Đối với hàng triệu người Mỹ, việc bỏ ra 4 năm để lấy tấm bằng đại học không còn nhiều ý nghĩa nữa bởi có những phương án thay thế nhanh hơn, rẻ hơn.
Là học sinh xuất sắc ở trường trung học, Rachael Wittern nhận học bổng một phần vào đại học, rồi sau đó học tiếp lên đến Tiến sĩ trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng. Năm nay cô 33 tuổi, sống ở Tampa, và nghề tâm lý mang lại cho cô thu nhập 94.000 USD/năm. Cô nói rằng, những gì cô được học không tương xứng với cái giá phải bỏ ra – hiện cô vẫn đang chịu khoản nợ 300.000 USD từ hồi sinh viên.
Người chồng 37 tuổi của Tiến sĩ Wittern thì khác. Anh làm việc ở một kho hàng vài năm trước khi trở thành thợ điện học việc. Khi học việc xong, lương của anh sẽ tương đương với Tiến sĩ Wittern, chỉ khác là không phải chịu khoản nợ. Tiến sĩ Wittern nói, nếu có con, cô sẽ khuyên con đi theo con đường học việc giống như chồng cô, tránh phải mất 4 năm học đại học. “Tôi không thấy giá trị trong rất nhiều thứ tôi đã học,” cô nói. “Trừ khi bạn muốn theo đuổi một lĩnh vực rất cụ thể, còn không thì hãy đi theo con đường thực dụng hơn, ít tốn kém hơn.”
Đối với đa số sinh viên, học đại học ở Mỹ thường đồng nghĩa với việc phải vay nợ để học dồn những thứ có giá trị sử dụng cả đời. Giờ đây, các chuyên gia giáo dục cho rằng, với rất nhiều người, lựa chọn này không còn hấp dẫn nữa, và thực tế đó mở đường cho nhiều lựa chọn thay thế: các chứng chỉ chuyên ngành ít tốn kém thời gian và tiền bạc hơn mà lại bám sát nhu cầu của thị trường lao động và được cập nhật dần theo thời gian. Những bằng cấp kiểu mới này không chỉ giới hạn trong các trường cao đẳng và đại học truyền thống. Khối công nghiệp tư nhân đã bắt đầu trực tiếp tham gia nhiều hơn để tự quyết định nên đào tạo những gì và ai trả tiền cho việc đó.
“Đại học cho mọi người”
Suốt hơn một thế kỷ, tấm bằng đại học 4 năm hết sức có giá và là bước đệm cho giấc mơ Mỹ. Còn với nhiều người thuộc thế hệ millenials [sinh ra trong khoảng từ năm 1981-1996] và bây giờ là thế hệ Z [sinh ra trong khoảng từ năm 1996-2010], đại học đã trở thành gánh nặng.
Millennials là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng họ nghèo kiết xác so với những các thế hệ trước. Vậy họ có lí do gì để hướng con cái mình vào con đường học vấn tương tự?
“Có thể họ sẽ không làm như vậy,” John Thelin, nhà sử học về giáo dục đại học và là giáo sư tại Đại học Kentucky, nói.
Niềm tin vào tấm bằng 4 năm có từ những năm 1960, khi các nhà hoạt động Dân quyền hối thúc người người vào đại học để trở thành chuyên gia. Thay vì phân luồng học sinh vào đại học hoặc học nghề, nước Mỹ lại có tham vọng cao hơn: đại học cho mọi người.
Các trường trung học bắt đầu hướng học sinh vào các lớp dự bị đại học và xa rời học nghề. Chính phủ liên bang bắt đầu cho thêm nhiều sinh viên vay tiền để trả học phí. Các trường đại học trở thành nơi được chăm chút, tỉa tót. Tỷ lệ người Mỹ có bằng đại học 4 năm đã tăng từ 9% vào năm 1965 lên 36% vào năm ngoái.
Nhưng “thành tích” này có giá của nó. Cứ mỗi học sinh trung học tốt nghiệp đại học và tìm được công việc phù hợp với bằng cấp của mình, thì có 4 người không làm được điều này, Oren Cass, giám đốc điều hành American Compass, cho biết: Họ không vào được đại học, bỏ học giữa chừng, hoặc học xong rồi thất nghiệp. Theo các khảo sát, khoảng một nửa số sinh viên đại học hối tiếc việc vay nợ. Đối với thế hệ millennials, lựa chọn “phải vào đại học” đã đem lại thành công cho 20% sinh viên của nước Mỹ và thất bại cho phần còn lại, Cass nói.
Hơn nữa, điều khiến rất nhiều người thuộc thế hệ millennials thất vọng là họ “đi đúng đường” mà vẫn bị mắc kẹt trong nợ nần. Ben Puckett, một mục sư 30 tuổi ở Michigan, lấy bằng cử nhân vật lý trị liệu trước khi có bằng Thạc sĩ về thần học. Giờ anh đang nợ 95.000 USD. “Tôi vào đại học bởi vì tôi được cha mẹ, bạn bè, thầy cô và cố vấn nói rằng đó là cách duy nhất để có một tương lai tốt đẹp,” Puckett nói. “Ở tuổi 18, làm sao tôi có thể bất chấp tất cả những gì nhà trường, cha mẹ, xã hội, bạn bè nói về việc vào đại học?”
Nhưng thực tế thì sinh viên tốt nghiệp đại học sinh vào những năm 1980 ít có khả năng làm giàu hơn so với các thế hệ trước. Từ năm 2013 đến nay, khoản nợ học phí của họ đã tăng khoảng 600 tỷ USD.
Và những bài toán về giá trị đang “bóc mẽ” các trường đại học.
Từ năm 1979 đến năm 2010, số học sinh nhập học tại các trường cao đẳng và đại học hệ 2 năm và 4 năm đã tăng hơn hai lần, lên 18 triệu. Nhưng từ sau đó, con số này giảm khoảng 2 triệu do số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông giảm và đầu tư cho việc học đại học không mang lại những lợi ích hấp dẫn.
Để thích ứng, nhiều trường đang mạnh tay giảm học phí, dẫn đến phải cắt bớt chi phí, đẩy họ vào vòng xoáy suy tàn. Đại dịch và các hệ lụy về mặt kinh tế càng thúc đẩy những xu hướng này. Nhiều trường không kịp điều chỉnh chương trình để thích ứng và theo kịp nhu cầu thay đổi của thị trường lao động. Các nhà phân tích dự đoán, hàng trăm trường học sẽ đóng cửa trong vài năm tới.
Dần bị thay thế
Không phải người Mỹ quay lưng lại với giáo dục; họ chỉ đang cân nhắc những lựa chọn hợp lý hơn. Theo Jonathan Finkelstein, giám đốc điều hành Credly, một mạng lưới chứng chỉ kỹ thuật số, số người đăng ký tham gia các lớp học chứng chỉ ngắn hạn trong thời gian đại dịch đã tăng 70%, lên gần 8 triệu người, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tỷ lệ nhập học đại học giảm 16%.
Các khóa Coding boot camp mới ra đời cách đây một thập kỷ và dạy sinh viên các kỹ năng phần mềm trong vài tháng, đã cấp bằng tốt nghiệp cho khoảng 30.000 người ở Mỹ vào năm ngoái. Theo Bộ Lao động Mỹ, từ năm 2012 đến năm 2019, số người học nghề tăng gần gấp đôi, lên hơn 700.000 người, và họ đang mở rộng sang cả các ngành “cổ cồn trắng” như ngân hàng và bảo hiểm. California có kế hoạch tăng số người học nghề trong bang từ 75.000 người hiện nay lên 500.000 người vào năm 2029.
Các công ty như Google của Alphabet, Amazon và Microsoft đang tung ra các chương trình chứng nhận năng lực nghề nghiệp gắn liền với các công việc công nghệ được trả lương cao trong hoặc ngoài công ty của họ. Tháng 8 vừa qua, Google đã công bố học bổng khóa học trực tuyến sáu tháng cho 100.000 người, bao gồm cả chứng chỉ về khoa học dữ liệu. Công ty cho biết họ sẽ coi các chứng chỉ cấp sau khóa học tương đương với bằng cấp 4 năm, nếu học viên đăng ký vào một vị trí tại Google.
Christopher Dede, giáo sư tại Trường Sau đại học về Giáo dục thuộc Đại học Harvard (Harvard Graduate School of Education) và là tác giả của cuốn “The 60-Year Curriculum” (Giáo trình 60 năm), cho biết, khi đông đảo các công ty và tổ chức phi lợi nhuận tung ra các chứng chỉ của riêng họ và có giá trị trên thị trường lao động, các đại học truyền thống sẽ mất đi sự độc quyền trong việc “cấp bằng”.
“Ngay khi có đủ các nhóm từ khối công nghiệp, quân đội hoặc tổ chức phi lợi nhuận tham gia việc này, các cơ sở giáo dục sẽ bị vượt mặt; và cánh cửa việc làm sẽ được mở ra cho mọi người mà không cần phải lấy bằng cử nhân,” ông Dede nói.
Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình mới có thể thay thế giá trị biểu tượng khổng lồ của bằng cấp 4 năm hay không. Có vẻ là có: Một cuộc khảo sát năm 2019 của tập đoàn Kaplan với 2.000 phụ huynh cho thấy, 74% ủng hộ phương án sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh vừa đi làm toàn thời gian, vừa học để lấy các tín chỉ.
Điều còn thiếu trong mô hình đang lên này là trải nghiệm đại học mà học sinh trung học khao khát. Tuy nhiên, đại dịch đã làm sứt mẻ niềm tin rằng trải nghiệm này phải diễn ra trong khuôn viên trường đại học. Các nhóm sinh viên không thể quay lại trường do đại dịch trong năm nay đã thuê nhà và khách sạn để sống với bạn đồng môn trong khi tham gia các lớp học trực tuyến.
Nhà khoa học chính trị Benjamin Ginsburg ở Đại học Johns Hopkins cho biết, các trường ưu tú như Đại học Harvard và Đại học Yale sẽ tồn tại và thậm chí phát triển nhưng sẽ chiếm một vị trí nhỏ hơn trong trí tưởng tượng của mọi người, giống như các trường dự bị ngày nay.
Các trường kém danh tiếng hơn đang cố gắng thích ứng đã bắt đầu cung cấp các chương trình ngắn và tạo dựng mối quan hệ lâu dài hơn với sinh viên, chẳng hạn như cho phép các cựu sinh viên trau dồi kỹ năng thông qua các lớp học trực tuyến. Bằng cấp 4 năm sẽ được chuyển thành 3 năm và cuối cùng là 2 năm, Scott Pulsipher, chủ tịch Đại học Western Governors (Western Governors University), cho biết. Tín chỉ học tập sẽ ngày càng được cấp cho kinh nghiệm làm việc, và người lao động sẽ trở lại trường học thường xuyên hơn khi chu kỳ bán rã các kỹ năng của họ ngày càng ngắn lại do tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng nhanh.
Thay đổi này cuối cùng sẽ tạo ra những người Mỹ nhận nhiều giá trị giáo dục hơn từ một loạt các tổ chức trong suốt cuộc đời, thay vì học tập trung trong 4 năm ở trường đại học. Điều này sẽ tạo ra áp lực đối với tài trợ công để đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người - theo Cass, tác giả cuốn sách “The Once and Future Worker”. Chính phủ liên bang và tiểu bang trợ cấp cho các trường cao đẳng và đại học hàng trăm tỷ USD, số tiền đó chỉ mang lại lợi ích cho một phần nhỏ sinh viên. Còn những người khác thì sao?
Cass lập luận rằng người học có thể theo đuổi bất kỳ loại hình giáo dục hoặc đào tạo nào mà họ muốn. “Đại học cho mọi người là một hệ thống tồi tệ đến thảm họa,” Cass nói. “Nó phải thay đổi.”