Trong trường hợp virus gây bệnh COVID-19 lan rộng ra toàn cầu thì các biện pháp hạn chế đi lại có thể trở nên kém hiệu quả hơn so với các biện pháp nhằm hạn chế sự bùng phát và giảm tác động của virus.

Cuộc tuần hành toàn cầu của COVID-19 có vẻ như không thể bị ngăn cản. Chỉ trong tuần vừa qua, dịch bùng phát ở Iran, làm phát sinh thêm các trường hợp ở Iraq, Oman và Bahrain. Trong khi đó, Ý phong tỏa 10 thị trấn ở phía bắc sau khi virus nhanh chóng lây lan. Một bác sĩ người Ý đã mang virus đến đảo Tenerife của Tây Ban Nha, một địa điểm nghỉ mát phổ biến cho người Bắc Âu. Áo và Croatia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm virus. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng báo cáo nhiều ca nhiễm mới.

Người dân Ý đẩy một chiếc xe đẩy chứa đầy thực phẩm sau khi được vào siêu thị 10 phút để mua sắm theo từng nhóm hai mươi người, vào ngày 23 tháng 2 năm 2020 tại tây nam Milan, Ý. Ảnh: Forbes.

Đến lúc nới lỏng các hạn chế đi lại?

Cho đến nay, các nỗ lực đã tập trung vào việc ngăn chặn, giữ cho virus không bị xuất khẩu sang các nước khác và truy tìm ráo riết các bệnh nhân vượt biên giới hay bất cứ ai tiếp xúc với họ và cách ly những người đó trong 2 tuần. Nhưng nếu virus COVID-19 đã lan rộng ra toàn cầu, các biện pháp này có thể trở nên kém hiệu quả. Thay vào đó cần hạn chế sự bùng phát và giảm tác động của virus trong bất cứ cộng đồng nào: đóng cửa trường học, chuẩn bị bệnh viện hoặc thậm chí áp đặt loại kiểm dịch hà khắc như các thành phố lớn ở Trung Quốc.

"Các biện pháp hạn chế biên giới sẽ không hiệu quả hoặc thậm chí là bất khả thi, và trọng tâm sẽ là các biện pháp giảm thiểu tác động lên cộng đồng cho đến khi có vaccine," theo Luciana Borio, cựu chuyên gia về chuẩn bị sinh học tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. "Vấn đề bây giờ là giảm thiểu tác động, đảm bảo hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe và đừng hoảng loạn," Alessandro Vespignani, người lập mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Đông Bắc, Boston, Massachusetts, nói thêm.

Các lệnh phong tỏa cũng có thể phản tác dụng, ví dụ như cản trở nguồn cung thiết bị y tế cần thiết và gây hoảng loạn. Và khi nhiều quốc gia bị ảnh hưởng tăng lên, các lệnh cấm sẽ khó thực thi hơn và ít có ý nghĩa. Không việc gì phải chi tiêu một lượng lớn tài nguyên để tránh một vài người bị nhiễm bệnh nếu đã có sẵn hàng ngàn người trong nước bị lây nhiễm. Cái giá của các hạn chế này rất đắt đỏ.

Khách du lịch đeo mặt nạ bảo vệ đến thăm Quảng trường San Marco ở Venice. Ảnh: Nytimes.

Giá trị của phong tỏa

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng không đồng ý nới lỏng các hạn chế đi lại. Một số quốc gia thậm chí đã cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; Hoa Kỳ cách ly bất cứ ai đã từng ở Hồ Bắc và từ chối nhập cảnh với người đã ở bất cứ nơi nào của Trung Quốc trong 2 tuần qua. Một số quốc gia cũng đã hạn chế đi lại đối với Hàn Quốc và Iran.

Các hạn chế có tác dụng ở một mức độ nào đó. "Nếu không đặt ra hạn chế đi lại, chúng ta sẽ có rất nhiều trường hợp," Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết.

"Rất khó về mặt chính trị, và cũng là không thận trọng nếu nới lỏng ngay các hạn chế đi lại," chuyên gia dịch tễ học của Đại học Harvard, Marc Lipsitch cho biết. "Tuy nhiên, trong một tuần diễn biến dịch vẫn như vài ngày qua, tôi nghĩ hạn chế đi lại không còn là biện pháp đối phó chính nữa."

Những nỗ lực kiểm soát quy mô nhỏ hơn sẽ vẫn hữu ích (thay vì phải phong tỏa cả thành phố lớn), theo Bruce Aylward từ WHO, người đứng đầu một nhóm quốc tế đến Trung Quốc trong 2 tuần qua.

Trong một báo cáo, nhóm Aylward kết luận rằng dịch bệnh Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm từ ngày 23/1 đến ngày 2/2 và các nỗ lực phong tỏa Hồ Bắc đã cho các tỉnh khác thời gian chuẩn bị đối phó virus và "có thể ngăn chặn được hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh".

Hạn chế đi lại cũng giúp kéo dài thời gian chuẩn bị, giảm gánh nặng cho các bệnh viện và thêm thời gian thử nghiệm thuốc và vaccine, Lipsitch nói. "Nếu tôi có lựa chọn bị COVID-19 ngay hôm nay hoặc bị bệnh sau 6 tháng kể từ bây giờ, tôi chắc chắn sẽ chọn sau 6 tháng," Lipsitch nói.

Tốc độ là tất cả

Công nhân làm áo choàng cách ly y tế trong một xưởng khử trùng ở Hoài Bắc, trung tâm tỉnh An Huy, Trung Quốc. Thứ Sáu, ngày 21 tháng 2 năm 2020. Ảnh: Forbes.

Cũng có thể các quốc gia chỉ cần áp dụng một số yếu tố nhất định từ chiến lược của Trung Quốc. Một phân tích đăng đồng tác giả bởi Christopher Dye, nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, trên máy chủ medRxiv kết luận rằng đình chỉ giao thông công cộng, đóng cửa các địa điểm giải trí và cấm tụ họp đông người là các biện pháp giảm thiểu tác động virus hiệu quả nhất ở Trung Quốc.

Một số quốc gia có thể cho rằng không nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của mọi người, vẫn để cho các trường học mở cửa, và không cách ly các thành phố. "Đây là một quyết định khá lớn đối với sức khỏe cộng đồng," Dye nói, "vì về cơ bản quyết định này có nghĩa là để cho virus tự do lây nhiễm."

Để chuẩn bị cho những diễn biến sắp tới, các bệnh viện có thể dự trữ thiết bị hô hấp và thêm giường. Các cơ quan y tế cũng có thể sử dụng nhiều vaccine chống lại bệnh cúm và nhiễm phế cầu khuẩn nhằm giảm gánh nặng các bệnh hô hấp lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, giúp dễ dàng xác định và tập trung vào các trường hợp COVID-19. Chính phủ có thể đưa ra thông điệp về tầm quan trọng của việc rửa tay và tự cách ly nếu có dấu hiệu bệnh.

Cho dù các nước làm gì, thì điều cần thiết là phải hành động sớm, Aylward nói và ông hy vọng các nước khác sẽ học hỏi từ Trung Quốc. Bài học lớn nhất là: "Tốc độ là tất cả," ông nói.

Nguồn:

https://www.sciencemag.org/news/2020/02/coronavirus-seems-unstoppable-what-should-world-do-now
https://www.forbes.com/sites/rachelsandler/2020/02/23/coronavirus-cases-spike-in-italy-officials-are-searching-for-origin-of-outbreak/#1e6b24455b26
https://www.forbes.com/sites/siminamistreanu/2020/02/23/chinas-factories-are-reeling-from-forced-coronavirus-closures/#6d5b55ea73f2
https://nypost.com/2020/02/24/italys-coronavirus-death-toll-reaches-5-as-largest-outbreak-outside-asia-spreads/