Học sinh ngày nay đang mắc phải một vấn đề, và nó không liên quan tới những gì được viết trên bảng: đã quá quen với việc tiếp nhận liên tục các kích thích từ các ứng dụng điện thoại và nền tảng trực tuyến, các em không thể tập trung nổi trong lớp học.
Sự phát triển não bộ đầu đời là một chủ đề phức tạp, và mấy năm vừa qua, các nhà khoa học trên toàn thế giới bắt đầu nêu ra những lo ngại về ảnh hưởng của điện thoại thông minh và truyền thông đa nhiệm tới khả năng tập trung.
Ngày càng nhiều các bằng chứng khá rõ ràng – mặc dù chưa được xác thực hoàn toàn và vẫn có thể bị phản biện – về việc công nghệ, mạng xã hội, và sự truy cập dễ dàng vào internet và điện thoại thông minh đang làm hại khả năng tập trung của trẻ em, GS Jim Taylor, tác giả cuốn ‘Raising Generation Tech’ chia sẻ. “Chúng ta đang làm thay đổi cơ bản cách thức trẻ tư duy và cách thức mà não bộ của chúng phát triển.”
Trong khi điện thoại thông minh rõ ràng gây ảnh hưởng đến não bộ đang phát triển của học sinh, thì lại thiếu các đào tạo (cho giáo viên) về việc làm thế nào để ứng phó với vấn đề đó.
Ảnh hưởng của công nghệ biểu hiện rõ hơn cả trong tác vụ truyền thống nhất của trường học - việc đọc - đặc biệt là khi bọn trẻ chuyển từ nền tảng văn bản sang các ứng dụng nặng về hình ảnh như Instagram và Snapchat.
Dường như các em thấy việc đọc các văn bản dài hay phức tạp mà không có các quãng nghỉ là cực kỳ mệt mỏi. Một số giáo viên cho biết, có thể nhận ra sự thiếu kiên nhẫn ở học sinh khi chúng yêu cầu có các khoảng nghỉ, nói chuyện với nhau thay vì làm việc, và một số thậm chí đã từ bỏ luôn các nhiệm vụ yêu cầu đọc dài hơn. Việc chuyển văn bản vào các thiết bị công nghệ không giúp ích gì, chứng tỏ rằng vấn đề không chỉ nằm ở xu hướng ưa thích màn hình hơn bản in. Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra rằng, các tech breaks - dạng giờ nghỉ cho phép học sinh sử dụng công nghệ - sẽ làm học sinh bớt bị cuốn vào việc vừa học vừa xem các thiết bị công nghệ.
Taylor giải thích rằng khả năng tập trung có ý nghĩa như một cánh cửa dẫn tới các dạng thức cao hơn của học tập. “Không có khả năng tập trung, lũ trẻ không xử lý được thông tin. Chúng không thể đưa thông tin vào trí nhớ, tức là không thể lý giải, phân tích, đồng bộ, phản biện và đưa ra quyết định về thông tin được.”
“Gặp gỡ” học sinh trên nền tảng công nghệ
Khi học sinh dường như không thể tập trung đối với các bài giảng dài, nhiều giáo viên đơn giản là chia bài giảng thành các khối nhỏ. Số khác thì bắt đầu lớp học bằng các bài tập chánh niệm hay thực hành thiền khi học sinh cần tập trung. Hoặc họ lựa chọn việc “gặp gỡ” học sinh trên các nền tảng chúng hay sử dụng như YouTube, Instagram. Ví dụ, có giáo viên ghi hình việc mình thực hiện các thí nghiệm khoa học rồi đăng tải lên YouTube, sử dụng video đó thay cho các minh họa trong sách giáo khoa. Tương tự, có những giáo viên theo dõi việc học sinh thực hiện các nhiệm vụ thông qua Instagram, nhắc nhở chúng về bài tập hay chuyến đi thực tế sắp tới.
Hiện đã có các nền tảng chuyên biệt dành cho việc học như Flipgrid, cho phép học sinh chia sẻ các video do các em thuyết trình, giúp giáo viên tương tác với học sinh ở nơi quen thuộc của chúng.
Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra rằng các học sinh thế hệ Z (10-24 tuổi) thường tránh sách giấy, ưa thích việc sử dụng video như một nguồn thông tin chỉ sau nguồn thông tin trực tiếp từ giáo viên. Bằng việc gặp gỡ học sinh ở những nền tảng mà chúng đã có sẵn tương tác và kết nối, giáo viên có thể thu hút sự chú ý dễ dàng hơn. Một số nơi đã chuẩn hoá việc sử dụng các nền tảng công nghệ như Google Classroom, cho phép học sinh và giáo viên theo dõi điểm số và các bài tập sắp tới, theo dõi quá trình học tập để giúp giáo viên hiểu rõ hơn học sinh đang bị chậm ở phần nào.
Công nghệ còn giúp giảm các thiệt hại tới việc đọc. Các giáo viên có thể sử dụng máy tính để nhận biết những học sinh đang gặp khó khăn. Chẳng hạn, nền tảng hỗ trợ việc đọc có tên gọi Lexia, sử dụng cơ chế giống trò chơi điện tử (gamification) để thúc đẩy sự tham gia của học sinh, giúp tự động phân chia học sinh dựa trên kết quả thực hành của chúng, chuyển các học sinh thành công tới các nhiệm vụ offline cao hơn trong khi duy trì các học sinh còn đang gặp khó khăn tương tác với nền tảng này cho tới khi chúng tiếp thu hoàn toàn bài học.
Bài giảng trực tiếp vẫn có chỗ đứng
Trong khi nhiều nhà giáo dục đang tập trung vào việc nâng cao công nghệ trong lớp học, không ít nghiên cứu lại chỉ ra rằng các lớp học truyền thống có thể thành công hơn. Nghiên cứu năm 2015 của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London cho thấy điểm GCSE [bài thi chuẩn hoá trong hệ thống giáo dục Anh, cho học sinh 14~15 tuổi] được cải thiện khi các trường như Birmingham, London, Leicester, và Manchester cấm sử dụng điện thoại trong lớp học.
Giáo sư khoa học thần kinh William Klemm, tác giả cuốn “The learning skills cycle”, nêu ra một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy việc ghi chép bằng tay giúp học sinh ghi nhớ thông tin tốt hơn so với sử dụng laptop. Ông cũng chỉ ra những nguy hại của việc chia bài học thành các khối nhỏ, rằng việc chuyển từ bài học ngắn này sang bài học ngắn khác một cách nhanh chóng có thể khiến học sinh không hiểu nội dung bài giảng sâu và toàn diện được. Ông nói rằng học sinh cần có thời gian để kết nối với một chủ đề khi giáo viên giới thiệu chúng, trước khi chuyển sang phần khác.
Nhiều nhà giáo dục đi theo hướng áp dụng công nghệ cũng nhận thấy nhiều giá trị trong các phương pháp dạy học truyền thống và gợi ý một tiếp cận “học tập pha trộn”. Mặc dù phải thừa nhận rằng công nghệ có thể cung cấp nhiều kĩ năng giá trị, họ tin rằng các bài giảng trực tiếp vẫn có chỗ đứng của chúng.
Các nhà giáo dục, dù đi theo tiếp cận nào, cũng đều đồng ý rằng vị trí của người thầy là bất khả xâm phạm, tương tác trực tiếp với giáo viên vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong lớp học, và chỉ nên sử dụng công nghệ khi nó giúp nâng cao bài học theo những cách mà việc học trực tiếp không thể làm được.
Thực tế, nhiều giáo viên phụ thuộc vào công nghệ chỉ bởi vì họ không có đủ các nguồn lực offline. Ví dụ, các chương trình như Lexia sẽ không cần thiết nếu nhà trường cấp kinh phí để thuê thêm trợ giảng, phụ giúp cho giáo viên để họ tập trung hơn vào việc bám sát các học sinh đang gặp khó khăn.
Thành công nằm ở những kỹ năng đang bị truyền thông kỹ thuật số làm suy yếu
Trong khi công nghệ làm suy yếu một số khía cạnh của giáo dục truyền thống, thì nó cũng mang lại các lợi ích cho học sinh theo cách không đoán trước được. Ví dụ, những học sinh không đủ kiên nhẫn để đợi giáo viên giải đáp các câu hỏi của mình sẽ sẵn sàng tự tìm kiếm câu trả lời. Chúng có thể lên YouTube tìm cách giải một bài toán trước khi hỏi giáo viên hay tìm sách giáo khoa.
Taylor chỉ ra rằng, khi thông tin trở nên phổ biến và dễ truy cập, thành công không còn nằm ở việc biết nhiều nhất. Thay vào đó, khả năng tư duy phản biện và sáng tạo (mỉa mai thay lại là những kỹ năng mà truyền thông kỹ thuật số đã làm suy yếu khi làm giảm khả năng tập trung) mới là những kỹ năng quan trọng nhất.
“Nếu bạn nghĩ tới Zuckerbergs, Gates, Sandbergs và những người thành công trong lĩnh vực công nghệ, họ không thành công vì có thể lập trình, họ thành công vì biết cách tư duy”, Taylor nói.
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số sẽ không ngừng thích ứng với các phương tiện truyền thông mới. Giáo viên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cũng phải phát triển theo, để đảm bảo học sinh của mình tận dụng được lợi thế của các công nghệ mới, đồng thời giúp chúng trưởng thành trong một thế giới đang liên tục gây sao lãng.