Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam có mức tăng trưởng khả quan so với các nước khác ở cả hai kịch bản.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo “
Đông Á - Thái Bình Dương trong thời COVD-19” của Ngân hàng Thế giới ngày 30/3 tại Washington (Mỹ), Aaditya Mattoo - chuyên gia kinh tếtại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (EAP), nhấn mạnh, đại dịch này đang gây ra “
một cú sốc toàn cầu chưa từng thấy, có thể khiến tạm dừng tăng trưởng và gia tăng nghèo đói trong khu vực”.
Mattoo nói rằng có 17 quốc gia trong khu vực là chìa khóa của chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm 70% thương mại thế giới "đã bị ảnh hưởng" bởi dịch COVID-19 cũng như có số ca nhiễm thuộc nhóm cao nhất thế giới. "Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau nơi vận mệnh kinh tế đan xen, sẽ có sự cộng hưởng, bởi cú sốc sẽ xảy đến cùng lúc với tất cả quốc gia quan trọng này.[…] Điều này đặc biệt gây tổn thất về mặt kinh tế”, ông nói.
Suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra 2 kịch bản dự báo cho năm 2020 trong tình hình dịch bệnh - kịch bản cơ sở (baseline) chỉ trường hợp tăng trưởng bị sụt giảm nghiêm trọng, theo sau là phục hồi mạnh mẽ; và kịch bản xấu hơn (lower case) chỉ việc thu hẹp kinh tế sâu hơn và phục hồi chậm chạp.
Theo số liệu, ngay cả trong trường hợp khả quan nhất, kinh tế các nước đang phát triển trong khu vực EPA được dự đoán tăng trưởng 2,1% vào năm 2020 (so với 5,8% vào năm 2019). Trong khi đó, viễn cảnh xấu là tăng trưởng âm 0,5%.
Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sụt giảm từ mức 6,1% năm ngoái xuống mức dự đoán cơ sở là 2,3% và mức xấu hơn là 0,1% trong năm nay.
So với các nước đang phát triển trong khu vực, Việt Nam được dự báo khả quan hơn cả. Tốc độ tăng trưởng cơ sở được dự báo là 4,9% (thấp hơn 1,6 điểm phần trăm so với dự báo của Ngân hàng Thế giới trước dịch) và trong trường hợp xấu là 1,5% cho năm 2020.
Ngân hàng Thế giới cho rằng việc ngăn chặn đại dịch sẽ cho phép các quốc gia phục hồi, nhưng nguy cơ căng thẳng tài chính vẫn ở mức cao và có thể kéo dài đến sau năm 2020. Những quốc gia dễ bị tổn thương nhất là những nước có hệ thống kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch kém; phụ thuộc nhiều vào thương mại, du lịch và hàng hóa tiêu dùng; có mức nợ cao hoặc phụ thuộc vào dòng tài chính biến động.
Bên cạnh bệnh dịch, triển vọng tăng trưởng của một số nước còn bị kéo xuống vì những yếu tố đặc thù quốc gia như hạn hán (Thái Lan) hoặc các cú sốc hàng hóa (Malaysia, Mông Cổ).
Cản trở thoát nghèo
Cú sốc COVID-19 đồng thời tác động nghiêm trọng đến nghèo đói và phúc lợi xã hội do bệnh tật, tử vong và giảm thu nhập. Nếu không xảy ra dịch, 35 triệu người được dự báo sẽ thoát nghèo trong năm 2020, trong đó có 25 triệu người ở Trung Quốc. Nhưng dịch bệnh đã khiến quá trình này chậm lại.
Theo kịch bản tăng trưởng cơ bản dưới thời dịch COVID-19, ước tính có gần 24 triệu người không thể thoát nghèo (thu nhập dưới 5,50 USD/ngày). Con số này sẽ tăng thêm 11 triệu người nữa nếu kịch bản xấu xảy ra.
Các hộ gia đình trong nhiều khu vực kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - chẳng hạn du lịch và bán lẻ ở Thái Lan, hay sản xuất và dệt may ở Việt Nam - có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói, ít nhất trong ngắn hạn. Lao động trong khu vực phi chính thức ở mọi quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và khó có khả năng nhận được hỗ trợ.
Cần hành động nhanh và dứt khoát
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị sử dụng các chính sách kinh tế vĩ mô kết hợp với chính sách ngăn chặn dịch bệnh.
Điều đó có nghĩa các quốc gia cần hành động nhanh chóng và dứt khoát để mở rộng năng lực xét nghiệm và điều trị, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Song song với đó triển khai các biện pháp tài khóa, tài chính và tiền tệ theo hướng bảo trợ xã hội, đặc biệt những đối với những đối tượng dễ bị tổn thương về kinh tế như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình hoặc các lĩnh vực chịu thiệt hại. Các biện pháp mục tiêu này cũng phải bảo vệ người lao động, chẳng hạn như trợ cấp nghỉ ốm và chăm sóc sức khỏe, để đảm bảo việc thiếu hụt nhân lực tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về vốn nhân lực.
“Ngoài các hành động táo bạo của từng quốc gia thì việc hợp tác quốc tế sâu hơn cũng là liều vaccine hiệu quả nhất chống lại mối đe dọa hiểm độc này”, Mattoo nhấn mạnh.
Báo cáo kêu gọi các hành động chung tay như thiết lập quan hệ PPP xuyên biên giới mới để tăng cường sản xuất và cung cấp vật tư, dịch vụ y tế hay mở cửa chính sách thương mại để tạo điều kiện phục hồi kinh tế nhanh chóng.