Các văn phòng Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) châu Á Thái Bình Dương kêu gọi các quốc gia trong khu vực cchấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi các dịch bệnh tương tự như COVID-19.
Đồng thời WWF kêu gọi các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đưa ra quyết định tương tự để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của người dân.
"Sự xuất hiện và lây lan của COVID-19 và các dịch bệnh tương tự như SARS, MERS trong những năm gần đây đã cho thấy sự nguy hiểm của việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã đối với sức khoẻ con người. Và với tình hình lây nhiễm phức tạp của COVID-19 như hiện nay, hành động của một quốc gia thôi là không đủ," thông cáo của WWF viết.
Bức ảnh chụp tại Pekanbaru, tỉnh Riau, Indonesia vào ngày 25 tháng 10 năm 2017 sau một cuộc đột kích ở Pekanbaru. Tê tê đang bị nghi ngờ là nguồn gốc động vật của dịch COVID-19 (vius SARS-CoV-2), thịt và vẩy tê tê thường được tiêu thụ ở Trung Quốc để làm các bài thuốc cổ truyền.
Thiệt hại do COVID-19 gây ra cho mỗi quốc gia, mỗi khu vực và cho toàn thế giới đã lên đến hàng tỷ đô la và sẽ còn tác động lên nền kinh tế trong nhiều năm tới.
"Chúng ta cần hành động khẩn trương hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ các dịch bệnh mới có thể bùng phát," theo WWF.
Các Giám đốc điều hành của các văn phòng WWF Châu Á Thái Bình Dương cũng kêu gọi chính phủ các nước ở Đông Á và Đông Nam Á tiếp bước Trung Quốc ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã.
Đông Nam Á vẫn nổi tiếng là nơi cung cấp sản phẩm các loài hoang dã và là nơi trung chuyển các sản phẩm này tới thị trường Trung Quốc.
Thịt động vật hoang dã có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại. Nhưng ăn thịt động vật hoang dã lại rất phổ biến trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Quốc.
"Để giải quyết vấn đề đã và đang gây ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng này, cụ thể là sử dụng và vận chuyển động vật hoang dã, chúng tôi kêu gọi các Bộ, ngành chịu trách nhiệm về bảo tồn và quản lý các loài hoang dã và về sức khoẻ cộng đồng cùng nỗ lực để tăng cường giám sát thị trường, truyền thông cho công chúng và chấm dứt việc mua bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ động vật hoang dã," WWF khuyến cáo.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cần có những hành động quyết liệt tương tự để đóng cửa các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, đồng thời cấm vĩnh viễn tiêu thụ động vật hoang dã, bao gồm cả cấm tiêu thụ thịt thú rừng và sử dụng các bộ phận của chúng làm thuốc. Đã đến lúc chúng ta ngừng biện minh rằng sử dụng động vật hoang dã là thói quen lâu đời khó bỏ. Sức khỏe của người dân, sự ổn định về kinh tế, hệ số tín nhiệm quốc gia và an sinh xã hội cần được đặt lên hàng đầu”.
Nguồn:
WWF, PanNature