Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng đối với Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF) tại hội thảo “Đổi mới công nghệ -vai trò của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN và cơ quan quản lý” do NATIF, Bộ KH&CN tổ chức ngày 26/10 tại Hà Nội.


Hội thảo được tổ chức nhằm khuyến khích sự kết hợp của "ba nhà" - nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp và tổ chức khoa học thấy rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, từ đó đưa ra các đề xuất, cơ chế phối hợp hiệu quả để hoạt động này đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo.

Thực tế việc đổi mới công nghệ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường sản phẩm, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra sản phẩm, quy trình và công nghệ mới. Ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc NATIF - nhấn mạnh rằng doanh nghiệp đóng vai trò chủ động, là trung tâm của hoạt động này: "Đổi mới công nghệ là nhu cầu tự thân vận động của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ tạo môi trường pháp lý thuận lợi chứ không làm thay".

Ông Nguyễn Đình Bình phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Đình Bình phát biểu tại hội thảo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Minh Khôi - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thiết bị công nghiệp - cho rằng để đổi mới công nghệhiệu quả, cần có sự tăng cường, phối kết hợp chặt chẽ, mật thiết với Nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định, Chính phủ, Bộ KH&CN đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp mà bằng chứng là sự hiện diện của các Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ Đổi công nghệ Quốc gia, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ từ quy mô quốc gia đến quy mô địa phương, các chương trình quốc gia thuộc các bộ ngành...

Khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp cũng "đặt đầu bài" với các tổ chức nghiên cứu, cơ quan nhà nước, cho biết mình cần gì, cần hỗ trợ ra sao thể đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về góc độ hỗ trợ của Nhà nước, Thứ trưởng đề nghị NATIF xem xét, nghiên cứu thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp, xây dựng sổ tay hướng dẫn chung về cách thức hoạt động, vận hành chung về thủ tục cơ chế cho doanh nghiệp.

"Đặc biệt, quỹ nên nghiên cứu việc giảm thủ tục gọn nhẹ từ lúc đơn vị đề xuất nhiệm vụ đến khi ký hợp đồng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất trong quá trình đổi mới công nghệ" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.