Trong nửa đầu tháng 4/2020, một số tổ chức nghiên cứu trong nước liên tiếp công bố các báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế Việt Nam và khuyến nghị các chính sách ứng phó.

Kinh tế Việt Nam trước tác động của dịch COVID-19
Trước tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi và bộc lộ những tổn thương cần nhanh chóng khắc phục.

Nhiều góc nhìn với mức độ lạc quan khác nhau

Ngày 3/4, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) công bố báo cáo “Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền Kinh tế và các khuyến nghị chính sách”, sử dụng một số phương pháp dự báo đỉnh dịch truyền thống để xem xét các khả năng nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Báo cáo cũng đánh giá tác động đối với một số ngành cụ thể như xuất nhập khẩu, thương mại, vận tải, y tế, giáo dục, du lịch và nông nghiệp trong từng tình huống.

Khảo sát trên 510 doanh nghiệp thuộc nhiều quy mô, Báo cáo của NEU cho thấy, chỉ 15% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động bình thường nếu dịch kéo dài đến tháng 6. Nếu dịch kéo dài đến hết năm 2020, tỷ lệ phá sản sẽ lên tới gần 40%. Các doanh nghiệp cho rằng những chính sách đang được triển khai (tính đến đầu tháng 4/2020) đều mang xu hướng tích cực nhưng dường như chưa có chính sách nào vượt trội trong việc đáp ứng nhu cầu của số đông doanh nghiệp.

Tiếp theo đó, ngày 12/4, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố báo cáo"Đánh giá tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế", dựa trên việc xem xét 15 ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 và cũng là các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam (chiếm khoảng 78% GDP năm 2019). Kết luận cho thấy trong quý I/2020, có 9 ngành chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại "lớn" (giảm trên 10%) và 6 ngành chịu tác động ở mức độ "vừa phải” (giảm từ 5-10%) dựa trên các tiêu chí về xuất nhập khẩu hoặc doanh thu, giá cổ phiếu và tình trạng tạm ngừng kinh doanh.

Mức độ chịu tác động do dịch COVID-19 của 15 ngành kinh tế lớn của Việt Nam
Mức độ chịu tác động do dịch COVID-19 của 15 ngành kinh tế lớn của Việt Nam.

Báo cáo đưa ra 3 kịch bản đều giả định Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong quý II nhưng thời gian phục hồi kinh tế khác nhau tùy thuộc vào tình hình thế giới. Ở cả 3 kịch bản, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đều khá “tích cực”, dù có suy giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức dương (từ 4,07% đến 5,6%), cao hơn dự báo mới nhấtcho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố đầu tháng 4 (từ 1,5% đến 4,9%)

Mức tăng trưởng kinh tế này cũng lạc quan hơn so với mức được đưa ra trongbáo cáo"Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngày 13/4. Theo đó, VEPR dự đoán tăng trưởng GDP năm 2020 lần lượt là 4,2%, 1,5% và -1,0% nếu dịch kéo dài đến cuối quý II, quý III và quý IV. Trong mỗi kịch bản, các khu vực bị ảnh hưởng nhất như vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghệ thuật, giải trí đều dự báo mức suy giảm khá lớn (20-70%).

Tuy vậy, nhóm tác giả nhấn mạnh con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật sự của nền kinh tế do chúng không phản ánh đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây và lại chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế (từ 25-35%).

Nhìn chung, mỗi tổ chức nghiên cứu kể trên tập trung tiếp cận vấn đề ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kinh tế VIệt Nam theo các hướng khác nhau, từ cấp độ doanh nghiệp đến ngành nghề và vĩ mô. Tuy vậy, tất cả đều nhất trí rằng sự hồi phục của kinh tế Việt Nam gắn chặt với tình hình kiểm soát dịch bệnh và thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh của kinh tế thế giới.

Khuyến nghị chính sách

Cả hai báo cáo của NEU và VEPR đều nhấn mạnh vào việc chính phủ cần sẵn sàng các phương án từ “hỗ trợ” đến “giải cứu” tùy theo thời gian dịch bệnh kéo dài, nhưng cần ưu tiên các chính sách an sinh xã hội và tập trung mục tiêu vào những nhóm bị tổn thương như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, người lao động mất việc làm hay người lao động trong khu vực phi chính thức.

VEPR đi sâu vào phân tích những ràng buộc chính sách khiến chính phủ bị hạn chế trong việc thực hiện các biện pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm tình hình thâm hụt ngân sách nhiều năm qua, tỷ lệ nợ công cao và điều kiện phải đạt được các mục tiêu lạm phát (4%) và ổn định tỷ giá đã đặt ra trước đó.

VEPR cũng cho rằng cần xây dựng những biện pháp ứng phó linh hoạt hơn hiện nay, tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan và nên tiếp cận theo hướng điều chỉnh hoạt động kinh tế [thay vì kiểm soát, chẳng hạn như sử dụng thuế xuất khẩu thay vì hạn ngạch trong vấn đề xuất khẩu gạo gần đây] một cách thận trọng.

Cả 3 báo cáo đều kêu gọi các chính sách mà chính phủ đưa ra cần phân loại rõ ràng đối tượng doanh nghiệp và ngành nghề chịu tác động để các chính sách hỗ trợ có thể tạo hiệu quả cao nhất; đồng thời thúc giục đưa các gói hỗ trợ vào thực thi càng sớm càng tốt.

Hiện tại Việt Nam đang có 3 gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống chọi với bệnh dịch COVID-19, gồm:

Gói chính sách tiền tệ - tín dụng:
+ Cơ cấu lại, giãn-hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng;
+ Cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1-2,5%/năm. (Lưu ý: Nguồn của gói này không đến từ Ngân sách nhà nước mà từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại.)

• Gói chính sách tài khóa cho việc giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuế và phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng;

• Gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế.