Tuần trước, Bộ Lao động Hoa Kỳ thông báo 3,3 triệu người Mỹ đã mất việc làm; kỷ lục số người mất việc trong một tuần trước đây là 695.000 người, vào năm 1982.
Việc đóng cửa phần lớn kinh tế dịch vụ, các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng bán lẻ để làm chậm sự lây lan của virus corona đang khiến Mỹ suy thoái nghiêm trọng. Câu hỏi bây giờ là nền kinh tế sẽ suy thoái đến đâu, kéo dài bao lâu và ai sẽ là người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt suy thoái tàn khốc này.
Con số 3,3 triệu người bị mất việc làm có vẻ lớn, nhưng vẫn chưa phản ánh đúng quy mô khủng hoảng, vì nó không tính đến nhiều công việc bán thời gian, tự làm chủ và những người làm việc thời vụ.
Biểu tình ở NewYork năm 1931 tại Ngân hàng Hoa Kỳ.
Trên cơ sở ước tính nền kinh tế sẽ thu hẹp 25% trong quý II, kết thúc vào tháng 6, các nhà kinh tế đồ rằng 5 triệu người sẽ mất việc trước mùa hè. Người đứng đầu Ngân hàng dự trữ St. Louis dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ là 30% và GDP giảm 50% vào mùa hè. Nhưng tất nhiên, không ai thực sự biết khủng hoảng sẽ diễn biến thế nào vì chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự.
"Lần này không giống bất kỳ sự kiện nào trong 100 năm qua. Trong bất kỳ cuộc suy thoái nào trong quá khứ, giải pháp kinh tế luôn là kích thích nhu cầu lao động để đưa người lao động trở lại làm việc. Nhưng lần này, chúng ta cố tình đóng cửa hoạt động kinh tế và bảo mọi người ở nhà,” David Autor, nhà kinh tế học của MIT và là một trong những nhà kinh tế học lao động hàng đầu thế giới, cho biết. “Vấn đề không chỉ là chiều sâu của suy thoái kinh tế, mà là khác nhau về bản chất."
GDP giảm đột ngột sẽ gây mất việc làm, nhưng Autor cũng lo lắng về các doanh nghiệp nhỏ khi dòng tiền của họ bị gián đoạn. Họ vẫn sẽ phải chi trả các chi phí, và nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ. Rất khó để khởi động lại nền kinh tế sau sự gián đoạn như vậy, kể cả khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Và cũng không ai biết phải mất bao lâu để kiểm soát dịch.
Đáng lo ngại hơn, nhóm người yếu thế nhất cũng là nhóm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm những nhân viên phục vụ và người làm thời vụ trong các nhà hàng, khách sạn hay trong nền kinh tế chia sẻ. Trong hai thập kỷ qua, nhân viên phục vụ đã trở thành một phần ngày càng lớn của nền kinh tế Mỹ. Những người không có bằng đại học ngày càng làm việc trong lĩnh vực này nhiều hơn bởi vì có rất ít các công việc văn phòng hay sản xuất có tay nghề, Autor nói. Những người làm các công việc dịch vụ, vốn có mức lương thấp và thường có ít phúc lợi xã hội, là những người sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi kinh tế suy thoái.
Việc đóng cửa nền kinh tế dịch vụ là rất cần thiết để làm chậm sự bùng phát dịch bệnh, Autor nói. Nhưng chúng ta cần cung cấp cho các công nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng các phương tiện để vượt qua sự gián đoạn này, và khi kiểm soát được dịch, hãy giúp khởi động lại nền kinh tế.
Một số cơ chế như vậy đã được tính đến trong gói kích thích trị giá 2 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong tuần này. Mỗi người Mỹ kiếm được dưới 75.000 USD/ năm sẽ được cấp 1.200 USD. Gói kích thích cũng bao gồm trợ cấp thất nghiệp cho công nhân và người lao động tự làm chủ, đồng thời chi hàng trăm tỷ để giúp các doanh nghiệp tiếp tục vận hành.
Đây không phải cách làm hoàn hảo, Arindrajit Dube, nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts, Amherst, nói. Nhưng việc tăng bảo hiểm thất nghiệp và mở rộng diện được hỗ trợ sẽ giúp hàng triệu người, ông nói, và sẽ "cải thiện tình hình hiện nay."
Nguồn: