Việc loay hoay công kích, tranh cãi về các hành vi vi phạm liêm chính học thuật sẽ làm lãng phí thời gian lẽ ra nên dành cho việc xây dựng, phát triển những sáng kiến thúc đẩy tính minh bạch và những thực hành tốt, chuẩn mực.

Khoa học mở và những vùng xám khó phân định

Theo quy trình công bố kết quả nghiên cứu truyền thống, tác giả không phải trả chi phí bình duyệt cũng như các chi phí khác phát sinh để xuất bản bài báo ở dạng cơ bản. Tất cả những chi phí này được tính vào phí sử dụng mà ‘người sử dụng’, người đọc phải trả. Toàn bộ nguồn tư liệu truyền thống này được ‘đóng’ (limited access) để hạn chế người đọc trong phạm vi những tổ chức và người đọc ‘trả phí’.

Cơ chế này là một nghịch lý lớn bởi nó ngăn cản việc phổ biến và chia sẻ kiến thức, tri thức và kết quả nghiên cứu, làm gia tăng khoảng cách về trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học giữa các tổ chức, viện, trường ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, hạn chế cơ hội hợp tác và phát triển nghiên cứu khoa học. Nó cũng đi ngược nhu cầu của các tác giả muốn nghiên cứu của mình được biết đến nhiều hơn, được tham khảo và trích dẫn nhiều hơn.

Trước những áp lực của giới học thuật, cùng với sự phát triển ứng dụng CNTT trong ngành xuất bản, thúc đẩy việc số hóa các kho tài liệu và xuất bản bản điện tử, các nhà nghiên cứu có thêm một lựa chọn sau khi bản thảo bài báo của họ vượt qua các vòng bình duyệt ẩn danh, được chấp nhận đăng: mở bài báo của mình cho công chúng với điều kiện họ chịu chi phí xuất bản. Tuy nhiên, phần đông các tác giả vẫn theo thông lệ cũ, không trả phí, và đăng bài dưới dạng ‘đóng’ để người đọc trả phí, do vậy nỗ lực này từ phía các nhà xuất bản về cơ bản đã không giải quyết được ‘mâu thuẫn’ nói trên.

Giới học thuật tất nhiên không ngồi yên để chờ. Đã có những nỗ lực, sáng kiến xây dựng các cơ sở dữ liệu chia sẻ trong cộng đồng, kể cả hợp pháp và một số gây tranh cãi về tính hợp pháp. Chẳng hạn ResearchGate và Academia là những platform nơi các nhà nghiên cứu có thể kết nối mạng lưới và chia sẻ với nhau các xuất bản của mình một cách hợp pháp. Một số khác được cho là bất hợp pháp do xâm phạm bản quyền, quyền lợi của các nhà xuất bản. Trong số đó nổi tiếng nhất phải kể đến thư viện Genesis (Libgen) và Sci-Hub.

 Ảnh minh họa: interacademies.org Ảnh minh họa: interacademies.org
Khoa học mở kết nối những tâm trí mở. Nguồn: openscience-maastricht.nl

Mục đích của ‘mở’ là vì công bằng cho giới học thuật nhưng nó không tránh khỏi kéo theo những ‘mở’ cho thực hành gian lận trong giới nghiên cứu, tạo ra vùng xám khó phân định giữa chính và tà khi người nghiên cứu có thể trả phí để công bố kém chất lượng của họ được đăng tải thần tốc trên các tạp chí ăn thịt mang danh ‘truy cập mở’.

Nhưng không thể vì sự hoành hành của những mánh khóe lợi dụng ‘mở’ mà giới học thuật ngừng ‘mở’. Việc loay hoay công kích, tranh cãi về các hành vi vi phạm liêm chính (misconduct, misbehavior) sẽ làm hao tổn thời gian đáng ra nên dành cho việc xây dựng, phát triển những sáng kiến thúc đẩy tính minh bạch và những thực hành tốt, chuẩn mực.

Một khi có các quy tắc, chuẩn mực rõ ràng và có các công cụ hỗ trợ đảm bảo thực hành nghiên cứu tuân thủ những quy tắc này, bóng tối tự động được đẩy lùi. Những hành vi vi phạm sẽ bị ‘phơi sáng’ và thải loại.

Xét duyệt đạo đức nghiên cứu - quy trình bắt buộc


Theo quy tắc thực hành nghiên cứu khoa học ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, đề xuất nghiên cứu, bất kể do cán bộ hay sinh viên thực hiện, đều phải bắt buộc trải qua quy trình xét duyệt về đạo đức nghiên cứu trước khi được cấp phép triển khai thu thập dữ liệu. Tất cả những thiết kế thiếu rõ ràng, không đảm bảo tuân thủ các quy tắc đạo đức nghiên cứu hay ẩn chứa những nguy cơ vi phạm đều được hội đồng đạo đức nghiên cứu theo ngành yêu cầu chỉnh sửa.

Quy tắc đạo đức nghiên cứu được hiểu là chuẩn mực thực hành phân biệt những hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận trong nghiên cứu khoa học được cộng đồng xây dựng, công nhận và đồng thuận tuân thủ.

Trước tình trạng gian lận trong đào tạo và nghiên cứu diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ mới, các trường đại học, viện nghiên cứu phải xây dựng và liên tục cập nhật bộ quy tắc thực hành và quy trình thực hiện để kiểm soát các hành vi không phù hợp, vi phạm liêm chính học thuật. Phạm vi điều chỉnh của bộ quy tắc này bao trùm toàn bộ sinh viên các hệ đào tạo và cán bộ giảng viên, kể cả khối hành chính.

Đồng thời với việc ban hành quy tắc đạo đức nghiên cứu, nhiều trường đại học cũng xây dựng tiêu chuẩn tiêu chí của ‘nghiên cứu tốt’, còn được biết đến là bộ quy tắc thực hành tốt trong nghiên cứu, và/ hoặc danh mục các hành vi được cho là ‘misconduct’ - vi phạm đạo đức nghiên cứu, như là bài học sơ khai để định hướng cho các nhà nghiên cứu.

Do những đặc trưng mang tính chuyên ngành, quy trình cũng như các quy định về đạo đức nghiên cứu được xây dựng riêng theo chuyên ngành. Thông thường các trường đại học đa ngành đều ban hành các bộ quy tắc đạo đức trong nghiên cứu trên con người, đối với đối tượng trẻ em, vị thành niên, và nghiên cứu trên động vật. Tùy vào thiết kế của nghiên cứu, phạm vi và đối tượng nghiên cứu mà một đề cương nghiên cứu phải được xem xét theo những bộ quy tắc nào.

Để vận hành toàn bộ quy trình này, một thiết chế đã được các tổ chức quản lý nghiên cứu thành lập: Hội đồng đạo đức nghiên cứu. Trong trường đại học và các viện nghiên cứu, hội đồng này hoạt động độc lập với Hội đồng Khoa học, có chức năng tư vấn, hướng dẫn cho người làm nghiên cứu, bao gồm giảng viên và sinh viên, về các vấn đề liên quan tới đạo đức nghiên cứu, hướng tới tuân thủ các quy chuẩn trong thực hành nghiên cứu. Cán bộ quản lý chuyên môn, đại diện sinh viên, giảng viên… được bổ nhiệm vào hội đồng theo nhiệm kỳ, theo ngành.

Các hội đồng đạo đức nghiên cứu ngành sẽ thực hiện rà soát, đánh giá và phê duyệt các hồ sơ nghiên cứu của cả cán bộ và sinh viên. Thực hành này không những giúp hạn chế những vi phạm, các hành vi thiếu đạo đức trong nghiên cứu, mà còn giúp nâng cao ý thức, hiểu biết của những người tham gia nghiên cứu về liêm chính học thuật.

Hai công cụ hiệu quả hỗ trợ quản lý nghiên cứu trong khoa học mở


Xét duyệt bắt buộc của hội đồng đạo đức nghiên cứu trở đã thành một phần của quy trình nghiên cứu thông thường, được các quỹ nghiên cứu, đơn vị tài trợ đòi hỏi như là một điều kiện để cấp kinh phí cũng như các trường, viện thực hiện hợp tác nghiên cứu.

Bộ quy tắc đạo đức nghiên cứu do các tổ chức khác nhau đặt ra các quy định cụ thể khác nhau, nhưng xoay quanh những nguyên tắc căn bản về tính khách quan, tính trung thực, liêm chính, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội, bảo mật, bản quyền, v.v. Trong đó tính mở (chia sẻ dữ liệu, kết quả, công cụ, tài nguyên… và mở với những ý tưởng mới và sự phản biện) là một trong những nguyên tắc ngày càng được thúc đẩy.

Vậy một khi ‘mở’ trở thành một nguyên tắc phổ biến, thực hành ‘mở’ ngày càng phát triển, chúng ta có công cụ gì để hỗ trợ quá trình này?

ORCID – mã định danh của nhà nghiên cứu và việc thống kê các chỉ số nghiên cứu

ORCID (Open Researcher and Contributor ID) là hệ thống mã số định danh số cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, được giới thiệu vào 2012, cho phép các nhà nghiên cứu đăng ký mã hiệu cá nhân theo các thông tin tiểu sử học thuật của mình. Khi số lượng các nhà nghiên cứu quá lớn, hiện tượng trùng lặp tên xảy ra phổ biến, dẫn tới những sai sót trong việc thống kê các chỉ số nghiên cứu và xây dựng hồ sơ học thuật của nhà nghiên cứu. ORCID được phát triển nhằm khắc phục vấn đề này, đồng thời gia tăng tính minh bạch trong giới nghiên cứu, phục vụ việc nhận diện và đánh giá hồ sơ chính xác hơn.

Từ khi ra đời đến nay, ORCID đã có hàng triệu tài khoản đăng ký thêm mỗi năm. Tính đến 2022, có hơn 1.200 tổ chức thành viên (là các trường đại học, viện nghiên cứu) và gần 15 triệu tài khoản cá nhân thành viên, tức là có gần 15 triệu mã số định danh các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Các trường đại học là thành viên ORCID có các hình thức yêu cầu cán bộ, sinh viên của mình đăng ký và cung cấp mã số ORCID phục vụ công tác quản lý.

Đăng ký mở đối với đề tài (preregistration)

Một sáng kiến mới trong thực hành nghiên cứu gần đây, preregistration – đăng ký trước khi tiến hành nghiên cứu (tạm dịch), là hình thức đăng ký có tính chất ‘bảo hộ’ trước khi triển khai đề tài, đã và đang được nhiều cộng đồng học thuật ở nhiều nước châu Âu thúc đẩy như là một thực hành tốt trong nhiều ngành, lĩnh vực nghiên cứu, áp dụng cho cả nghiên cứu định lượng và định tính. Thực hành này, theo đánh giá tổng hợp của Haven và Grootel (2019), được cho là có tác dụng nâng cao tính minh bạch, chất lượng và khả năng tái thực hiện/ lặp lại (reproducibility) nghiên cứu.

Đăng ký trước khi tiến hành nghiên cứu là việc đăng thiết kế và kế hoạch nghiên cứu lên một cổng thông tin mở cho cộng đồng học thuật giám sát, ví dụ Open Science Framework (truy cập tại: osf.io). Quy trình này được thực hiện ngay từ khâu thiết kế nghiên cứu trong đó nhà nghiên cứu khai báo về nghiên cứu của mình, bao gồm câu hỏi, giả thuyết nghiên cứu, kế hoạch thực hiện nghiên cứu, công cụ thu thập và kế hoạch phân tích dữ liệu, tài liệu lẫn đối tác phối hợp thực hiện.

Tại đây, nhà nghiên cứu đăng ký mã số DOI (Digital Object Identifier) vĩnh viễn cho nghiên cứu này của mình. Mã số định danh cho nghiên cứu là nguồn kết nối với các nghiên cứu, chương trình, dự án khác, cũng như để tham khảo, truy hồi thông tin về nghiên cứu này khi bình duyệt bản thảo để xuất bản… Trong quá trình nghiên cứu, nếu nhà nghiên cứu chỉnh sửa, sửa đổi kế hoạch, công cụ… hay bất cứ vấn đề gì liên quan tới thiết kế, kế hoạch nghiên cứu, đều có thể tạo bản đăng ký ‘update’.

Khung tính năng mở của OSF
Khung tính năng mở của Open Science Framework. Nguồn: OSF

Như vậy, về bản chất, quy trình này khá giống với quy trình xây dựng đề cương nghiên cứu, xét duyệt đề cương cho nghiên cứu sinh hay học viên cao học trong quản lý nghiên cứu-đào tạo. Chỉ có điều quy trình này không chỉ là nội bộ mà được mở ra bên ngoài trường, viện. Quy trình buộc nhà nghiên cứu phải trải qua đăng ký theo các bước chuẩn mực, do vậy đảm bảo chất lượng của đề cương và việc thực hiện đề tài. Hơn nữa, việc lưu trữ lịch sử của nghiên cứu giúp hạn chế những hành vi sai trái, không trung thực, chẳng hạn đưa khống tác giả hay trường, viện (affiliate) vào bài báo công bố quốc tế, hay sửa đổi giả thuyết nghiên cứu, thay đổi các quyết định thống kê và phương pháp nghiên cứu nhằm tạo ra các kết quả có ý nghĩa thống kê một cách giả tạo (p-hacking). Nhà nghiên cứu, sau khi đăng ký tài khoản để tiến hành đăng ký trước khi tiến hành nghiên cứu, có lựa chọn ‘đóng’ hoặc ‘hạn chế’ người xem hoặc tiếp cận bản đăng ký phòng trường hợp bị ăn cắp ý tưởng nghiên cứu hay thiết kế đề tài.

Việc đăng ký nghiên cứu ngày càng được giới học thuật và các tổ chức tài trợ ủng hộ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số quan ngại. Chẳng hạn trình tự đăng ký hiện tại phù hợp với nghiên cứu định lượng, còn đối với nghiên cứu định tính có tính chất ‘postdiction’ – hậu xét/hậu chỉnh, thì cần phải có một số điều chỉnh cho phép việc này có thể được thực hiện.

Bên cạnh đó, ngay cả đối với nghiên cứu định lượng, việc đăng ký trước đề tài liệu có làm giảm tính linh hoạt của quá trình nghiên cứu hay không vẫn còn đang gây tranh cãi.

Một e ngại nữa từ chính các nhà nghiên cứu chính là uy tín, độ đáng tin cậy của tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký nghiên cứu quốc tế bên cạnh vấn đề an toàn an ninh mạng của hệ thống. Tính khả thi và bền vững của một hệ thống đăng ký mở miễn phí như vậy cũng là một câu hỏi lớn. Hiện tại, việc ‘preregistering’ vẫn đang miễn phí. Tương tự như đối với việc xuất bản bài báo, việc ‘mở’ và ‘miễn phí’ dường như xung đột với nhau. Những thách thức tiếp theo sẽ là về cơ chế hoạt động lâu dài cho sáng kiến này.

Những vấn đề như vậy là khó tránh khỏi trong quá trình phát triển của một công cụ, là những thách thức cho chính sự phát triển của khoa học mở. Nhưng khi ‘mở’ đã là phần tất yếu của tiến trình phát triển, điều cốt yếu là tiếp tục phát triển, hoàn thiện nó - thay vì sử dụng nó để công kích hay chỉ trích - thể hiện lối tư duy mở, tích cực, và xây dựng.


Những nguyên tắc căn bản thuộc phạm vi quy định của đạo đức nghiên cứu

- Tính trung thực: Trung thực trong báo cáo số liệu, kết quả, phương pháp, quy trình, và công bố kết quả; không chỉnh sửa, bịa tạc, trình bày sai số liệu, kết quả.

- Tính khách quan: Tránh thiên lệch trong thí nghiệm, thực nghiệm, phân tích, xử lý, diễn giải số liệu và kết quả, bình duyệt, xin tài trợ, tuyên xưng chuyên gia, v.v. Nguyên tắc này cũng yêu cầu việc công bố những lợi ích cá nhân, tài chính có thể ảnh hưởng tới nghiên cứu hoặc việc ra quyết định liên quan tới đề tài.

- Liêm chính: Giữ cam kết và thỏa thuận, hành xử chân thành, nhất quán giữa lời nói và hành động.

- Cẩn trọng: Tránh lỗi, sai do bất cẩn, xem xét nghiên cứu một cách có suy xét, kỹ lưỡng; ghi giữ đầy đủ các hoạt động nghiên cứu (thu thập số liệu, thiết kế nghiên cứu, các trao đổi với các nhà xuất bản…

- Mở: Chia sẻ dữ liệu, kết quả, công cụ, tài nguyên… và mở với những ý tưởng mới và sự phản biện.

- Minh bạch: Công bố phương pháp, quy trình nghiên cứu, tài liệu, giả thuyết, công cụ, kết quả phân tích, và các thông tin cần để đánh giá nghiên cứu.

- Trách nhiệm giải trình: Chịu trách nhiệm về những hoạt động nghiên cứu đã thực hiện và sẵn sàng giải trình về các hoạt động này.

- Bản quyền: Tôn trọng tác quyền, bằng sáng chế, và các hình thức bản quyền khác. Ghi nhận đầy đủ sự đóng góp của các bên cho nghiên cứu. Không đạo văn.

- Bảo mật: Đảm bảo bảo mật thông tin các trao đổi riêng tư, thông tin cá nhân và tổ chức, bí mật quân sự, kinh doanh, bệnh sử, v.v.

- Xuất bản có trách nhiệm: Xuất bản nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu và tri thức, hơn là chỉ vì phát triển sự nghiệp cá nhân. Tránh lãng phí và xuất bản lặp lại.

- Hướng dẫn có trách nhiệm: Tham gia đào tạo, tư vấn, hướng dẫn cho sinh viên/nghiên cứu sinh; hỗ trợ an sinh và thúc đẩy tự chủ của người học.

- Trách nhiệm xã hội: thúc đẩy những điều tốt đẹp trong xã hội, giảm thiểu những điều xấu xa thông qua nghiên cứu, giáo dục đối với công chúng và truyền bá những cái tốt.

- Không phân biệt đối xử: Không phân biệt người (đồng nghiệp, học trò) theo giới tính, sắc tộc, v.v.

- Năng lực chuyên môn: Duy trì, phát triển chuyên môn, năng lực nghiên cứu thông qua học tập suốt đời.

- Tính hợp pháp: Hiểu biết và tuân thủ luật và chính sách.

- Đối với động vật: Chăm sóc, tôn trọng động vật một cách thỏa đáng khi thực hiện nghiên cứu. Không thực hiện thí nghiệm trên động vật một cách bừa bãi, cẩu thả, không cần thiết.

- Bảo vệ đối tượng con người: Khi thực hiện nghiên cứu đối với con người, giảm thiểu tác hại và rủi ro, tối đa hóa lợi ích; tôn trọng nhân phẩm, quyền riêng tư, đặc biệt cẩn trọng đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương…



Tài liệu tham khảo

1. European University Institute (2022). Code of Ethics in Academic Research. Retrieved from https://www.eui.eu/documents/servicesadmin/deanofstudies/codeofethicsinacademicresearch.pdf

2. Shamoo A and Resnik D. 2015. Responsible Conduct of Research, 3rd ed. (New York: Oxford University Press).

3. Tamarinde L. Haven & Dr. Leonie Van Grootel (2019) Preregistering qualitative research, Accountability in Research, 26:3, 229-244, DOI: 10.1080/08989621.2019.1580147