Sau những thành tựu của hơn 30 năm Đổi mới đưa đất nước thoát nghèo và gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình (middle income countries), Việt Nam lại bước vào một giai đoạn chuyển đổi mới nhờ công nghệ.

Tiềm năng cực lớn

Những đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng đang giúp người Việt Nam truy cập Internet dễ dàng hơn bao giờ hết, góp phần xóa bỏ khoảng cách hay sự bất bình đẳng về kỹ thuật số. Thậm chí báo cáo do Google và Temasek Singapore thực hiện năm 2018 còn ví nền kinh tế số (digital economy) của Việt Nam – đang tăng trưởng trung bình mỗi năm hơn 40% – giống như “con rồng được tự do vùng vẫy.”

Smartphone đang thay đổi lối sống của người Việt Nam.

Smartphone đang thay đổi lối sống của người Việt Nam.

Với hơn 51 triệu người trong độ tuổi từ 15 trở lên sử dụng điện thoại di động – đạt độ phủ trên 80%, Việt Nam được xác định là một mobile-first market (thị trường mà các hoạt động dựa trên nền tảng di động chiếm ưu thế), như báo cáo năm 2019 của Google và Mobile Marketing Association. Mọi miền của đất nước đều đã được phủ sóng, bên cạnh giá cước và chi phí thiết bị rất phải chăng, khiến người dân có thể truy cập 3G, 4G không mấy khó khăn ở cả những khu vực xa xôi hẻo lánh.

Kể từ khi ra đời năm 2011, Appota – nhà xuất bản các tựa game di động theo giấy phép – đã thu hút được khoảng 40 triệu người dùng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty còn mở rộng hệ sinh thái đa dạng của mình sang lĩnh vực thanh toán trực tuyến (ví điện tử), quảng cáo B2B, phát triển ứng dụng đọc sách, theo dõi tin tức, xem phim, truyện, giải trí, ... Trong tầm nhìn “chuyển đổi số”, chiến lược đột phá tiếp theo của Appota sẽ tập trung vào các sản phẩm phần cứng (physical products) kết nối với smartphone, và tích hợp nhiều giải pháp thông minh vào cả môi trường làm việc lẫn gia đình. Công ty vừa tung ra một thiết kế smart lock (khóa thông minh) để đảm bảo an toàn cho nhiều thứ, từ cửa ra vào đến vali xách tay, ...

Đến nay, bà Nguyễn Thùy Liên – giám đốc phát triển của Appota – đã huy động được hơn 17 triệu USD cho công ty. Công việc gọi vốn start-up tại Việt Nam đang ngày càng thuận lợi hơn so với trước kia, một phần cũng nhờ nguồn quỹ nước ngoài, nhất là từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù vậy, giới đầu tư quốc nội vẫn thường tỏ ra dè dặt và thiếu niềm tin vào triển vọng của công nghệ. “Ở một chừng mực nào đó thì họ vẫn thích đầu tư bất động sản hơn. Hy vọng điều này sẽ sớm thay đổi,” bà Liên nói.

Bà Nguyễn Thùy Liên, giám đốc phát triển của Appota.

Bà Nguyễn Thùy Liên, giám đốc phát triển của Appota.

Khuyến khích phát triển bền vững

Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may (chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh), nhưng vị trí này chắc chắn sẽ còn được cải thiện khi các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP) đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may đang gây ô nhiễm rất lớn do tiêu thụ tới 90 tỷ m3 nước mỗi năm và phát thải khoảng 10% lượng CO2 toàn cầu.

Năm 2016, Royal Spirit Group – công ty sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Hồng Kông – đã khai trương nhà máy Deutsche BekleidungsWerke (DBW, một cái tên rất Đức) ở ngoại ô Sài Gòn. Hans Barkell-Schmitz, người sáng lập công ty và chỉ đạo dự án cho biết: “Chúng tôi xác định bền vững là tiêu chí hàng đầu khi đầu tư tại Việt Nam.” Cơ sở sản xuất trị giá 20 triệu USD này, nơi đang có hơn 1.000 lao động làm việc, đã được thiết kế tối ưu, theo các tiêu chí nghiêm ngặt nhất, đảm bảo thân thiện với môi trường và chú trọng phúc lợi của người lao động. Đó là những chiếc ghế may được đặt làm riêng để phù hợp với tầm vóc người Việt. Hệ thống đèn LED, điều hòa không khí và quạt thông gió được bố trí khoa học, giúp công nhân tránh mỏi mắt, nhức đầu và luôn ở trong tâm trạng làm việc thoải mái. “Chúng tôi hiểu rằng nếu người lao động hạnh phúc, năng suất chắc chắn sẽ tăng, và đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi,” Barkell-Schmitz nói.

Ông Hans Barkell-Schmitz, giám đốc Deutsche BekleidungsWerke.

Ông Hans Barkell-Schmitz, giám đốc Deutsche BekleidungsWerke.

Tiết kiệm năng lượng là chìa khóa tại DBW, và các lãnh đạo ở đây cũng ưu tiên sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, nhiên liệu sinh học (biofuel) và quang điện. Barkell-Schmitz cùng các cộng sự đã rất tỉ mỉ khi lựa chọn thiết bị: máy may do Đức chế tạo với tính năng tự ngắt điện khi không hoạt động, máy nhuộm công nghệ cao tiêu thụ ít nước và hóa chất, bên cạnh những hệ thống khác có hệ số sử dụng năng lượng tối ưu. Chưa hết, tòa nhà còn được thiết kế để tự vận hành giống như một cái phễu khổng lồ – dẫn nước mưa vào bể chứa, sau đó lọc và tái sử dụng để giặt vải. Nước thải cũng được gom lại và xử lý, rồi dùng để tưới cho khu vườn trên sân thượng chuyên cung cấp rau củ cho nhà ăn của công ty.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy của Deutsche BekleidungsWerke.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy của Deutsche BekleidungsWerke.

Nhờ đó, DBW đã giành được giải thưởng cấp cao nhất từ cả LEED (hệ thống chứng nhận công trình xanh của Hoa Kỳ) và đối tác Lotus tại Việt Nam. Barkell-Schmitz kỳ vọng nỗ lực của mình sẽ truyền cảm hứng cho những nhà sản xuất khác. “Đó không chỉ là chiến thắng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà còn là của cả hành tinh,” ông tự hào.

Nhà máy của Deutsche BekleidungsWerke nhìn từ trên cao.

Nhà máy của Deutsche BekleidungsWerke nhìn từ trên cao.

Bùng nổ thương mại điện tử

Năm 2010, Trần Ngọc Thái Sơn khởi nghiệp công ty Tiki trong căn phòng ngủ tại nhà ba mẹ anh ở Sài Gòn. Là người bán sách trực tuyến (chuyên về các đầu sách tiếng Anh), anh đã tận dụng garage của gia đình làm nhà kho. “Đó chỉ là một cửa hàng nhỏ, nhưng giấc mơ của tôi thì luôn lớn,”Sơn chia sẻ. Mười năm sau, Tiki đã trở thành một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đứng đầu Việt Nam, kinh doanh đủ thứ từ sách, đồ điện tử, thời trang, mỹ phẩm, cho đến các sản phẩm cá tính, phong cách, ... với trung bình 17 triệu lượt khách truy cập và 4,5 triệu mặt hàng được giao dịch mỗi tháng, được VNG, JD và nhiều nhà đầu tư khác rót hàng chục triệu USD. Thành công này cũng đồng hành với sự bùng nổ của thị trường TMĐT Việt Nam, đạt giá trị 6,2 tỷ USD vào năm 2019 và chắc chắn sẽ còn tăng lên.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki.

Sự phát đạt này, theo Sơn, cũng một phần là nhờ quy mô dân số đông và tuổi đời khá trẻ. Người Việt thường nhạy bén với xu hướng công nghệ mới lẫn tỏ ra lạc quan về tương lai, cho nên “điều này đã thúc đẩy họ lên mạng mua đồ.” Bên cạnh khả năng kết nối mạng thuận tiện, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tên tuổi quốc tế và start-up trong nước cũng góp phần thúc đẩy sự sáng tạo vì lợi ích của người tiêu dùng.

Thành công của Tiki cũng có vai trò chủ chốt nhờ chiến lược Logistic sáng tạo. Công ty hiện có 33 kho hàng tại 13 tỉnh, thành và tự hào về dịch vụ giao hành nhanh chỉ trong hai giờ. Mặc dù Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, song gần 2/3 dân số vẫn đang sống ở vùng nông thôn và các khu vực xa xôi hẻo lánh, khiến việc giao hàng mất thời gian và tốn kém hơn. Ngoài ra, hơn một nửa số đơn hàng vẫn được thanh toán bằng tiền mặt thay vì áp dụng các phương thức mới như ví điện tử, ... Sơn kỳ vọng điều này sẽ sớm thay đổi.

Tiki có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong 2 giờ.

Tiki có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong 2 giờ.

Thay lời kết

Qua câu chuyện của Appota, Deutsche BekleidungsWerke và Tiki, có thể thấy công nghệ đang thực sự định hình lại cách người Việt sản xuất, kinh doanh, học tập và tương tác ... Bất chấp mô hình tăng trưởng còn nhiều bất cập, cũng như không ai có thể lường hết những thiệt hại do COVID-19 gây ra, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ tiến mạnh về phía trước nhờ động lực của công nghệ.

Xem video phỏng vấn ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập kiêm CEO của VNG, cổ đông lớn tại Tiki: