Việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở hơn 70 thành viên của Thỏa ước mà còn là động lực để giúp các doanh nghiệp hoàn thiện kiểu dáng sản phẩm.

Trong cuộc trao đổi với Khoa học và Phát triển, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cho biết như vậy khi nhìn lại một năm gia nhập Thỏa ước La Hay.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN)
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN)

Thưa ông, trong năm vừa qua, một chủ đề nổi bật trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ là Việt Nam đã gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp kiểu dáng công nghiệp. Thỏa ước này sẽ tác động như thế nào tới việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp? Những lợi ích khi gia nhập Thỏa ước này là gì?

Ông Phan Ngân Sơn: Trước kia khi Việt Nam chưa là thành viên của Hệ thống La Hay, các tổ chức, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ của từng quốc gia một cách riêng rẽ, nghĩa là làm nhiều đơn bằng các ngôn ngữ khác nhau, theo các yêu cầu khác nhau về thủ tục của từng nước, sử dụng nhiều loại tiền tệ khác nhau và phải chịu nhiều khoản chi phí.

Đến nay, khi Việt Nam đã gia nhập Thỏa ước La Hay, các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể giảm thiểu cả thủ tục và chi phí khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình tại nhiều nước là thành viên của Thỏa ước thông qua việc nộp một đơn đăng ký duy nhất cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thay vì phải nộp nhiều đơn cho từng nước. Người nộp đơn đồng thời cũng dễ dàng quản lý các đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp của mình. Việc thực hiện các thủ tục sau đăng ký như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu, v.v… cũng trở nên thuận lợi hơn, chỉ cần giao dịch với một cơ quan duy nhất là Văn phòng quốc tế.

Với những lợi ích Thỏa ước La Hay mang lại cho người nộp đơn, việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, từ đó thu hút chủ sở hữu đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay chỉ định bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của họ tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước, hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có kiểu dáng công nghiệp vẫn là một điểm yếu ở Việt Nam. Vậy chúng ta đã chuẩn bị như thế nào để trở thành thành viên chính thức của Thỏa ước La Hay?

Trước khi Việt Nam chính thức gia nhập Thỏa ước La Hay, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc những điểm tương thích và những điểm khác biệt giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam về kiểu dáng công nghiệp và các quy định của Thỏa ước La Hay, cụ thể là Văn kiện Geneva 1999. Trên cơ sở đó, chúng ta đã xây dựng một danh mục các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước La Hay để đưa vào Văn kiện gia nhập nhằm bảo lưu một số quy định của Việt Nam trong khi chưa thể sửa đổi các quy định luật pháp.

Trong quá trình chuẩn bị gia nhập Thỏa ước La Hay, chúng ta cũng tiến hành một số hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, cụ thể như việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã là thành viên của Thỏa ước và có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về hệ thống thẩm định nội dung kiểu dáng công nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng có nhiều phiên trao đổi thông tin và làm việc với WIPO nhằm thống nhất một số vấn đề liên quan đến Văn kiện gia nhập, các tuyên bố của Việt Nam cũng như thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin kết nối giữa hai cơ quan để trao đổi công văn, tài liệu sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Thỏa ước La Hay.

Ảnh minh họa trong ấn phẩm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về Hệ thống La Hay của Cục Sở hữu trí tuệ.
Ảnh minh họa trong ấn phẩm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về Hệ thống La Hay của Cục Sở hữu trí tuệ.

Ông vừa cho biết chúng ta đã xây dựng một danh mục các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước La Hay để đưa vào Văn kiện gia nhập nhằm bảo lưu một số quy định của Việt Nam trong khi chưa thể sửa đổi các quy định luật pháp còn khác biệt. Cụ thể những khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và Thỏa ước La Hay là gì thưa ông?

Hiện vẫn còn tồn tại những khác biệt về quy định liên quan đến bảo hộ kiểu dáng công nghiệp giữa pháp luật Việt Nam và Thoả ước La Hay như Việt Nam chưa chấp nhận cơ chế bảo hộ kiểu dáng công nghiệp riêng phần, yêu cầu một đơn chỉ đăng ký một kiểu dáng công nghiệp duy nhất trừ trường hợp đơn nộp cho nhiều phương án của cùng một kiểu dáng công nghiệp hoặc đăng ký cho một bộ sản phẩm, đơn yêu cầu phải có phần mô tả chi tiết các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp. Các quy định này mâu thuẫn với những lợi ích mà Thỏa ước La Hay mang lại cho người nộp đơn, do đó khi chỉ định Việt Nam, người nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chưa thực sự tận dụng được những ưu điểm của Hệ thống La Hay. Trong thời gian tới, Việt Nam cần rà soát lại các quy định pháp luật về kiểu dáng công nghiệp để sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu hướng trên thế giới. Sau khi Việt Nam đã điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng phù hợp hơn với Thỏa ước La Hay và xu hướng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên thế giới, chúng ta sẽ từng bước rút bỏ hoặc thay thế các tuyên bố này.

Thời hạn ra thông báo từ chối bảo hộ đối với đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay chỉ là sáu tháng kể từ ngày công bố đăng ký quốc tế, nếu hết thời hạn trên mà không có thông báo từ chối thì kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam mặc nhiên được bảo hộ tại Việt Nam. Điều này tạo nên áp lực cho Cục Sở hữu trí tuệ trong việc thẩm định đơn kiểu dáng công nghiệp. Đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp chỉ định Việt Nam được xử lý bằng tiếng Anh nên thẩm định viên phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để thực hiện công việc.

Việc xử lý thêm đơn quốc tế bên cạnh lượng đơn quốc gia ngày càng tăng cũng đòi hỏi Cục Sở hữu trí tuệ phải đầu tư, nâng cấp cả về cơ sở hạ tầng lẫn nguồn nhân lực mà trước hết là phải hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm cả trang thiết bị, máy móc và các phần mềm cần thiết cho công tác xử lý đơn quốc tế như công cụ cập nhật cơ sở dữ liệu từ công báo quốc tế của WIPO, công cụ quản trị và thẩm định đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam, công cụ quản trị đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có nguồn gốc Việt Nam.

Doanh nghiệp là đối tượng chính được hưởng lợi từ Thỏa ước này. Vậy Cục Sở hữu trí tuệ đã có những hỗ trợ gì để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội mà Thỏa ước La Hay mang lại?

Cả trước và sau khi Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với WIPO hoặc chủ động tổ chức một số buổi hội thảo giới thiệu về hệ thống La Hay ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với thành phần tham dự chính là các doanh nghiệp. Thông qua các buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đều đã nhận thức rõ về lợi ích của hệ thống La Hay và việc Việt Nam gia nhập hệ thống La Hay đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn trong nước và quốc tế trong việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Các đại biểu tham dự cũng hiểu rõ hơn quy trình, thủ tục, cách thức chuẩn bị và nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, từ đó có thể tận dụng tối đa các tính năng ưu việt của hệ thống và đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.

Trong thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phát hành và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ một số tài liệu giới thiệu, hướng dẫn về Thỏa ước La Hay để phổ biến thông tin, kiến thức và cách thức sử dụng hệ thống này tới cộng đồng doanh nghiệp và những người có quan tâm đến đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài. Các tài liệu này đã được chúng tôi phát cho các đại biểu tham dự các cuộc hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức và tại gian hàng tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest Quốc gia 2020) vừa mới được tổ chức cuối tháng 11/2020.

Các đối tượng có nhu cầu tìm hiểu thông tin về Thỏa ước La Hay, về thủ tục nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay cũng được Cục Sở hữu trí tuệ tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại trụ sở của Cục.

Ngoài ra, trong các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ nói chung và về kiểu dáng công nghiệp nói riêng do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hoặc tham gia giảng dạy, nội dung về Thỏa ước La Hay cũng đã được các giảng viên đưa vào trong thời gian gần đây để các học viên có được kiến thức tổng quan về hệ thống này.

Để tận dụng lợi ích của Thỏa ước La Hay, trong thời gian tới Cục Sở hữu trí tuệ sẽ triển khai những hoạt động gì thưa ông?

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc tham gia Thỏa ước La Hay, Chính phủ và các cấp, các ngành đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao nhằm triển khai thực hiện Thỏa ước tại Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ thông qua Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp và Quyết định số 2853/QĐ-BKHCN ngày 22/10/2020 nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ được phân công chủ trì, phối hợp với các đơn vị theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch.

Với nhiệm vụ được phân công, Cục Sở hữu trí tuệ đã đề ra nhiều hoạt động nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước, tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến kiểu dáng công nghiệp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Thỏa ước La Hay nhằm nội luật hóa các quy định, từng bước rút các tuyên bố của Việt nam đã nộp theo văn kiện gia nhập và khẩn trương chuẩn bị các nguồn lực cả về nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin… nhằm phục vụ cho công tác tiếp nhận và xử lý đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin về Thỏa ước, nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, nâng cao kiến thức về việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay cho các đối tượng làm việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các đại diện sở hữu công nghiệp thông qua các buổi hội thảo, khóa đào tạo... giúp họ có đủ chuyên môn để tư vấn và hỗ trợ người nộp đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

.

Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đã định ra rất nhiều nội dung công việc về công tác xây dựng pháp luật gồm: Rà soát các quy định pháp luật hiện nay như Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đảm bảo phù hợp với Thỏa ước La Hay nhằm nội luật hóa các quy định, rút dần các tuyên bố của Việt Nam nộp theo văn kiện gia nhập.

Công tác chuẩn bị nguồn lực cho Cục Sở hữu trí tuệ gồm có xây dựng hệ thống phần mềm tại Cục Sở hữu trí tuệ phục vụ cho công việc xử lý đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp bao gồm cơ sở dữ liệu đơn quốc tế, chương trình tiếp nhận đơn, chương trình cập nhật dữ liệu, chương trình tra cứu, chương trình quản trị và xử lý đơn...; Thiết lập hệ thống phần cứng tại Cục Sở hữu trí tuệ phục vụ công việc xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm hệ thống máy tính, máy in, máy quét chất lượng cao, hệ thống đường truyền internet có tốc độ cao, ổn định; Tổ chức, xây dựng, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp...