Trong khi mải bận tâm về tiêu chí, chương trình và chiến lược dạy học, chúng ta dễ dàng quên đi mục đích lớn phía sau giáo dục là: trao cho học sinh công cụ làm tăng số lượng và chất lượng những hiểu biết của các em.

Nếu không có nếp tư duy, chúng ta sẽ luôn chờ ai đó điều khiển suy nghĩ của mình. Ảnh: INT
Nếu không có nếp tư duy, chúng ta sẽ luôn chờ ai đó điều khiển suy nghĩ của mình. Ảnh: INT

Tại hội thảo “Bộ não và học tập”, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Project Zero - Ron Richhart, nói rằng, nếu không có những chiến lược phong phú cho tư duy của mình, chúng ta sẽ luôn chờ ai đó điều khiển suy nghĩ của mình.

Giúp học sinh “học cách học” hoặc theo như thuật ngữ của Ritchhart: trở thành “những người tư duy siêu chiến lược” chính là điều cốt tử cho việc nhận thức và trở thành một người học tập suốt đời.

Để khám phá học sinh nhìn nhận như thế nào về tư duy của mình ở các độ tuổi khác nhau, Ritchhart đang làm việc với các trường học nhằm xây dựng “những văn hóa tư duy”. Lý thuyết của ông là: nếu những nhà giáo có thể làm cho tư duy trực quan hơn và giúp học sinh hình thành nếp tư duy thì suy nghĩ của các em về mọi thứ sẽ sâu sắc hơn.

Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng khi học sinh khối 4 được yêu cầu phát triển một bản đồ khái niệm về “tư duy”, hầu hết các em đều chỉ tập trung vào điều mình nghĩ. “Khi học sinh không có một chiến lược tư duy, thì đó là cách mà các em phản hồi”, Richhart cho biết. Rất nhiều học sinh lớp 5 bắt đầu thêm vào những phạm trù rộng hơn về tư duy trong bản đồ khái niệm như là “giải quyết vấn đề” hay “sự nhận thức”. Những thứ đó có liên quan với tư duy, nhưng học sinh lớp 5 thường chưa thực sự chạm được tới quá trình tư duy.

Từ lớp 6 trở lên, một số học sinh bắt đầu thêm vào một vài chiến lược tư duy trong bản đồ của các em, như: “tập trung”, “đừng lạc vào những vấn đề không liên quan”. Nhưng chỉ đến lớp 9 trở lên thì mới có nhiều học sinh thêm vào các chiến lược tư duy đặc thù trong bản đồ khái niệm của các em, bao gồm: “tạo ra những liên kết”, “so sánh”, “chia nhỏ vấn đề”.

Ritchhart đã nghiên cứu 400 em học sinh tại một trường học đặt mục tiêu nuôi dưỡng văn hóa tư duy. Nghiên cứu này không có nhóm kiểm soát nào cả, nhưng Richhart có thể lập biểu đồ về sự phát triển siêu nhận thức của học sinh từ lớp 4 tới lớp 11. Ông thừa nhận rằng nghiên cứu vẫn chưa đi đến cùng, nhưng đối với ông, nó là bằng chứng cho thấy một khi các giáo viên tập trung vào xây dựng nếp tư duy cho học sinh, họ sẽ nhận thấy sự cải thiện.

THẤY CÔ CÓ THỂ GIÚP GÌ?

Ritchhart và đồng nghiệp tập trung vào một danh sách rút gọn “những bước tư duy” liên quan tới nhận thức. Để kiểm tra xem những bước này có vai trò như thế nào, các nhà nghiên cứu tìm cách trả lời câu hỏi: Liệu học sinh có thể nói mình thực sự hiểu điều mình nói không khi các em chưa hề tham gia vào các bước tư duy này? Các nhà nghiên cứu tin rằng “những bước tư duy” quan trọng dẫn tới nhận thức là:

● Đặt tên: có khả năng nhận diện các bộ phận hoặc các mảnh ghép của một vật

● Truy vấn

● Xem xét các khía cạnh và các quan điểm khác nhau

● Biện luận với bằng chứng

● Tạo ra các liên kết với những hiểu biết trước đó, các lát cắt ngang các lĩnh vực, kể cả là trong cuộc sống cá nhân

● Bóc tách những vấn đề phức tạp

● Nắm bắt được cốt lõi và đưa ra kết luận chắc chắn

● Xây dựng các kiến giải, diễn giải và các giả thiết.

Những bước tư duy này đều dẫn đến một kết luận rằng việc học tập không diễn ra một cách đơn thuần thông qua việc cung cấp các thông tin. “Việc học chỉ xảy ra khi mà người học làm ra cái gì đó với những thông tin đã cho” - Ritchhart cho biết. “Vậy nên, là những nhà giáo, chúng ta không chỉ nghĩ tới việc làm sao để truyền tải nội dung bài học cho các em, mà cần phải tính xem chúng ta sẽ khiến học sinh làm gì với những nội dung đó.”

Để làm được điều đó, thầy cô có thể yêu cầu học sinh suy nghĩ về bài học và nhận dạng các kiểu suy nghĩ mà các em đã sử dụng trong giờ học. Cách này không chỉ tăng vốn từ của các em về tư duy mà nó còn thường trao cho các em sự tự tin để gọi tên các chiến lược tư duy đặc thù mình đã sử dụng. Dành những khoảng thời gian để chiêm nghiệm cũng là một cách nhắc học sinh rằng các em đã thực sự làm việc trong suốt tiết học.

NẾP TƯ DUY

Để hiểu cách các giáo viên làm cho việc tư duy được trực quan hơn, Ritchhart đã tìm hiểu cách dạy học của một số giáo viên, những người thực sự giúp học sinh đào sâu xuống bên dưới bề mặt của việc ghi nhớ thông tin.

Kết quả, ông và các đồng nghiệp ở Project Zero đã thiết kế ra các “thói quen tư duy” mà mọi giáo viên có thể sử dụng để giúp học sinh hình thành các nếp tư duy dẫn tới nhận thức tốt hơn.

Một cách để phát triển văn hóa tư duy là chọn ra một trong số các thói quen tư duy do Project Zero đã thiết kế ra và sử dụng nó trong nhiều bối cảnh đa dạng. Áp dụng một thói quen bằng nhiều cách sẽ giúp hình thành nếp tư duy hiệu quả, hơn là chỉ áp dụng một lần cho từng thói quen. Một ví dụ nằm ngoài phổ mầm non - lớp 12 cho việc áp dụng thói quen tư duy được lấy từ thực nghiệm ở Trường Y thuộc Đại học Harvard, theo đó, nhà trường cung cấp một học phần không bắt buộc cho sinh viên: mỗi tuần một lần, các sinh viên sẽ tham gia một khóa học nghệ thuật sử dụng thói quen tư duy “Nhìn, Nghĩ, Tự hỏi” để quan sát các tác phẩm nghệ thuật. Sau 10 tuần, tất cả các sinh viên Y khoa đã thực hành lối tư duy “Nhìn, Nghĩ, Tự hỏi” đều được đánh giá tiến bộ rất nhiều về khả năng chẩn đoán bệnh so với những sinh viên không thực hành.

“Một trong những lý do khiến chúng tôi gọi chúng là ‘thói quen tư duy’ là bởi qua việc sử dụng chúng thì việc tư duy trở thành một nếp” - Ritchhart nói. Project Zero đang cùng giáo viên khắp nước Mỹ vận dụng các thói quen tư duy vào trong lớp học và rất nhiều người đã báo cáo rằng sau vài lần thực hiện theo hướng dẫn, các em học sinh bắt đầu sử dụng các quy tắc này một cách tự nhiên cho mọi thứ.

21 thói quen tư duy có thể thực hành trong lớp học

Theo Project Zero, thói quen tư duy là một chuỗi các hành động được thiết kế để đạt một kết quả cụ thể. Chúng là cơ sở hạ tầng cho lớp học, định hướng phần lớn các hoạt động xảy ra ở lớp theo cách giúp giảm thiểu nhầm lẫn và sự mơ hồ, và cuối cùng trở thành các mẫu hành vi cho cả cá nhân và nhóm.

Một bài thực hành thói quen tư duy “Nhìn, Nghĩ, Tự hỏi”. Ảnh: INT
Một bài thực hành thói quen tư duy “Nhìn, Nghĩ, Tự hỏi”. Ảnh: INT

Ron Ritchhart và các đồng nghiệp của ông ở Project Zero đã thiết kế tổng cộng 21 thói quen tư duy theo 3 nhóm: dùng để giới thiệu và thăm dò ý tưởng; tổng hợp và tổ chức ý tưởng; và đào sâu ý tưởng. Trong đó có thể kể đến một số thói quen như:

- Nhìn, Nghĩ, Tự hỏi: Giáo viên có thể đặt 3 câu hỏi: Em nhìn thấy gì? Em nghĩ gì về nó? Em có thắc mắc gì về nó? Thói quen này khuyến khích học sinh quan sát, tò mò và nỗ lực diễn giải các lý do đằng sau một sự việc/sự vật.

- Phóng to: Chú ý đến các chi tiết và đưa ra suy luận. Qua đó, học sinh nhận ra rằng suy nghĩ là một quá trình và kiến thức có thể thay đổi dựa trên những hiểu biết/ quan sát mới.

- La bàn: Đặt các câu hỏi để đánh giá một ý tưởng (Ý tưởng này hay ở chỗ nào? Đáng lo ngại ở chỗ nào? Em cần biết thêm thông tin gì và đánh giá/ góp ý gì với ý tưởng?) Thói quen này giúp khám phá các khía cạnh khác nhau của một đề xuất hoặc ý tưởng và bày tỏ ý kiến/ đánh giá về ý tưởng đó.

- Tiêu đề: Viết một dòng nói lên khía cạnh quan trọng, đáng nhớ nhất của ý tưởng. Thói quen này giúp học sinh nắm bắt cốt lõi vấn đề đang được nghiên cứu hoặc thảo luận; đồng thời tập cho học sinh biết cách đưa ra tóm tắt và đi đến một số kết luận dự kiến.

- Thách thức mở rộng kết nối: Thông tin mới liên quan thế nào đến thông tin đã biết? Nó thay đổi suy nghĩ của em ra sao? Còn điều gì em chưa biết và câu hỏi mới đặt ra là gì? Thói quen này giúp học sinh kết nối những ý tưởng mới với kiến thức đã biết. Nó cũng khuyến khích học sinh đưa ra những câu hỏi mới dựa trên những gì vừa học.

- Vì sao em nói thế? Thói quen trả lời câu hỏi này giúp học sinh mô tả những gì các em nhìn thấy và đưa ra giải thích. Nó thúc đẩy biện luận dựa trên bằng chứng và khuyến khích học sinh hiểu các quan điểm, lựa chọn khác nhau.

- Phạm vi quan điểm: Tôi đang nghĩ về (chủ đề) từ góc nhìn của… (điểm nhìn được lựa chọn) và tôi nghĩ (quan điểm từ góc nhìn đó). Thói quen này giúp học sinh xem xét các quan điểm đa dạng xung quanh một chủ đề, để hiểu rằng mọi người có thể suy nghĩ, cảm nhận khác nhau về mọi thứ và đây là một khía cạnh quan trọng của lý tưởng về sự công bằng.

* Project Zero (Đề án Số không) được sáng lập bởi triết gia Nelson Goodman vào năm 1967 tại Khoa Sau đại học về Giáo dục, Đại học Harvard. PZ bắt đầu với các nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu quá trình học tập trong và thông qua nghệ thuật. Hiện tại, PZ đang triển khai 9 trọng tâm nghiên cứu, bao gồm: Nghệ thuật và Giáo dục; Định hình lại việc đánh giá; Phát triển sự hiểu biết; Tính cách và đạo đức; Vai trò công dân; Sự sáng tạo; Các khuynh hướng tư duy; Các năng lực toàn cầu; và Các loại hình trí thông minh.