Làm sao để các sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ được ứng dụng và “sống lâu”? Theo tôi, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất là cung, cầu và cơ chế chính sách.

Còn nhớ vào năm 2001, sau khi có Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ dừng sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2004, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ (Bộ Công Thương) đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng.

PGS-TS Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam.

Sau thành công của đề tài cấp nhà nước KC.06.15 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng” năm 2005, dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng đầu tiên ở Viêt Nam được lắp đặt tại Công ty cổ phần Tân Thuận Cường (Hải Dương) vào năm 2007.

Đến năm 2012-2014, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước KC.03. DA.03/11-15 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền tấm song, tấm phẳng không amiăng năng suất 3 triệu m2/năm” đã được thực hiện.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn Nhật Bản Jisas 430.2014 của Tân Thuận Cường đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và một số nước khác. Năm 2014, Công ty CP Nam Việt Navifico (TPHCM) và Tân Thuận Cường đã xuất khẩu tấm lợp không amiăng sang Ấn Độ, Ai Cập và một số nước châu Phi.


13 năm nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm trên đã cho kết quả tốt. Giá thành sản phẩm chỉ cao hơn tấm lợp amiăng - ximăng từ 15-30%. Kinh phí đầu tư trang thiết bị, hoán cải dây chuyền cũ chiếm khoảng 20% tổng giá trị dây chuyền. Tuy nhiên đến nay, Tân Thuận Cường và Navifico lại có chiều hướng quay lại sản xuất tấm lợp amiăng do khó tiêu thụ trong nước (Việt Nam đứng trong bảy nước hàng đầu thế giới về tiêu thụ amiăng - theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ).

Dẫn câu chuyện trên để thấy rằng, sản phẩm mới bao giờ cũng “non nớt”, gặp nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó duy trì, cải tiến để phát triển, giống như cây non cần được chăm sóc cho đến khi đứng vững được trước gió bão thì mới vươn cành. Đẻ ra mà không cho bú thì làm sao mà lớn được? Trong trường hợp này, nếu không có sự trợ giá để tiếp tục hạ giá thành thì không thể cạnh tranh và do đó doanh nghiệp không thể tiếp tục phát triển sản phẩm mới.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt