Để có sự đồng thuận trong việc rút ngắn lộ trình cấm hoàn toàn amiăng ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu cụ thể về tác hại của chất này tại Việt Nam, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và dây chuyền sản xuất.

Ngừng sử dụng - cách duy nhất tránh bệnh do amiăng

Tại hội thảo “Chia sẻ thông tin nhằm tiến tới dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia (APHEDA) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, các thông tin chứng minh sự cần thiết dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam đã tạo tranh luận gay gắt.

Từ lâu, giới chuyên môn đã cảnh báo về tác hại của amiăng. Việt Nam đã cấm sử dụng amiăng nâu và xanh từ năm 2004 và có lộ trình đến năm 2020 dừng sử dụng amiăng trắng. Tuy nhiên, Hiệp hội Sản xuất tấm lợp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phản ứng mạnh, cho rằng căn cứ dẫn tới các quyết định trên chưa đủ thuyết phục.

Dẫn nhiều công trình khoa học của các nước và các tổ chức quốc tế về ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra amiăng là nguy cơ gây các bệnh bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô…

Đo các chỉ số môi trường sản xuất tại Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh. Ảnh: T. Phong

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định amiăng là một trong những chất gây ung thư có liên quan đến nghề nghiệp độc hại nhất, là nguyên nhân của hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến nghề nghiệp. Ước tính cứ 170 tấn amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do ung thư trung biểu mô... WHO cảnh báo, khoảng 125 triệu người đang bị phơi nhiễm amiăng tại nơi làm việc và mỗi năm có 107.000 người chết do các bệnh liên quan đến amiăng.

Do đó, Liên minh châu Âu, Mỹ, Đức, Nhật, Australia đã ban hành hàng loạt quy định về sản xuất, sử dụng vật liệu này và khẳng định mọi loại amiăng - gồm cả amiăng trắng - đều là chất gây ung thư và không có ngưỡng an toàn trong việc sử dụng. Có nghĩa là để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng, cách hiệu quả nhất là ngừng dùng.


Cần nghiên cứu vật liệu thay thế

Ông Phillip Hazelton - cố vấn Chiến dịch loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng của APHEDA tại Việt Nam - cho biết, đến tháng 6/2017, đã 65 quốc gia cấm toàn bộ hoặc một phần amiăng, 25 quốc gia đang tiêu thụ hơn 1.000 tấn/năm. Riêng Việt Nam, với mức tiêu thụ 60.000 tấn/năm hiện nay, có thể ước tính trong 25 năm tới, mỗi năm sẽ có 300 ca ung thư trung biểu mô, 1.200-1.800 ca ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng trắng.

“Nếu không cấm mà chỉ cắt giảm 50% lượng tiêu thụ, từ nay đến năm 2030 vẫn còn 7.500-10.500 ca ung thư phổi và trung biểu mô. Chi phí chăm sóc và điều trị một bệnh nhân ung thư trung biểu mô ở Hà Nội hiện là 200 triệu đồng” - ông Hazelton nói. Trước cảnh báo của thế giới và đề nghị của Bộ Y tế, năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã có công văn nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành xem xét rút ngắn lộ trình dừng sử dụng amiăng tại Việt Nam đến năm 2020 thay vì 2030.

Tại hội thảo trên, ông Trương Minh Hoàng - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - khẳng định cần dừng sử dụng amiăng trắng nếu nó gây hại sức khỏe và môi trường, nhưng cần có nghiên cứu thuyết phục về tác hại của amiăng trắng tại Việt Nam, và lưu ý vấn đề kinh tế: “Chúng tôi muốn ai đó chỉ ra vật liệu thay thế là gì? Tôn trắng chỉ phù hợp với một số vùng, còn ở các vùng nước mặn như Cà Mau, tôn rất nhanh hỏng. Bà con cần vật liệu thay thế có giá tương đương”.

Theo ông, hiện bà con các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn hứng nước mưa từ mái nhà, để lắng cặn và uống, nên chất độc trong vật liệu amiăng có đi vào nước hay không là thông tin rất cần thiết. “Từ những năm 1960 đến nay bà con vẫn sử dụng nước như vậy nhưng ở các vùng này, tuổi thọ không thấp hơn. Vì vậy, tôi cho rằng cần có chứng minh rõ, cụ thể hơn kết quả sử dụng, truyền bệnh, lây bệnh ở Việt Nam đối với vật liệu có amiăng trắng” - ông Hoàng đề nghị.

Giáo sư - tiến sỹ Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam - cũng cho rằng, lộ trình ngừng sử dụng amiăng cần đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ thời gian chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất: “Cần có cơ chế để giảm thiểu việc sử dụng amiăng trắng như thuế nhập khẩu, cấp khoản vay ưu đãi cho việc chuyển đổi sang công nghệ không sử dụng amiăng trắng; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, có định hướng cho doanh nghiệp về sản xuất vật liệu không amiăng, tư vấn về thiết kế, chế tạo, lắp đặt trong quá trình chuyển đổi công nghệ và dây chuyền với quy mô toàn quốc. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm ximăng sợi khác ngoài sợi PVA”.