Chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK mở ra cơ hội cho các cá nhân/nhóm có năng lực, nhưng áp lực cũng đang đến với họ từ … tứ phía.
Cánh cửa hẹp
Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” được nêu rõ lần đầu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014. Khi đó, hẳn các nhà lập pháp đã nhận thức được một thực tế khách quan là không thể có sản phẩm tối ưu và việc lưu hành nhiều bộ sách khác nhau sẽ cho phép học sinh và giáo viên ở những vùng miền khác nhau lựa chọn những bộ sách phù hợp cả về phương pháp giảng dạy và nội dung. Bên cạnh đó, xã hội hóa việc biên soạn SGK còn là một cách huy động trí tuệ và nguồn lực của xã hội.
Nhưng cơ hội để tham gia vào chủ trương đó không phải là một cánh cửa rộng, như thực tế đang chứng minh.
Trước khi chủ trương “nhiều bộ sách” được công bố, vào năm 2009, nhà giáo Phạm Toàn đã tập hợp nhóm Cánh Buồm gồm những người làm việc tình nguyện để cùng nhau biên soạn một bộ SGK có khả năng phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học. Tinh thần này, tình cờ, cũng trùng hợp với chủ trương chuyển từ cách thức truyền dạy kiến thức sang đánh giá và khơi dậy phẩm chất, năng lực của học sinh được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Sau 10 năm, bộ sách Cánh Buồm đã từng bước phát triển từ sách tiểu học đến trung học cơ sở; từ sách Tiếng Việt và Văn đến sách Khoa học, Lối sống, Tiếng Anh; từ sách học đến sách hướng dẫn sư phạm cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Dù ý định ban đầu là biên soạn SGK chính thống, nhưng đến nay, “thân phận” của sách Cánh Buồm vẫn chỉ là sách tham khảo.
“Sách Cánh Buồm ‘vênh’ với Chương trình giáo dục phổ thông. Khung Chương trình quyết định cách làm, khung cứng rồi thì những bộ sách hơi khác sẽ khó,” anh Dương Trọng Tấn, một thành viên chủ chốt của nhóm Cánh Buồm, nhận định. “Triết lý của sách Cánh Buồm không hẳn là mới - học từ Piaget, Gardner, Vygotsky, Hồ Ngọc Đại cả thôi - nhưng so với chương trình hiện tại nó có những nét mới và tham vọng mới. Trước người lớn có bao nhiêu dạy lại cho trẻ em bấy nhiêu, lấy trần là người lớn. Nhóm Cánh Buồm tư duy khác, vừa dạy các em tri thức vừa dạy phương pháp làm ra tri thức để bằng cách đó, không chỉ nâng mức độ trung bình của các em lên mà còn phá vỡ cái trần của người lớn.”
Anh Tấn cho biết thêm, sách Cánh Buồm cũng gặp chuyện tương tự như trường hợp SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, đó là “trẻ con học được nhưng người lớn lại bảo khó”. Người lớn có thể thấy sách Cánh Buồm “quá nặng”, “quá khó” với các em, nhưng trên thực tế, các em lĩnh hội được cả tri thức lẫn phương pháp một cách “ngon lành” và thích thú.
Điều này đã được chứng minh qua việc một số trường kiên trì học ngoại khóa với sách Cánh Buồm. Nhưng “chỉ những trường rất tâm huyết, đồng thời có điều kiện và có năng lực mới làm được vì quá vất vả khi phải dạy song song chương trình chính thống và chương trình phụ,” theo anh Tấn. Ngoài ra, còn có những học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 theo học sách Cánh Buồm tại CLB Ô Xinh và những nhóm tại gia do phụ huynh tự tổ chức suốt nhiều năm qua.
Cần nói thêm, “quá nặng”, “quá khó”, “vượt chương trình” cũng là một số trong nhiều lý do khiến bộ SGK Công nghệ giáo dục (bao gồm Tiếng Việt, Toán, và Đạo đức) không qua được các vòng thẩm định cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước sự việc này, Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và do nhận thấy thư trả lời chưa giải đáp thỏa đáng, một thành viên của Trung tâm lại tiếp tục gửi thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - người phụ trách lĩnh vực giáo dục - để bày tỏ ý kiến của mình.
Trở lại câu chuyện nhóm Cánh Buồm, sau khi nhà giáo Phạm Toàn qua đời hồi tháng 6 năm nay, các học trò của ông vẫn không ngừng suy nghĩ về khả năng đưa sách Cánh Buồm vào hệ thống giáo dục chính thống.
“Thiết kế sao cho đạt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới mà vẫn giữ được phương pháp, triết lý của mình, đó không phải là điều không thể làm được nhưng vô cùng thử thách, đòi hỏi chúng tôi phải tổ chức khác đi, phải có nguồn lực. Trước nay chúng tôi toàn dựa vào lao động tình nguyện,” anh Tấn chia sẻ và cho biết, trong khi khả năng này chưa có gì rõ ràng, nhóm đã phác ra những hướng mới như số hóa bộ sách, và đặc biệt phải chế biến tiếp thành các bài giảng online, các phần mềm, thuận lợi cho việc học trực tuyến của học sinh và giáo viên. “Khi nó không thành chính thống được thì phải chế biến sao cho nó phù hợp với các hình thức học phụ trợ, ai cần đều có thể sử dụng tiện lợi.”
“Đi vào cuộc sống” chưa phải là tất cả
Bộ SGK Công nghệ giáo dục là sản phẩm của một nhóm nghiên cứu do GS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chủ biên, hoàn thành vào năm 1978, bắt đầu áp dụng từ năm 1979, và hiện đang có hơn 900 nghìn học sinh ở 48 tỉnh/thành phố theo học.
Bộ sách Cánh Buồm là kết tinh cả một đời vừa tự học, vừa đi dạy, vừa nghiên cứu tâm lý học, khoa học giáo dục... của nhà giáo Phạm Toàn. Tự bươn chải và tự trưởng thành nhờ vào sự hấp dẫn của lý thuyết và kết quả thực tiễn, đến nay bộ sách Cánh Buồm đã phát hành gần 75 nghìn bản in, chưa kể gần 30 nghìn lượt tải xuống từ mạng. Kết quả của nhóm Cánh Buồm đã được báo cáo trực tiếp và nhận được sự ủng hộ của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); của Phó ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng; của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội...
Thế nhưng bộ SGK Công nghệ giáo dục đã trượt hết các vòng thẩm định, còn bộ sách Cánh Buồm chưa đủ khả năng tham gia cuộc tuyển trạch. “Đi vào cuộc sống” không đồng nghĩa với việc dễ dàng đi vào trường lớp chính thống bởi còn có nhiều thách thức hơn thế.
“Áp lực đến với chúng tôi từ … tứ phía,” một nhà biên soạn SGK tiểu học có bản thảo đang trước... “thềm thẩm định”, khái quát những thách thức đối với những cá nhân / nhóm biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Trước hết là tiến độ! Chương trình được ban hành từ tháng 12/2018 mà chưa đầy một năm đã thẩm định vòng hai rồi. Như vậy là các nhóm làm sách đã phải ‘đi trước đón đầu’, đến khi chương trình chính thức được công bố thì sách đã gần như hoàn thành,” chị cho biết. “Tâm thế vội vã, chạy đua, ở ngành nào thì tạo động lực hoạt động chứ ở ngành giáo dục, thì tôi e ‘dục tốc bất đạt’.”
Việc phải đáp ứng nội dung Chương trình, theo chị, đương nhiên cũng là một áp lực nhưng không quá lớn, “miễn sao người biên soạn không tự đóng khung mình đến cứng đơ trong những câu chữ, mục tiêu cần đạt, thời lượng bất di bất dịch Chương trình đề ra. Mà tôi tin, các tác giả Chương trình cũng không khuyến khích điều đó. Sản phẩm còn phải là những trăn trở, sáng tạo, nghiên cứu, thử nghiệm, là những đóng góp mới mẻ mang dấu ấn cá nhân của nhóm tác giả nữa.”
Lớn hơn cả chính là áp lực đến từ Hội đồng thẩm định. “Họ sẽ thẩm định theo cách nào, góp ý đến đâu, chỉ định hướng hay can thiệp từng chi tiết của bản thảo; liệu họ có hiểu được hệ thống tư duy của nhóm tác giả không khi chỉ thông qua việc đọc sách trong một thời gian nhất định và qua việc thuyết minh với thời lượng ngắn ngủi; và nếu hiểu thì có đồng cảm không? Tất cả đều tạo áp lực không nhỏ đối với người viết sách,” chị bày tỏ.
Chị băn khoăn không hiểu vì sao người viết chương trình không đồng thời giữ vai trò người thẩm định. “Được như thế thì tốt nhất vì họ là người nghiên cứu sâu vấn đề, là người ra đề bài,” chị nói. “Tuy nhiên, đáng mừng là Hội đồng thẩm định có sự tham gia của các giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy. Hy vọng họ không quên khía cạnh tạo cảm hứng, động lực cho học sinh và cho chính người đứng lớp. Hy vọng họ có đủ độ mở để đánh giá và đón nhận những điều mới mẻ vượt khỏi những khuôn mẫu cũ mòn.”
Nhà biên soạn SGK cũng bày tỏ hy vọng Hội đồng thẩm định không làm việc theo cách chấm điểm đúng sai mà chia sẻ được với các nhóm tác giả ở góc độ thực tiễn - chỉ ra được khó khăn của giáo viên trong việc tiến hành các hoạt động giáo dục theo nội dung mới để các nhóm tác giả chỉnh sửa bản thảo cho phù hợp trong khi vẫn giữ được triết lý của mình.
Sau rất nhiều cân nhắc, nhà biên soạn SGK đã đồng ý cho chúng tôi đăng tải ý kiến của chị dưới dạng ẩn danh. Chị kỳ vọng, Hội đồng thẩm định sẽ đủ cởi mở và cầu thị để thấu hiểu, tiếp nhận những đóng góp mới mẻ, những cách triển khai sáng tạo riêng của từng nhóm biên soạn; và “giấy thông hành” cuối cùng sẽ được trao cho những bộ sách xứng đáng.