Những chính sách mới mà chúng ta áp dụng trong quá trình ứng phó và phòng chống đại dịch COVID không chỉ từ hướng dẫn của WHO mà còn từ nỗ lực của chính các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam.
Vào đầu tháng 10/2021, WHO đã quyết định cử một đoàn gồm 26 chuyên gia thực hiện một cuộc điều tra mới tới Vũ Hán, Trung Quốc để điểu tra thêm lần nữa về nguồn gốc đại dịch COVID cũng như manh mối về những tiềm năng đại dịch khác trong tương lai. Hiện tại, có những câu hỏi rất cơ bản về virus SARS-CoV-2 như có phải xuất phát từ dơi? nó truyền sang người qua vật chủ trung gian nào? vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi chưa có nhiều manh mối về virus SARS-CoV-2 cũng như chưa hiểu hết hành xử của virus và những biến thế của nó thì chiến lược ứng phó và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam sẽ như thế nào? liệu chúng ta có thể “sống chung với COVID” trong thời gian tới? Đó là những câu hỏi mà các nhà khoa học cần phải trả lời và căn cứ vào đó để tư vấn cho các nhà quản lý những thông tin cần thiết cho việc ra quyết định.
Kể từ đầu dịch đến nay, cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam, đặc biệt trong những cao điểm lây nhiễm, cũng đều theo cách này. Tại cuộc họp với Bộ KH&CN vào ngày 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thông tin mà các nhà khoa học cung cấp đã làm thay đổi phương thức chống dịch và nội dung các kế hoạch ứng phó với dịch, đặc biệt trong những tình huống cấp bách thì phương án đề xuất của các nhà khoa học đưa ra cũng được lựa chọn.
Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm. Nguồn: Baomoi
Quyết sách dựa trên bằng chứng khoa học
Những thông tin mới nhất về COVID-19 không chỉ do các nhà khoa học Việt Nam cập nhật từ những thông báo của WHO hay công bố của các đồng nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, có không ít thông tin hữu ích về bệnh dịch là từ kết quả nghiên cứu do chính họ trực tiếp thực hiện. Kể từ đầu đại dịch, nhiều nhóm nghiên cứu ở Việt Nam đã tiến hành những nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ của virus SARS-CoV-2, giải pháp phòng chống các làn sóng lây nhiễm…, trong đó phải kể đến các nhóm ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại TP.HCM (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM... “Một trong những thuận lợi lớn nhất của các nơi này là họ có các máy giải trình tự gene thế hệ mới hiện đại và phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp ba, đủ điều kiện để phân lập và nuôi cấy virus truyền nhiễm như SARS-CoV-2”, một nhà sinh học phân tử từ Hà Nội cho biết.
Với những điều kiện này, một trong những kết quả nghiên cứu đáng chú ý của PGS.TS Phan Trọng Lân và đồng nghiệp tại Viện Pasteur TP.HCM xuất bản vào tháng 5/2021 trên tạp chí Journal of Medical Virology là “Genome-wide analysis of SARS-CoV-2 strains circulating in Vietnam: Understanding the nature of the epidemic and role of the D614G mutation” (Phân tích hệ gene của các chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành tại Việt Nam: Hiểu về bản chất của lây truyền và vai trò của biến chủng D614G). Từ 71 mẫu bệnh phẩm, họ đã phân lập thành công được virus từ 33 mẫu, vốn là các ca bệnh trong nước và từ nước ngoài từ tháng hai đến tháng 4/2020: sáu trường hợp tại một ổ dịch ở TP.HCM; hai trường hợp một cụm gia đình bắt nguồn từ một người đàn ông từ Vũ Hán, Trung Quốc, hai trường hợp ở chung phòng trong khu vực cách ly (từ Mỹ và Úc), 17 trường hợp từ các nước châu Âu, Mỹ, Úc.
Sau khi giải trình tự thô các mẫu virus SARS-CoV-2 cô lập được, các nhà nghiên cứu đã so sánh với 206 trình tự gene thu từ các cơ sở dữ liệu cúm toàn cầu như GenBank hay GISAID, họ phát hiện ra có những đột biến khác nhau trên các mẫu họ có trong tay, đồng thời xác nhận được chủng lưu hành. Đây là cơ sở để họ hình thành các cây “phả hệ” virus để xác định nguồn gốc và đường đi của virus tại Việt Nam. Do đó, những thông tin rút ra từ việc phân tích và so sánh như thế vô cùng hữu ích, ví dụ trong số các mẫu virus được giải trình tự thì có 18 mẫu mang đột biến D614G được phát hiện từ ngày 14/3/2020 trở đi (trước thời điểm này, không có mẫu nào mang đột biến D614G). Điều này cho thấy các virus thuộc chủng này là do du khách quốc tế bị lây nhiễm mang vào Việt Nam.
Nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM đã cho thấy việc tích hợp dữ liệu trình tự và dịch tễ học có thể làm sáng tỏ thêm bản chất của dịch COVID-19 ở Việt Nam, qua đó góp phần cung cấp bằng chứng cho các nhà quản lý một phương thức kiểm soát tình hình hiệu quả. Họ cho rằng, du khách đến từ các quốc gia bên ngoài được cách ly trong 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trước khi vào cộng đồng. Điều này rất hữu ích để ngăn ngừa virus từ các ca từ nước ngoài về, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của dịch. Mặt khác, kết quả giải trình tự gene với mẫu lấy từ hai người ở cùng phòng bị nhiễm bệnh đã nhấn mạnh vào khả năng lây cho nhau trong khu vực cách ly. Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng bệnh trong khu vực cách ly để tránh lây truyền từ người sang người.
Trong cuộc họp với Bộ KH&CN, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, từng nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc giải trình tự gene theo cách như vậy “Chúng ta cần giải trình tự gene nhiều hơn, điều tra dịch tễ sâu hơn để lấy đó làm cơ sở cho những giải pháp đáp ứng với dịch bệnh. Ở nước ngoài, họ rất chú trọng việc này, ví dụ ở Trung Quốc, khi dịch vào Thẩm Châu có mấy trăm ca là họ đã điều tra dịch tễ rồi chứ còn Việt Nam thì tôi thấy còn làm hơi ít”.
Thận trọng hơn trước những biến chủng mới
Việc lan truyền trong những cộng đồng người của virus SARS-CoV-2 dẫn đến nhiều thay đổi trong chính virus. Hệ gene của virus trong quá trình nhân lên sẽ có những biến đổi và khi những biến đổi làm thay đổi mã di truyền so với chủng ban đầu với những biểu hiện cụ thể thì nó tạo ra một biến chủng mới. Những biến chủng mới có nhiều sự khác biệt về độc lực và khả năng lây nhiễm so với chủng gốc xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Vì vậy, việc theo dõi hành xử của chúng có liên quan mật thiết đến các phương án phòng chống sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng của Việt Nam.
Hiện tại, trong số những biến chủng mới thì chủng Delta gây nhiều lo ngại khi gây lây nhiễm nhiều hơn và nhanh hơn các chủng ban đầu của SARS-CoV-2. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Canada, Scotland đã cho thấy, người bị nhiễm biến thể Delta có khả năng nhập viện cao hơn là bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha hay chủng khác. Nhưng liệu biến thể Delta có dễ lây lan ở Việt Nam, đặc biệt trên những người đã tiêm và chưa tiêm chủng vaccine COVID? Với những câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu và thực hành lâm sàng ở OUCRU và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã cùng hợp tác để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Trước hết, họ tập trung vào nghiên cứu chính đội ngũ y tá, bác sĩ - những người đã được tiêm vaccine AstraZeneca ở chính Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và tham gia chăm sóc các bệnh nhân COVID đang điều trị tại đây.
Một trong những kết quả nghiên cứu đã được tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM (nay là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) và cộng sự xuất bản “An observational study of breakthrough SARS-CoV-2 Delta variant infections among vaccinated healthcare workers in Vietnam” (Một nghiên cứu quan sát về những lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 giữa những nhân viên y tế đã được tiêm vaccine) trên tạp chí EClinicalMedicine. Ngay lập tức, WHO đã bổ sung nghiên cứu này vào tài liệu y văn toàn cầu về COVID-19 bên cạnh các nghiên cứu khác.
Bối cảnh của nghiên cứu là từ ngày 11 đến 25/6/2021, một đợt lây nhiễm bùng phát ra giữa những nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, dù gần như tất cả các nhân viên đã được tiêm liều thứ hai vaccine Oxford-AstraZeneca bảy tuần trước đó. Ca nhiễm đầu tiên đã được nhận diện bằng kỹ thuật PCR vào ngày 11/6, tiếp theo, Bệnh viện đã sàng lọc tất cả các nhân viên y tế bằng kỹ thuật PCR và đến ngày 12/6 thì phát hiện 52 người bị nhiễm, trong đó có sáu người làm cùng phòng với ca nhiễm đầu.
Trong quá trình giãn cách hai tuần, Bệnh viện đã tiếp tục sàng lọc và phát hiện thêm 16 ca dương tính, dẫn đến toàn cơ sở có 69 người trong 20/34 khoa, phòng bị nhiễm (ba khoa trong đó được dành riêng để chăm sóc bệnh nhân COVID). Sau đó, họ tiếp tục xét nghiệm huyết thanh kháng thể protein N của SARS-CoV-2 (chỉ dấu của việc lây nhiễm tự nhiên) ở 683 nhân viên từ ngày 13 đến 16/6/2021, nhưng không phát hiện trường hợp dương tính nào nữa.
Toàn bộ các mẫu bệnh phẩm lấy từ các ca nhiễm đã được Bệnh viện giải trình tự gene và lập cây “phả hệ” phát sinh loài virus này. Kết quả giải trình tự gene cũng được so sánh với hệ gene tham thiếu SARS-CoV-2 chủng gốc trên GISIAD.
Những phát hiện mới từ nghiên cứu này thật đáng quý khi cho thấy một sự thật về độc lực của biến thể Delta: lây nhiễm không chừa một ai, kể cả những người đã tiêm hai liều vaccine đầy đủ; tải lượng virus của người nhiễm ở mức rất cao; các phòng làm việc của bệnh viện đều được lắp điều hòa nhiệt độ mà không có hệ thống thông gió; chưa nêu yêu cầu đeo khẩu trang trong phòng làm việc.
Do trước đó, vào trung tuần tháng 5, toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện đã được xét nghiệm COVID bằng PCR nên đợt lây nhiễm này giúp họ có cái nhìn mới vào lịch sử lây nhiễm của biến thể Delta một cách rõ ràng hơn. Đó cũng là điều giúp họ đi đến kết luận chính xác là tải lượng virus của các ca nhiễm biến thể Delta cao 251 lần so với những ca lây nhiễm virus sớm được phát hiện vào đầu năm 2020, vốn có tải lượng cao trước và sau khi phát hiện có triệu chứng từ 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên, tải lượng virus này còn chưa thể so với trường hợp phát hiện ở Trung Quốc với biến thể Delta: cao hơn 1.000 lần so với người nhiễm ở chính quốc gia này vào đầu năm 2020.
Nhìn chung, mức tải lượng virus sao như thế này có thể giải thích cho việc lan truyền nhanh chóng hiện tại của biến thể Delta, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao.
Những phát hiện của họ đã thuyết phục được các đồng nghiệp và cả các nhà quản lý thay đổi quan điểm về phòng chống COVID. “Từ chỗ chúng ta đều nghĩ là tiêm vaccine thì sẽ ngăn chặn và cắt được quá trình lây lan nhưng bây giờ chúng ta đều biết là dù tiêm rồi thì vẫn còn lây, trong đó bao nhiêu % sẽ có diễn biến nặng, bao nhiêu % phải vào bệnh viện…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ như vậy trong cuộc họp với Bộ KH&CN.
Tuy nhiên, từ trường hợp không ai bị tăng nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các tác giả cho rằng việc tiêm vaccine vẫn giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong ở người được tiêm. Đó là hiệu quả bảo vệ lớn nhất mà các vaccine COVID đem lại cho con người.
Với những đóng góp này, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đem lại những gợi ý quý về chính sách phòng dịch. Dẫu vậy, những điều cần họ giải đáp vẫn còn ở phía trước. Ví dụ theo “đơn đặt hàng” của PGS.TS Trần Đắc Phu tại phiên họp của Phó Thủ tướng với Bộ KH&CN, chúng ta cần đánh giá hiệu quả vaccine trên tám loại đang được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. “Ở Mỹ có nghiên cứu cho là thời gian bảo vệ sáu tháng nhưng cũng có nghiên cứu khác nói là tám tháng. Vậy trên người Việt Nam thì thời gian bảo vệ là bao nhiêu. Chúng ta phải đánh giá để biết sau này nên tiêm nhắc lại ở thời điểm nào là hợp lý”, ông nêu vấn đề. “Chúng ta phải có bài toán của con nhà nghèo, ngay cả việc sản xuất ra những bộ kit mới có khả năng phát hiện nhanh và dễ lấy mẫu. Chống dịch phải theo kiểu Việt Nam, chứ không thể theo ai được”.
Những phát hiện mới từ nghiên cứu của các nhà nghiên cứu và thực hành lâm sàng ở OUCRU và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP. HCM cho thấy một sự thật về độc lực của biến thể Delta: lây nhiễm không chừa một ai, kể cả những người đã tiêm hai liều vaccine đầy đủ; đã thuyết phục được các đồng nghiệp và cả các nhà quản lý thay đổi quan điểm về phòng chống COVID. |