Chính sách mới của Trung Quốc tìm cách khắc phục động lực xấu đằng sau văn hóa ‘xuất bản hoặc chết'.

Trung Quốc yêu cầu các tổ chức nghiên cứu ngừng thưởng tiền cho việc xuất bản trên các tạp chí. Đây là một phần của chính sách mới, nhằm giảm các hành vi gian lận hoặc khuyến khích các nhà khoa học xuất bản nhiều bài báo thay vì tập trung vào các nghiên cứu có ảnh hưởng.

Với hơn bốn triệu nhà nghiên cứu, Trung Quốc có nhiều nhân lực khoa học và công nghệ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2008, nước này đã vượt qua Vương quốc Anh về số lượng bài báo được lập chỉ mục trên Web of Science, và hiện đứng thứ hai trên thế giới. Năm 2018, Trung Quốc xuất bản 412.000 bài báo.

Nhưng Trung Quốc cũng sản xuất một tỉ lệ quá lớn các bình duyệt giả và các ấn phẩm đạo văn hoặc gian dối trên tổng số xuất bản của họ. Trung Quốc xuất bản 8% các bài báo khoa học của thế giới, nhưng số lượng bài báo bị rút lại (chỉ tính đến năm 2017) chiếm đến 24% các bài báo bị rút lại trên toàn thế giới.

Trung Quốc (màu cam) xuất bản 8% các bài báo khoa học của thế giới, nhưng số lượng bài báo bị rút lại (chỉ tính đến năm 2017) chiếm đến 24% các bài báo bị rút lại trên toàn thế giới.

Tuần trước, Bộ Khoa học và Giáo dục của Trung Quốc ra chỉ thị, theo đó các tổ chức không được quảng bá hoặc tuyển dụng các nhà nghiên cứu chỉ dựa trên số lượng bài báo mà họ công bố, hoặc số lượng trích dẫn. Các nhà nghiên cứu hoan nghênh chính sách này, nhưng nói rằng nó cũng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh trong khoa học của Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, một trong những chỉ số chính hiện đang được sử dụng để đánh giá các nhà nghiên cứu, phân bổ tài trợ và xếp hạng các tổ chức là số liệu được thu thập bởi Chỉ số trích dẫn khoa học (SCI) - cơ sở dữ liệu các bài báo và hồ sơ trích dẫn cho hơn 9.000 tạp chí. Kể từ năm 2009, số lượng bài báo của các tác giả Trung Quốc trong các tạp chí này đã tăng từ khoảng 120.000/năm lên 450.000 vào năm 2019. Một số tổ chức thậm chí còn thưởng tiền cho các nhà nghiên cứu có công bố quốc tế.

Những động lực này đã khuyến khích các nhà nghiên cứu chạy theo số lượng thay vì chất lượng, Jin Xuan, kỹ sư hóa học tại Đại học Loughborough, Vương quốc Anh, cho biết. Bằng chứng cho thấy rằng việc tập trung vào các chỉ số đo lường cũng đã thúc đẩy các hành vi sai trái, chẳng hạn như các nhà nghiên cứu đạo văn hoặc gian dối để tăng số lượng trích dẫn.

Mục tiêu của chính sách mới không nhằm phản đối các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố trên các tạp chí SCI, mà là ngăn chặn các hoạt động công bố và trích dẫn không phù hợp, Tang Li, nhà nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết.

Năm qua, cộng đồng khoa học đã đối chiếu hàng trăm bài báo của các tác giả Trung Quốc bị nghi vấn gian lận do chứa hình ảnh trùng lặp và bố cục giống nhau. Các nhà xuất bản tạp chí cũng nói rằng họ đang điều tra vấn đề này. Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nhiều bài báo được sản xuất để đáp ứng chỉ tiêu xuất bản.

Một nhà nghiên cứu xếp các thùng đựng chuột tại một cơ sở nhân giống gần Quảng Châu, Trung Quốc.

Những tranh cãi về cách đánh giá mới

Theo chính sách mới của Trung Quốc, các đánh giá nhà nghiên cứu giờ đây cần sử dụng các chỉ số về chất lượng nghiên cứu (như mức độ đổi mới của công việc, liệu nó thể hiện một tiến bộ khoa học quan trọng hay đóng góp của nghiên cứu trong việc giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng). Những đánh giá này cũng nên dựa nhiều hơn vào ý kiến chuyên môn của các đồng nghiệp, chuyên gia và xem xét các nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí Trung Quốc, nhiều tạp chí trong số đó không được liệt kê trong SCI.

Futao Huang, người nghiên cứu chính sách giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, nghĩ rằng các biện pháp mới có thể dẫn đến việc giảm số lượng bài báo kém chất lượng hoặc gian lận, nhưng cũng có thể làm sụt giảm số lượng xuất bản của Trung Quốc trên các tạp chí được lập chỉ mục vì các nhà nghiên cứu sẽ ít cảm thấy áp lực phải xuất bản để đạt được bằng cấp, sự thăng tiến hoặc tài trợ.

Số lượng xuất bản trên các tạp chí được lập chỉ mục giảm có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh nghiên cứu của Trung Quốc, Huang nói. Các nhà nghiên cứu quốc tế có thể không muốn hợp tác với các học giả Trung Quốc nếu họ không có hồ sơ xuất bản trong các tạp chí này. Số lượng bài báo giảm cũng có thể làm tụt hạng các trường đại học Trung Quốc trong các bảng xếp hạng quốc tế, theo Huang.

Trong khi đó, Xuan nói rằng việc tập trung vào đánh giá các nhà nghiên cứu trên cơ sở bài báo đăng trên các tạp chí Trung Quốc đang gây tranh cãi, bởi vì đa phần các tạp chí này dùng tiếng Trung, và không được các nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc biết đến. "Trong một chừng mực nào đó, điều này sẽ cô lập các nhà nghiên cứu Trung Quốc khỏi cộng đồng nghiên cứu toàn cầu," ông nói.

Các nhà khoa học khác thì bày tỏ lo ngại về việc cách đánh giá mới phụ thuộc quá nhiều vào bình duyệt chủ quan và có thể tạo ra xung đột lợi ích hoặc quá chú trọng vào các mối quan hệ cá nhân. Nếu không có tiêu chí đánh giá minh bạch và nhất quán, có nguy cơ các nhà nghiên cứu không được đánh giá dựa trên năng lực thực sự, Tang nói.

Các biện pháp mới sẽ áp dụng cho học viên cao học và các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu và bệnh viện nghiên cứu ở Trung Quốc.

Các Bộ đã yêu cầu các trường đại học nghiên cứu mạnh sửa đổi chính sách đánh giá của họ trước ngày 31/7.

Các tổ chức nào không tuân thủ chính sách mới sẽ bị đình chỉ kinh phí.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-020-00574-8
https://www.nature.com/articles/d41586-019-03613-1