Là kênh tham khảo chủ yếu của hệ thống giáo dục quốc gia, sách giáo khoa (SGK) lịch sử luôn chịu ảnh hưởng của những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa hoặc là trở thành một dạng biểu hiện chủ nghĩa dân tộc trong giáo dục.
Ở Nhật Bản, không ít tác giả biên soạn một số bộ SGK, nhìn từ quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực hữu, đã công khai biện hộ chủ nghĩa quân phiệt và hành động chiến tranh của Đại đế quốc Nhật Bản trong giai đoạn Chiến tranh Thái Bình Dương (1941 – 1945). Dù vấp phải làn sóng lên án từ các nhóm xã hội dân sự theo đường lối hòa bình, tư tưởng cực đoan vẫn len lỏi vào giáo dục lịch sử tại Nhật Bản. Việc phủ nhận tội ác của quân đội Nhật ở Trung Quốc, Đông Nam Á như thảm sát thường dân, nô lệ tình dục, thí nghiệm khoa học phi pháp hay tranh cãi chủ quyền trên các hải đảo liên tục gây nên làn sóng công phẫn, phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và đặc biệt ở Hàn Quốc.
Ở bình diện khu vực, một dự án biên soạn SGK lịch sử chung cho khu vực Đông Á (năm 2005) với sự hợp tác của các nhà sử học, giáo dục học từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản từng thất bại bởi không chính quyền nào chấp nhận đưa sách vào chương trình giảng dạy. Các sáng kiến chứa đựng trong bộ SGK này đáng ra có thể góp phần xoa dịu căng thẳng ở Đông Á sau nhiều xung đột trong lịch sử, nhưng đã không thể vượt qua các rào cản dân tộc chủ nghĩa vốn chi phối cách người Đông Á nhìn nhận những láng giềng của mình.
Vào năm 2013, chuyên khảo “Designing History in the East Asia Textbooks” chủ biên bởi GS. Gotelind Muller từ Đại học Heidelberg, CHLB Đức thu hút giới nghiên cứu lịch sử và giáo dục châu Á trên khắp thế giới bởi đã đề cập tới một chủ đề khá nhạy cảm mà giới chính trị cũng như giới khoa học Đông Á thường né tránh. Gotelind Muller nhấn mạnh SGK lịch sử thường là một công cụ chính trị phổ biến để tạo nên những diễn ngôn rất đặc trưng cho bản sắc dân tộc Đông Á. “Mặc dù không phải môn học duy nhất liên quan tới các dự án quan phương định hình bản sắc dân tộc, [SGK lịch sử] lại thường là phương tiện chính yếu dành cho các chương trình chính thống nhằm xã hội hóa vấn đề chính trị,” GS. Muller nhận định.
Theo GS. Eckhardt Fuchs (Viện Georg Eckert về Nghiên cứu SGK Quốc tế - Đức), SGK lịch sử là ví dụ điển hình cho cố gắng kiến tạo bản sắc dân tộc của các quốc gia-dân tộc hiện đại kể từ khi SGK ra đời vào thế kỉ XIX – trùng với thời điểm trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hiện đại và định hình rõ nét nhất cách hiểu về dân tộc ngày nay. Sang đến thế kỷ XX, vấn đề về national identity – bản sắc/bản dạng/căn cước dân tộc/quốc dân tiếp tục được lặp lại tại thế giới “hậu thuộc địa” – nơi các quốc gia-dân tộc mới sinh ra từ phong trào chống thực dân đã liên tục kiến tạo nhận thức về quá khứ lịch sử của “Ta” (trong đối lập với “Họ”). Các câu chuyện quốc gia được chuyển hóa thành bài học lịch sử trong SGK dành cho học sinh, có thể “đóng đinh” và kéo dài những định kiến, hiềm khích và đối kháng.
Việc đề cao một cách thái quá bản sắc dân tộc còn cản trở việc xem xét các bản sắc đa dạng khác. Trong thời điểm các xu hướng chính trị - xã hội đối lập ngày càng gia tăng: khu vực hóa và toàn cầu hóa diễn ra song song với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc mới (neo-nationalism), nhất thể hóa EU đi liền với Brexit, chủ nghĩa dân tộc da trắng tại nước Mỹ thời Donald Trump song hành với các dòng nhập cư,... thì hình dung về một thứ “bản sắc dân tộc” “bền vững” sẽ hoàn toàn biến dạng hoặc bị cọ xát đến mức vỡ vụn. Cuộc đảo lộn toàn cầu hiện nay mà Công nghệ 4.0 mang tới sẽ càng khiến thế giới chúng ta sống vừa “phẳng” hơn vừa nhiều nguy cơ hơn. Nếu như những người biên soạn SGK, học giả cố tình phớt lờ thực tế đó, sẽ không bao giờ có các bộ SGK lịch sử thực sự chất lượng và mang tính nhân văn.
Lối đi giữa những lằn ranh
Sự thật là, lịch sử không phải câu chuyện duy nhất được kể bởi một nhóm người duy nhất, nó là tập hợp của vô số những câu chuyện đến từ tất cả các nhóm trong một xã hội. Và một bộ SGK lịch sử nên thể hiện được điều này: nó phải tìm kiếm con đường đi giữa những lằn ranh được tạo ra từ các tương tác trong xã hội hiện đại. SGK lịch sử cần thể hiện khả năng bao gộp, chứa đựng câu chuyện của cả các cộng đồng yếu thế (các nhóm nhập cư, dân tộc thiểu số, giới tính...), nhiều “giọng”, nhiều thanh điệu. Khi không còn vách ngăn của sự phân biệt giới tính, tôn giáo, văn hóa, nguồn gốc, địa vị, đẳng cấp,... SGK mới chứng minh đầy đủ chức năng giáo dục của mình. Trong tương lai gần, chính các phong trào xã hội dân sự, đại chúng hóa tri thức, Internet, mô hình giáo dục truyền thông số… có thể tạo ra áp lực tới những người biên soạn SGK lịch sử, giới sử học cũng như các nhà hoạch định chính sách cân nhắc về tính đa dạng và bao gộp của công trình giáo dục họ xây dựng.
Nhưng SGK lịch sử dù muốn hay không không thể hoàn toàn vượt thoát khỏi ảnh hưởng của các dự án chính trị nhà nước-dân tộc, nó phải tiếp tục đóng vai trò đảm bảo cân bằng mong manh giữa tri thức học thuật và quyền lực chính trị. Bất kể thể chế nào, dù là hệ thống dân chủ cao hay ít dân chủ đều sở hữu cơ chế cho phép nhà nước can thiệp vào việc biên soạn SGK, cụ thể là SGK lịch sử. Mức độ can dự khác nhau phụ thuộc vào quy định luật pháp. Sự can dự này có thể đi theo hướng cố gắng giảm thiểu diễn ngôn có thể gây phương hại tới trật tự chung, tính ổn định và tính thống nhất của cộng đồng quốc gia-dân tộc, cũng như các rủi ro đối ngoại.
“Chắc chắn bây giờ chúng tôi sẽ viết kỹ hơn, rõ ràng hơn, và sẽ viết đúng với sự thật nó diễn ra như thế nào [trong Chiến tranh Biên giới 1979]. Tôi cũng hiểu GS. [Fuchs] có nói là SGK vừa mang tính chất khoa học vừa mang tính chất chính trị, cho nên cũng có thể có cách viết đúng sự thật, nhưng có thể làm thế nào cho nó mềm dẻo trong SGK của chúng tôi [Việt Nam].
“Và cũng như vậy thì chúng tôi định hướng rằng: những nước mà có quan hệ gần với [Việt Nam] thì chúng tôi viết kỹ hơn trong chương trình mới, [như] nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; cũng như các nước Đông Nam Á, [như] Lào, Campuchia chúng tôi càng viết kỹ hơn. Nhưng hiện nay thì Việt Nam chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” với 5 bộ SGK thì có thể các tác giả từng bộ SGK viết dung lượng có thể khác nhau.”
GS.TS. Nghiêm Đình Vỳ
Làm thế nào để hài hòa lợi ích của nhà khoa học với chính quyền, giữa nhu cầu truy cầu tri thức với mong muốn quản trị xã hội của nhà nước? Làm sao để thương thảo giữa các nhóm và ai có thể đưa ra điều kiện hay nhượng bộ?
Cơ chế kiểm định cùng việc tự do lựa chọn SGK giúp khắc phục tình trạng lưỡng nan này. Sức ép từ dư luận xã hội, tiếng nói phản biện từ giới chuyên môn hàn lâm có thể tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực hơn cho các bộ SGK trong tương lai. Trong khi ở cấp độ thấp hơn, cách tiếp cận đa thuyết (Multiperspective Narrative Approach) giúp cung cấp nhiều câu chuyện kể bởi nhiều chủ thể khác nhau cùng hiện diện trong bộ SGK lịch sử sẽ giúp người học có cơ hội tự xây dựng nên nhận thức lịch sử cho bản thân. Lịch sử lúc đó mới chính là cuộc cạnh tranh của các cách nhìn, các diễn ngôn. Ví dụ của cách tiếp cận này có thể thấy trong các dự án SGK lịch sử chung tại châu Âu, điển hình như giữa Đức – Pháp hay Đức – Ba Lan.
Cuối cùng chính toàn cầu hóa lại đang cung cấp câu trả lời cho việc chúng ta nên giải quyết thách thức về SGK lịch sử như thế nào. Đó không gì khác ngoài ba chiến lược: tái hiện các bản sắc đa dạng, xây dựng và sử dụng hệ thống thuật ngữ khái niệm thống nhất toàn cầu và loại bỏ khuôn mẫu của định kiến và nhấn mạnh các quyền con người.
Bài học từ Châu Âu GS. Eckhardt Fuchs cũng chia sẻ về ví dụ của tiếp cận đa thuyết trong các dự án SGK chung giữa Đức - Pháp hay Đức – Ba Lan. Với dự án SGK gần đây nhất là bộ SGK chung “Châu Âu - Lịch sử của chúng ta” 4 tập do các học giả và chuyên gia từ hai nước Đức và Ba Lan cùng biên soạn, tiếp cận được xây dựng nhằm mục tiêu phá bỏ các định kiến cũ tồn tại trong cách nhìn lịch sử giữa hai nước, hay rộng hơn giữa Đông và Tây Âu.
Đức và Ba Lan đã có nhiều xung đột trong lịch sử, với cuộc Chiến tranh Thế giới lần 2 là một vết thương lớn trong quan hệ hai nước - từ đó tạo nên nhiều quan điểm đối lập nhau khi cùng nhìn về quá khứ. Một trong số đó là sự kiện người Đức bị trục xuất khỏi những lãnh thổ phía Đông (Đông Phổ cũ) sau năm 1945 khi chúng trở thành đất Ba Lan.
“Ở điểm nhìn của phía Đức, đây được coi như một hành động bạo lực sai trái chống lại thường dân. Trong khi đó, người Ba Lan cho đó là sự trừng phạt với những kẻ khiêu chiến,” GS. Fuchs nói. “Đó là hai diễn giải khác nhau về cùng một sự kiện lịch sử. Cả hai đều có một phần sự thật trong nó.” Giải pháp là trình bày cho học sinh cách diễn giải và bằng chứng của cả hai phía: “SGK sẽ đưa ra các tư liệu lịch sử đối lập từ hai phía và đặt chúng cạnh nhau: một bà mẹ Đức từng sống ở đất cũ, hay một người Ba Lan lấy được nhà [ở đất Đức cũ] sau chiến tranh.” Cách làm này khuyến khích học sinh hai nước tiếp cận đa dạng các góc nhìn, từ đó hiểu được cách lịch sử được viết ra, và có thêm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Nhóm biên soạn bộ SGK chung Đức - Ba Lan được thành lập sau thỏa thuận của chính phủ hai nước vào năm 2008. Tập đầu tiên được xuất bản năm 2016 và tập cuối cùng về lịch sử từ năm 1919 đến nay sẽ xuất bản vào năm 2020 tới. |