Liên kết vùng Đông Nam Bộ cần được thực hiện để giải quyết từ những vấn đề đơn giản nhất như chia sẻ thông tin hoạt động, nhiệm vụ nghiên cứu, đầu tư nguồn lực,… Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là đầu mối để xây dựng chương trình liên kết này.
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc tại Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ lần thứ 14, được tổ chức ngày 26/10 tại TPHCM.
Trong những năm qua, các Sở KH&CN vùng Đông Nam Bộ đã có một số hoạt động liên kết, hợp tác trong công tác quản lý và triển khai hoạt động KH&CN trong vùng, như: Đồng Nai ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học trên địa bàn TPHCM về hợp tác phát triển KH&CN tỉnh Đồng Nai đến năm 2020; Phối hợp xây dựng chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường TPHCM, tạo chuỗi liên kết trong công tác thực hiện Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Các Sở trong khu vực cũng đã có trao đổi, tham khảo, học tập kinh nghiệm của nhau về quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực hoạt động KH&CN...
Cần xây dựng mô hình liên kết
Theo ông
Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN - hoạt động liên kết vùng về hoạt động KH&CN ở các địa phương vùng Đông Nam Bộ còn mang tính hình thức, chưa có cơ quan điều phối quản lý, chưa có sự gắn kết. Đặc biệt, theo ông Đà, là sự thiếu cơ chế chỉ đạo, sự chia sẻ đồng bộ đã làm cho các cam kết trở lên mờ nhạt khi thực thi.
Từ thực tế trên, ông Đà đề xuất 6 giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết vùng: Xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động KH&CN của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng; Xây dựng mô hình liên kết trong hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ, đảm bảo tính liên kết vùng; Liên kết xây dựng
hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đông Nam Bộ; Thực hiện tốt công tác quản lý một số lĩnh vực KH&CN có tính chất đặc thù của vùng; Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và chuyển giao cơ sở dữ liệu cho vùng Đông Nam Bộ; Nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai cần quan tâm trước mắt để giải quyết vần đề vùng.
Liên kết vùng để phát triển
Phụ thuộc vào đặc thù khác nhau, mỗi địa phương đều có những thế mạnh về sản phẩm và dịch vụ riêng. Để khoa học và công nghệ thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, cần có sự liên kết giữa các Sở KH&CN trong vùng, cùng phát triển và chia sẻ thông tin.
Ông Phạm Văn Sáng - Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai - cho rằng, cần liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng. Liên kết này phải dựa trên lợi thế, tiềm năng và điều kiện tự nhiên giống nhau. Trong mỗi liên kết cần có một trung tâm giữ vai trò nhạc trưởng để tránh sự cạnh tranh ảnh hưởng đến quy hoạch và định hướng phát triển chung của cả vùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương đề xuất, trước mắt nên tập trung thực hiện ba vấn đề đơn giản trước. Đó là chia sẻ về tiềm lực, các nhiệm vụ KH&CN và
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cũng theo ông Cường, nếu các địa phương chia sẻ với nhau về tiềm lực, nhiệm vụ KH&CN thì tránh lãng phí trong đầu tư trang thiết bị và trùng lắp trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được những giải pháp liên kết vùng, cần có một kế hoạch, Chương trình liên kết cụ thể với sự chỉ đạo của Bộ KH&CN. Trong đó, Cục Công tác phía Nam làm đầu mối để xây dựng chương trình liên kết cũng như lên kế hoạch trong việc thực hiện. Đồng thời, nên chọn nội dung triển khai cụ thể trong hoạt động liên kết để những hội nghị giao ban vùng tiếp theo thảo luận những vấn đề đã đặt ra và giải quyết được những gì.
Đồng tình với những ý kiến trên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đề nghị, ngoài việc thực hiện liên kết vùng để giải quyết những việc đơn giản, các Sở KH&CN cần đề xuất những vấn đề khó khăn nhất hiện nay mà địa phương, vùng đang vướng mắc, cần phải tập trung giải quyết.
Hội nghị Giao ban KH&CN Vùng Đông Nam Bộ lần thứ 15 sẽ do Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu đăng cai tổ chức năm 2019.