“Để thực sự có chất lượng trong đào tạo tiến sỹ, chúng ta không thể thu tiền đào tạo của họ mà cần cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh (người làm nghiên cứu sinh có lương, lương này có thể tính vào chi phí cho đề tài nghiên cứu). Ở các nước tiên tiến đều làm như vậy”

TS Trần Chí Thành chia sẻ về công tác đào tạo nguồn nhân lực của các ngành nói chung và ngành NLNT nói riêng. Ông cũng chỉ ra một thực tế: Các thống kê cho thấy nghiên cứu sinh là lực lượng chính trong công bố quốc tế của thế giới. Họ là những người ở độ tuổi sáng tạo và giàu tâm huyết nhất để tạo ra các sản phẩm khoa học tốt.

Đã có 400 sinh viên, cán bộ được cử đi đào tạo để phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận I.
Đã có 400 sinh viên, cán bộ được cử đi đào tạo để phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận I.

Theo TS Thành, nguồn nhân lực luôn luôn là yếu tố cốt lõi của mọi thành công trong mọi công việc, đặc biệt là đối với KH&CN nói chung và ngành hạt nhân nói riêng. “Nhân lực của ngành hạt nhân hiện nay cũng là vấn đề khó khăn, do chúng ta có một khoảng thời gian không gửi được cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài sau khi Liên Xô tan rã. Các nghiên cứu, ứng dụng NLNT vào đời sống kinh tế, xã hội ngày càng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ giỏi, hùng hậu, giàu kinh nghiệm để triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan” - TS Thành nói và khẳng định, để chuẩn bị cho việc này, trước hết các trường đại học trong nước phải xây dựng các chương trình đào tạo tốt, phù hợp.


Cụ thể, các chương trình đào tạo phải phối hợp với nghiên cứu, đặc biệt là có sự phối hợp giữa các trường đại học và viện nghiên cứu. Đối với các viện nghiên cứu, việc đào tạo cán bộ thông qua công việc rất quan trọng. Cán bộ nghiên cứu trẻ phải được đào tạo qua các đề tài nghiên cứu khoa học và chính họ sẽ là lực lượng chính để tạo ra các kết quả khoa học, ứng dụng tốt cho xã hội. Ngoài ra, việc gửi người đi học, làm việc tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra đội ngũ cán bộ giỏi.

Cho rằng sử dụng các cán bộ được đào tạo ở Nga về điện hạt nhân, NLNT là một giải pháp tốt hiện nay, song TS Thành lưu ý, để có thể đáp ứng tốt cho công việc nghiên cứu, các cán bộ này cần được đào tạo lại ở mức độ nào đó, hoặc đào tạo cao hơn.

Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước tiên tiến để áp dụng cho nghiên cứu và đào tạo trong nước, TS Thành cho rằng, đầu vào của nghiên cứu sinh hiện đã được cải thiện, chất lượng cao hơn. Ngoài việc không thể thu tiền đào tạo tiến sỹ, cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh, ông cũng đề xuất thêm một giải pháp: Trong cơ cấu kinh phí nghiên cứu khoa học, cần có phần kinh phí đi dự hội nghị khoa học quốc tế cho các cán bộ tham gia đề tài có bài báo được chấp nhận trình bày trong hội nghị.

“Hội nghị quốc tế là nơi gặp gỡ, môi trường trao đổi ý tưởng, định hướng, phản biện tốt nhất cho công việc nghiên cứu. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ để cán bộ khoa học có cơ hội cọ xát trong chính môi trường này” - TS Thành kiến nghị.