã có tiến bộ rõ rệt. Ví dụ, trong năm 2004 và 2008, các trường đại học Việt Nam chiếm 55% tổng số công bố quốc tế được bình duyệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2019, con số này đã tăng lên hơn 80%; các viện nghiên cứu chiếm dưới 20%. Đáng chú ý, chỉ 1/4 các trường đại học Việt Nam (66/235) có các công bố quốc tế ISI. 10 trường đại học top đầu chiếm 50% tổng sản lượng công bố quốc tế ISI.
Tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng nghiên cứu đã góp phần đưa một số trường đại học vào bảng xếp hạng đại học quốc tế. Năm 2019, lần đầu tiên đại học Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng uy tín, bao gồm: Xếp hạng học thuật của các trường đại học thế giới (ARWU) (một trong top 901-1.000); xếp hạng Times Higher Education (hai trường trong top 801-1.000, một trong top 1.000+); và xếp hạng Quacquarelli Symonds (một trường trong top 400-550).
Những đề xuất về tái cấu trúc và cơ chế phân bổ ngân sách
Việt Nam có ngân sách chi cho R&D rất hạn chế (chỉ tương đương 0,5% GDP trong năm 2017), do đó, nguồn ngân sách hạn hẹp này nhất định cần được chi tiêu một cách hiệu quả.
Xét về cơ cấu tổ chức, hệ thống cồng kềnh của các viện nghiên cứu nhà nước dường như đã tiêu tốn một lượng lớn chi phí cho hoạt động R&D của nhà nước. Mặc dù chính phủ Việt Nam từ lâu đã mong muốn kết hợp các viện nghiên cứu do nhà nước quản lý với hệ thống viện nghiên cứu trong các trường đại học, quá trình tái cấu trúc này diễn ra rất chậm chạp. Một số quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ (ví dụ như Nga và Trung Quốc) đã tái cấu trúc thành công hệ thống R&D của họ. Để phân bổ hiệu quả nguồn ngân sách R&D hạn hẹp của nhà nước, chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và sắp xếp lại hệ thống các viện nghiên cứu theo định hướng đã đề ra ở trên.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần mở rộng việc áp dụng cơ chế phân bổ ngân sách dựa trên nguyên tắc cạnh tranh trong toàn bộ hệ thống R&D. Hiện tại, hầu hết các tổ chức tài trợ của nhà nước ở Việt Nam vẫn áp dụng tài trợ nghiên cứu theo kế hoạch hoạt động. Đây là mô hình cấp kinh phí nghiên cứu tốn thời gian, phức tạp và không hiệu quả. Với việc thành lập NAFOSTED - quỹ tài trợ áp dụng các thông lệ quốc tế về phân bổ tài trợ - số lượng các ấn phẩm quốc tế được sản xuất từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc áp dụng cơ chế tài trợ nghiên cứu dựa trên nguyên tắc cạnh tranh là một trong những đặc điểm chính tạo nên sự khác biệt giữa một hệ thống quản lý R&D hiệu quả với một hệ thống yếu kém.
Liên quan tới nguồn nhân lực R&D, tiềm năng của Việt Nam còn kém cả về số lượng và chất lượng: theo dữ liệu năm 2017 của Viện Thống kê thuộc UNESCO, số nhà nghiên cứu làm việc toàn thời gian trên một triệu dân nước ta là 672 người, bằng một nửa của Thái Lan, một phần ba của Malaysia, và một phần mười của Singapore; và gần 50% các nghiên cứu viên Việt Nam chỉ có bằng đại học. Riêng trong khối đại học, chỉ một phần tư số cán bộ cơ hữu, tương đương 20.198 người, có bằng tiến sĩ – theo dữ liệu năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả từ Đề án 322 và 911 cho thấy, mặc dù chính phủ đã đầu tư vào việc đào tạo hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng vẫn còn thiếu một kế hoạch dài hạn để nuôi dưỡng và phát huy tối đa tài năng của họ khi trở về. Để nâng cao hơn nữa cả số lượng và chất lượng của lực lượng lao động học thuật quốc gia, chính phủ nên xây dựng một kế hoạch toàn diện. Ví dụ, nên xây dựng và triển khai các chương trình tài trợ khác nhau để các nhà nghiên cứu ở các giai đoạn nghề nghiệp có thể phát triển năng lực nghiên cứu. Nhiều nước (chẳng hạn như Úc) đã thực hiện các chương trình tài trợ nghiên cứu cạnh tranh cho các nhà nghiên cứu mới tốt nghiệp tiến sĩ (trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ); đã hoạt động nghiên cứu được một thời gian (trên 5 - 10 năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ); và khi đã trở thành các chuyên gia nghiên cứu cao cấp (hay các nhà nghiên cứu ‘đẳng cấp thế giới’). Việt Nam nên học hỏi từ những chương trình này để có thể phát triển, giữ chân và tận dụng tối đa năng lực của những người tốt nghiệp tiến sĩ trở về. Nhóm nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài và trở về sẽ là những nhân tố đào tạo ra các thế hệ nhà nghiên cứu trong nước có trình độ quốc tế cho Việt Nam. Ngoài ra, cần có các chính sách linh hoạt hơn nữa để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở các trường đại học nước ngoài với các nhà khoa học trong nước.
Chú thích:
Bài viết được rút gọn từ chương “A Review of University Research Development in Vietnam from 1986 to 2019” của chính tác giả, trong cuốn sách “Higher Education in Market-Oriented Socialist Vietnam: New Players, Discourses, and Practices” do GS.TS Phan Lê Hà và TS Đoàn Bá Ngọc chủ biên, Palgrave Macmillan xuất bản tháng 9/2020. Các thông tin trong bài viết có nguồn trích dẫn đầy đủ trong bản gốc tiếng Anh.