Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược và sự năng động của khu vực công góp phần quan trọng trong tiến trình đó.
Đòi hỏi thay đổi đồng bộ
Tại Việt Nam, áp lực chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp. Sở dĩ điều có điều này do Việt Nam đang gắng sức vượt “bẫy thu nhập trung bình” bằng con đường dùng nhiều tri thức và công nghệ hơn để đạt được nền kinh tế số có sức tăng trưởng nhanh gấp nhiều lần so với tăng trưởng truyền thống. Muốn tận dụng được cơ hội của nền kinh tế số đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng bước đầu là phải thực hiện được chuyển đổi số.
Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, dự đoán, tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2019 và 60% vào năm 2021; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15% năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; trong 3 năm tiếp sẽ có khoảng 85% công việc trong khu vực bị biến đổi. Chuyển đổi số trở thành xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới và sẽ mang lại những tác động mạnh mẽ. Gần đây, trong buổi công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019: Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số”, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ĐHQG Hà Nội cũng nhấn mạnh “Tương lai kinh tế Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ không tránh khỏi nhiều rủi ro nhưng rủi ro lớn nhất đó chính là không thực hiện chuyển đổi số”.
Chuyển đổi số là sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi cách một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách thức các thành phần tương tác với nhau. Công cuộc chuyển đổi số không còn là việc riêng của một đơn vị hay doanh nghiệp nào, mà là sự chấp nhận thay đổi đồng bộ của tất cả các bên. Trong đó điều quan trọng là khu vực công phải đi trước về tầm nhìn cũng như trong hành động, bởi khu vực công không chỉ có khả năng tạo môi trường ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi của các của các khu vực khác thông qua thể chế, mà còn đóng vai trò người tiêu dùng khổng lồ của các bên cung cấp dịch vụ giúp chuyển đổi số. Một khi khu vực công thực hiện tốt việc chuyển đổi của mình, chất lượng dịch vụ công và tính minh bạch của chính phủ sẽ tăng lên, giúp tiết kiệm ngân sách, củng cố niềm tin trong dân chúng và góp phần đưa người dân vào quy trình ra quyết định chính sách có sử dụng dữ liệu.
Thay đổi rõ rệt từ khu vực công
Chính phủ đã có nhận thức quan trọng về chuyển đổi số, và đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia. Để thực hiện điều đó, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ gồm 3 bước, gồm: Giai đoạn I (2019 – 2020) - Đẩy nhanh số hóa một số lĩnh vực, ngành công nghiệp, chuyển đổi số Chính phủ; chuyển đổi số trong doanh nghiệp, xã hội; Giai đoạn II (2021-2025) - sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu; và Giai đoạn III (2026-2030) - là tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số mới.
Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia đang đặt mục tiêu về chuyển đổi số cơ quan nhà nước đến 2025 bao gồm việc nâng cao xếp hạng chính phủ điện tử, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, mở dữ liệu với người dân và doanh nghiệp, phấn đấu tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đạt 80%, tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 50%...
Trên thực tế, cơ sở dữ liệu là tài sản chính mang tính quyết định cho quá trình chuyển đổi số. Từ năm 2015, nhà nước đã có kế hoạch làm đến 6 cơ sở dữ liệu quốc gia gồm CSDL quốc gia về Dân cư (do Bộ Công an chủ trì); CSDL Đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường); CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia Thống kê tổng hợp về Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); CSDL quốc gia về Tài chính; CSDL quốc gia về Bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội VN).Tuy nhiên cập nhật tháng 7 vừa qua từ Văn phòng Chính phủ cho thấy một số bộ vẫn đang chậm so với dự kiến và các bên hiện đang nỗ lực để bắt đầu khai thác được vào năm 2020. Nhiều dữ liệu hiện có trong khu vực công đang bị phân mảng hoặc khu trú, thách thức đặt ra ở đây là chuyển đổi từ một hệ thống dữ liệu đóng thành dữ liệu mở để có thể kết nối, chia sẻ.
Hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ trong 4 năm gần đây được đẩy mạnh thông qua triển khai chính phủ điện tử. Cụ thể, khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử đang dần hoàn thiện hơn, 6 tháng đầu năm 2019 nhiều bộ ngành rà soát, lấy ý kiến để xây dựng một số dự thảo nghị định sửa đổi liên quan đến cơ chế đầu tư và thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước; nghị định mới về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; nghị định mới về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; nghị định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức…Đây đều là những nghị định mang tư tưởng mới mẻ, có ý nghĩa giải quyết vấn đề, học tập thông lệ quốc tế để thích ứng với bối cảnh các mối quan hệ mới trong không gian ảo. Dự kiến các nghị định trên sẽ sớm được ban hành trong cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 để tạo cơ sở pháp lý cho việc kết nối các hạ tầng viễn thông. Một số khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) cho mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ số mới cũng đang được nghiên cứu.
Bên cạnh đó, một số hệ thống đã được vận hành từ đầu năm nay như Trục liên thông văn bản quốc gia VNDX (3/2019) để phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet (6/2019). Các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện, dự kiến tháng 9/2019 hoàn thành pha thử nghiệm việc cung cấp một số dịch vụ cho người dân và tháng 11/2019 bắt đầu cung cấp dịch vụ công cho tất cả người dân và doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân và chính quyền, bởi nó sẽ liên kết nhiều nguồn CSDL khác nhau. Hiện nay, các địa phương đã có cổng dịch vụ công của mình, tuy nhiên theo thống kê; dịch vụ công cấp 3 mới chỉ chiếm 10% và cấp 4 chỉ chiếm chưa đầy 1%, có 1000 thủ tục hành chính không phát sinh giao dịch điện tử.
Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam có chọn ra một số ngành trọng điểm để ưu tiên thực hiện, từ đó một số bộ ngành phụ trách đang thể hiện sự tự tin đi đầu. Trong sáu năm liên tiếp (2013-2018), Bộ Tài chính là Bộ đứng đầu khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) , với những kết quả điển hình trong việc cung cấp dịch vụ khai và nộp thuế điện tử, thủ tục hải quan điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính; vận hành hệ thống thông tin lớn về chứng khoán, dự trữ, kho bạc, bảo hiểm…,
Ngân hàng nhà nước (NHNN) thậm chí xác định các ngân hàng nếu không chuyển đổi số sẽ diệt vong và loại khỏi thị trường. “Chúng ta đã có thể dùng điện thoại để làm được nhiều thao tác hơn khi ra phòng giao dịch.”, Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, “Hầu hết ngân hàng Việt Nam đã thành lập khối số và ban chuyển đổi số”. Đại diện Bộ Y tê, Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT cũng khẳng định “Chúng tôi có đủ cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn để triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình [năm 2019-2023 triển khai trên 135 bệnh viện hạng I và đặc biệt, đến 2030 áp dụng cho tất cả trên 13,500 cơ sở khám chữa bệnh], hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và tiền mặt trong thanh toán viện phí”. Các dữ liệu về giáo dục, giao thông cũng đang dần được thu thập và số hóa bằng nhiều công nghệ từ đơn giản đến phức tạp không cần sự can thiệp của con người.
Ở cấp địa phương, một số tỉnh thành nổi bật như Quảng Ninh, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế… cũng đang phát triển các đề án, sáng kiến và hệ thống ICT phục vụ cho việc chuyển đổi số của mình. Tại đó, ý chí của lãnh đạo địa phương đóng vai trò quan trọng hàng đầu. GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ câu chuyện cách đây không lâu, ông ngồi cùng làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, “họ làm việc quyết tâm lắm, gọi tất cả sở ban ngành đến bàn bạc và phân ra 14 nhóm thuộc tính cần giải quyết. Khi bên công an nói rằng phải chờ vì chưa đủ dữ liệu dân cư, ban lãnh đạo vẫn quyết định các khâu khác phải thực hiện luôn và khi dữ liệu dân cư xong thì nối lại”.
"Hiện nay các cá nhân, tổ chức trong nước hầu như chưa xây dựng được thói quen số hóa tất cả hoạt động thường ngày; và các tập đoàn, tổ chức lớn về công nghệ thông tin cũng chưa có văn hóa chia sẻ dữ liệu mặc dù mỗi bên đều đang đổ hàng tỷ đồng vào cùng một công việc, ví dụ nhận dạng ngôn ngữ tiếng Việt. Để đạt được đúng tiến trình chuyển đổi số, các bên liên quan cần nhanh chóng thay đổi tư duy và cách thức hợp tác".
Trích phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tại Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2019) diễn ra ngày 8/8/2019 tại Hà Nội. |
Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Đó là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ…Chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ - không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp; v.v… Đây sẽ vừa là Nhà nước đi đầu và cũng vừa là kiến tạo thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông. |