Mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của trường đại học công lập không tăng so với năm học trước nhưng sẽ tăng tịnh tiến trong các năm tiếp theo.


sinh vien
Tính đến cuối kỳ nghị định - năm học 2025-2026, học phí ngành Y dược tăng gần gấp 2,5 lần so với từ năm học 2021-2022. Ảnh minh họa: vietnammoi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định hiện hành 86/2015/NĐ-CP, có giá trị hiệu lực trong 5 năm kể từ năm học 2021-2022 đến 2025/2026.

Trong đó, về học phí đại học, Nghi định mới quy định mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của các trường đại học công lập được áp dụng không tăng so với mức trần học phí của năm học trước.

Cụ thể, mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được phân thành 7 khối ngành tương ứng với từng mức học phí khác nhau. Trong đó, khối ngành Y dược và các khối ngành sức khỏe khác có mức học phí cao nhất là 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Bên cạnh đó, mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cũng phân thành 7 khối ngành. Trong đó, khối ngành Y dược và các khối ngành sức khỏe khác vẫn là những khối ngành có mức học phí cao nhất với 5,05 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Đáng chú ý, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2056, mức trần học phí của các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng dần qua các năm. Cụ thể, mức tăng trung bình mỗi năm của Nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Nhóm ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật đều là 16,06%; Nhóm ngành Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là 12,99%; Nhóm ngành Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y là 15,34%; Nhóm Các khối ngành sức khỏe khác là 16,62%, Nhóm ngành Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường là 17,93%. Khối ngành tăng học phí ít nhất là Nghệ thuật với mức tăng 9,69% và cao nhất là ngành Y dược với 26,94%.

hoc phi
Mức tăng học phí sau 4 năm học (tính đến cuối kỳ nghị định) của 7khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

“Tính đến cuối kỳ nghị định - năm học 2025-2026, học phí ngành Y dược tăng gần gấp 2,5 lần, một số nhóm ngành như Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Kinh doanh và quản lý, pháp luật và các khối ngành sức khỏe khác tăng gần gấp đôi so với từ năm học 2021-2022,” TS Đỗ Thị Ngọc Quyên phân tích. Chị cho rằng, trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2020 là 2.780 USD/năm (theo con số của World Bank) thì mức học phí hiện tại của Việt Nam đã bằng khoảng 20% thu nhập. “Con số này vốn đã quá cao, kể cả so với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Hàn…,” chị nói. Chiếu theo mức tăng của Nghị định, vậy đến 2025, “liệu GDP đầu người của Việt Nam có tăng đến 4.500-5.000 USD không?”, chị đặt câu hỏi, “nhất là khi chúng ta vẫn chưa biết sinh viên sẽ được hưởng những quyền lợi gì trong 4 năm học tiếp theo, và liệu nó có tương xứng với mức học phí mà sinh viên phải trả hay không.”

Bên cạnh đó, TS Đỗ Thị Ngọc Quyên cũng chỉ ra điểm bất hợp lý liên quan đến quy định rằng những cơ sở giáo dục đại học công lập được tự xác định mức thu học phí nếu chương trình đào tạo của họ đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương.

Theo Nghị định cũ, chỉ những cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện chương trình chất lượng cao (CLC) đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định của nước có chương trình đào tạo tham khảo hoặc tổ chức kiểm định có uy tín trong khu vực hoặc quốc tế mới được chủ động xây dựng mức học phí phù hợp. Trên thực tế, các chương trình CLC ở Việt Nam hầu như đều kiểm định bởi những tổ chức nước ngoài như ABET, ACBSP, HCERES, AUN-QA v.v.

Tuy nhiên, “với Nghị định mới, chỉ cần chương trình được kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT) thì đã có quyền chủ động đặt mức học phí…”, chị phân tích. “Điều này không hợp lý, bởi xét về nguyên tắc, chuẩn kiểm định quốc gia là chuẩn tối thiểu đối với mọi chương trình đào tạo trong nước nếu muốn được hoạt động và cấp bằng, đồng thời yêu cầu phải được kiểm định chất lượng là yêu cầu bắt buộc theo Luật Giáo dục.”