Về tổng thể, hiệu quả của việc đóng cửa trường học khi có dịch bệnh phụ thuộc vào thời gian đóng cửa – một nghiên cứu chỉ ra.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, nhóm của tác giả Bruce Y. Lee - Giáo sư chính sách và quản lý y tế và Giám đốc điều hành PHICOR (Nghiên cứu tính toán và vận hành y tế công cộng) tại Trường Cao học về Chính sách Sức khỏe và Sức khỏe Cộng đồng, ĐH Thành phố New York (CUNY) - đã sử dụng các mô hình máy tính để mô phỏng các dịch cúm khác nhau và tác động của việc đóng cửa các trường học trong các khoảng thời gian khác nhau.

Như đã đăng trên tạp chí Journal of Public Health Management and Practice, các thí nghiệm mô phỏng của nhóm cho thấy để giảm đáng kể quy mô vụ dịch hoặc thời gian xảy ra dịch bệnh, các trường học phải đóng cửa đủ lâu, cho đến khi virus không còn lưu hành. Nếu mở trường học trở lại trong khi dịch bệnh vẫn đang xảy ra thì việc đóng cửa trường học ngay từ đầu có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

“Hãy nghĩ về dịch bệnh như một ngọn lửa đang cháy và trẻ con như đống gỗ. Cách làm nào sẽ giữ cho ngọn lửa cháy trong một khoảng thời gian dài hơn: cho tất cả gỗ vào ngay từ đầu hay đợi lửa gần tắt rồi mới cho thêm gỗ vào? Cách làm thứ hai tiết kiệm gỗ và dùng số gỗ này để tiếp nhiên liệu cho ngọn lửa khi nó đã gần tắt,” Bruce Lee nhấn mạnh.