Sớm xiết chặt hoạt động xã hội, thậm chí giới nghiêm ngay khi có những ca COVID-19 đầu tiên nên lượng nhiễm bệnh còn thấp, nhưng các nước nghèo lại phải đối mặt hàng loạt mối lo nan giải, gồm cạn kiệt vật tư y tế, bộ xét nghiệm, và thiếu đói có thể là mầm mống bạo loạn.

Người dân Somalia sống trong trại Sayidka thuộc thủ đô Mogadishu. Ảnh: AP
Người dân Somalia sống trong trại Sayidka thuộc thủ đô Mogadishu. Ảnh: AP

Phóng sự của tạp chí Nature lướt nhanh qua bốn nước nghèo cho thấy tình thế lưỡng nan này.

Nigeria (139 người nhiễm, 2 người tử vong)

Giống như nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình khác, hệ thống y tế Nigeria quá yếu để chống lại quả bom COVID-19.

Nhà dịch tễ học Ihekweazu tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) và các đồng sự đang nỗ lực chiến đấu với một căn bệnh chết người khác – sốt Lassa bùng phát trong thời gian COVID-19 bùng ra ở Trung Quốc. Nhận thấy khả năng coronavirus sẽ lây lan rộng, ông đã yêu cầu nhóm của mình tìm kiếm nguồn xét nghiệm chẩn đoán. Vào ngày 3/2, phòng thí nghiệm của ông đã tìm được nguồn cung các bộ xét nghiệm phát hiện SARS-Cov-2, sử dụng kỹ thuật RT-PCR, do các nhà nghiên cứu ở Đức phát triển và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân phối.

Ngay sau đó, Ihekweazu đã đi cùng một phái đoàn quốc tế gồm các nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm của WHO đi tìm hiểu về các chiến lược đối phó với COVID-19 của Trung Quốc và thu thập thông tin về mức độ nghiêm trọng và tình hình lây truyền bệnh. Ihekweazu vẫn bị cách ly ở Abuja sau khi trở về, lúc này Nigeria cũng đã xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên - vào ngày 27/2. Một trong những phòng thí nghiệm hợp tác với CDC Nigeria ở Lagos đã gửi mẫu cho Christian Happi, một nhà vi sinh học tại Đại học Redeemer, ở Ede để giải trình tự bộ gene của coronavirus trong vòng ba ngày và đưa lên mạng. Đó là bộ gene SARS-Cov-2 đầu tiên được giải trình tự ở lục địa châu Phi này.

Ngay khi số ca nhiễm COVID-19 tại Nigeria tăng lên tám vào ngày 18/3, chính quyền đã cấm người đến từ các quốc gia có dịch, hơn 1.000 trường hợp nhập cảnh từ Trung Quốc, Ý và Hoa Kỳ đã bị cấm. Ba ngày sau, Nigeria đã cấm tất cả các trường hợp tập trung quá 20 người ở Lagos và Abuja, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa. Vào ngày 29/3, khi số ca nhiễm lên tới 100, Tổng thống Muhammadu Buhari tuyên bố đình chỉ các chuyến bay nội địa và bố trí các trạm kiểm soát ngăn chặn việc đi lại không cần thiết giữa các địa phương. Ông viết trên Twitter: “đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết” và “hãy nhìn vào con số tử vong khủng khiếp hằng ngày ở Ý, Pháp và Tây Ban Nha.”

Chính sách ngăn chặn di chuyển nội địa ở Nigeria được triển khai nhanh chóng hơn so với nhiều quốc gia khác. Ví dụ, vào ngày 28/3, CDC Hoa Kỳ yêu cầu cư dân New York, New Jersey và Connecticut không di chuyển, khi đó ba tiểu bang này đã có hơn 65.000 ca nhiễm.

Tuy nhiên, dù CDC Nigeria có 6 phòng thí nghiệm trong mạng lưới, bao gồm cả phòng thí nghiệm của Happi, nhưng vẫn không đủ năng lực xét nghiệm. “Chúng tôi đang làm việc theo ca 24/7”, Happi nói. Trung tâm phân tích của Happi có 16 nhân viên xét nghiệm RT- PCR, nhưng giờ đây đang phải tìm kiếm thêm thành viên. Ông cũng đang cố gắng tìm thêm nguồn trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên tránh lây nhiễm, vì khẩu trang và quần áo y tế của phòng thí nghiệm đang cạn kiệt.

Trong khi đó, cũng tại một phòng thí nghiệm quốc gia ở Lagos, Dhamari Naidoo, nhân viên kỹ thuật của WHO, đang cố gắng lấy thêm bộ xét nghiệm cho Nigeria, để chính quyền ở đây đủ phương tiện xét nghiệm và cách ly người mắc COVID-19 trước khi họ lây bệnh ra cộng đồng.

“Với quy mô của Nigeria, chúng ta cần tiến tới giai đoạn thực hiện 5.000 - 10.000 xét nghiệm mỗi ngày”, Naidoo nói. Nhưng lệnh cấm di chuyển trên khắp châu Phi đã dẫn tới hệ lụy là các chuyến bay ngày càng ít, khiến việc giao vật tư phòng thí nghiệm và hàng hóa y tế càng chậm lại. Naidoo nhận được thông báo là phải tới cuối tháng tư mới có thể nhận thêm vật tư y tế và xét nghiệm. Một số vật tư dành cho xét nghiệm RT-PCR đang càng lúc càng thiếu.

Peru (1065 người nhiễm, 30 ca tử vong)

Peru đã công bố giãn cách xã hội ngay khi xác nhận trường hợp đầu tiên lây nhiễm trong phạm vi nội địa. Vào ngày 15/3, khi số ca lây nhiễm lên tới 70, quốc gia này đã đóng cửa biên giới và trường học, người dân được khuyến cáo ở trong nhà và chỉ được ra ngoài khi cấp thiết, đồng thời thực hiện giới nghiêm gắt gao từ 8 giờ tối, thậm chí từ 4 giờ chiều ở một số nơi. Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Martín Vizcarra cho biết rằng cảnh sát đã bắt giữ 21.000 công dân vi phạm, cảnh sát lưu hồ sơ những người vi phạm rồi trả họ về nhà. Chính quyền công bố số vụ bắt giữ hằng ngày để cảnh báo những người khác tránh vi phạm. Chính phủ cũng đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ những người mất thu nhập do lệnh hạn chế đi lại và giới nghiêm, chẳng hạn như hỗ trợ tiền mặt và phân phối thực phẩm. “Chúng ta đang mạnh tay nhưng là cần thiết để cùng nhau thoát khỏi tình huống này”, Tổng thống Martín nói.

Tuy nhiên, khi các ca nhiễm và nghi nhiễm tăng lên, nhu cầu xét nghiệm để phát hiện, cách ly và điều trị sớm ngày càng trở nên cấp bách. Chỉ có hai phòng thí nghiệm ở Peru, đều đặt cả ở thủ đô Lima có thể tiến hành các xét nghiệm RT- PCR, vốn đòi hỏi thiết bị và vật tư phòng thí nghiệm tương đối đắt tiền. Để mở rộng xét nghiệm ra bên ngoài thủ đô, chính phủ đã đặt 1 triệu bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh do Trung Quốc và Hàn Quốc sản xuất.

Giống như ở Nigeria, các nhà nghiên cứu ở Peru cũng đang hồi hộp chờ đợi vật tư xét nghiệm RT-PCR. Họ hi vọng đến tháng 5, công ty công nghệ sinh học Cepheid ở Sunnyvale, California sẽ tăng quy mô sản xuất đầu đọc phát hiện COVID-19 cho máy RT-PCR GeneXpert của mình. Những máy này trước đây vẫn được sử dụng ở Peru để chẩn đoán bệnh lao. Nhưng vì chuỗi cung ứng các xét nghiệm chẩn đoán hiện tại đang rất căng do nhu cầu xét nghiệm ở các nước Âu – Mỹ nên họ lo lắng Mỹ sẽ ‘hút’ hết các đầu đọc dành cho máy GeneXpert.

Kenya (59 người nhiễm, 1 ca tử vong)

Vào ngày 25/3, khi có 25 trường hợp nhiễm COVID-19, Kenya đã áp dụng lệnh giới nghiêm 7 giờ tối và yêu cầu người dân chỉ nên rời nhà nếu có việc thiết yếu. Một số phương tiện truyền thông nước này đưa tin, vào ngày 31/3, một thiếu niên đứng trên ban công đã bị cảnh sát giám sát giờ giới nghiêm trên đường phố bắn.

“Tình trạng cảnh sát lạm quyền không phải là mới ở Kenya”, nhà báo Abigail nói. Nhưng chiến thuật của họ có thể phản tác dụng nếu cộng đồng phản đối, đặc biệt là nếu người dân không thể kiếm được nhu yếu phẩm. “Nếu chính phủ không có một cơ sở dữ liệu để phân phối thực phẩm, người dân không có cái ăn thì sẽ dẫn tới bạo loạn”, Arunga nói.

Evans Amukoye, một nhà nghiên cứu phổi trẻ em tại Viện Nghiên cứu y tế Kenya ở Nairobi nói rằng việc thuyết phục công chúng thực hiện phòng tránh COVID-19 nghiêm túc là rất khó, vì cho đến nay vẫn còn ít trường hợp bị nhiễm. Chính quyền áp đặt lệnh giãn cách xã hội sớm vì nhìn thấy bài học của Bắc Kinh. Nhưng cũng giống như Nigeria và Peru, Kenya đang phải vật lộn để tăng cường xét nghiệm trong tình hình vật tư y tế, hóa chất được nhập về rất chậm. Amukoye cho biết: “Chúng tôi cần tìm hiểu bệnh dịch ở nhóm nghèo, suy dinh dưỡng, người nhiễm HIV bị ức chế miễn dịch hoặc mắc các bệnh không lây nhiễm mà không được chẩn đoán hoặc không được kiểm soát tốt”. Các nhà khoa học Kenya đã tham gia một nhóm gồm các nhà nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp khác cùng tìm cách giải quyết những câu hỏi cấp bách này và đưa ra các thử nghiệm lâm sàng phục vụ cho các khu vực có điều kiện y tế yếu kém.

El Salvador (32 người nhiễm, 1 ca tử vong)

Cả nước này chỉ có khoảng 100 giường chăm sóc đặc biệt, nên El Salvador sẽ phải đối mặt với tình trạng thảm họa nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. Nên ngay cả khi chưa có trường hợp nhiễm, ngày 13/3, chính quyền đã đóng cửa các trường học, dừng sự kiện thể thao và các cuộc tập trung hơn 20 người. Bốn ngày sau, nước này cấm nhập cảnh từ một số quốc gia có dịch. Vài ngày sau khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trở về từ Ý, chính quyền tuyên bố người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thiết yếu và sẽ trợ cấp cho các hộ nghèo 300 USD mỗi tháng để mua thực phẩm. El Salvador thi hành lệnh giới nghiêm chặt chẽ. Lúc đầu, một số người bị bắt đã bị giam giữ trong các lều lớn nhưng chính sách này đang thay đổi vì tập trung đông người sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Trong các khu vực do các băng đảng kiểm soát ở El Salvador thì người dân bị đe dọa phạt tiền hoặc bị đánh nếu dám phá vỡ giờ giới nghiêm, tờ báo El Faro của El Salvador đưa tin.

Khi số lượng các ca nhiễm gia tăng chậm ở El Salvador cũng như các nước nghèo hoặc thu nhập trung bình khác, thì các vết nứt xã hội bắt đầu xuất hiện. “Đây có thể là tình trạng tất cả đều cùng thiệt hại” Kalipso Chalkidou, nhà phân tích chính sách y tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở London nhận định. Mặc dù một số quốc gia đã hành động nhanh chóng bằng cách áp đặt các lệnh hạn chế, thì các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị có thể làm giảm khả năng phòng chống [dịch bệnh] của họ. Và những hành động đó có thể sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề, chẳng hạn như dẫn tới những cái chết không phải do COVID-19 gây ra hoặc tình trạng bạo lực trong dân chúng do túng thiếu thực phẩm, theo Chalkidou. “Chúng ta cần phải suy nghĩ về những gì chúng ta có thể làm một cách thực tế và cố gắng lường tránh hậu quả nghiêm trọng do các biện pháp này gây ra”.

Nguồn:https://www.nature.com/articles/d41586-020-00983-9