Việc Mỹ áp lệnh trừng phạt khiến Iran đang trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế, giá trị đồng rial giảm mạnh, lạm phát tăng cao... đã tác động tiêu cực đến nền khoa học: kinh phí đầu tư cho thiết bị, vật tư hóa chất và đi lại bị cắt giảm, nhiều dự án nghiên cứu phải trì hoãn.
Tác động của các biện pháp trừng phạt
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran kể từ ngày 5/11/2018, vài tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và sáu cường quốc thế giới khác. Trước đó, theo Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận để Iran không đưa chương trình phát triển hạt nhân dân sự sang làm bom nguyên tử, Iran đã đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân,
Thỏa thuận năm 2015 đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân trước đó do Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác đưa ra. “Thỏa thuận năm 2015 giống như một tia hy vọng mới,” Mohammad Farhadi, nhà vật lý và hiệu trưởng trường Đại học Tehran, Bộ trưởng Bộ Khoa học của Iran từ năm 2014 đến 2017, nhớ lại.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Hoa Kỳ hiện đã áp dụng chính sách gia tăng ‘áp lực tối đa’ nhằm cô lập Iran. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả mọi tổ chức, trong đó có cả các ngân hàng, nơi đang từ chối xử lý những giao dịch liên quan đến các công ty và công dân Iran.
Lệnh trừng phạt khiến việc lên kế hoạch cho một nghiên cứu về y tế, và giáo dục hay trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là không thể, theo Parham Habibzadeh, nhà di truyền học tại Đại học Khoa học Y khoa Shiraz Iran.
Giá trị của đồng rial Iran giảm mạnh. Trong năm 2015, 28.000 rial bằng 1 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức, nhưng con số đó hiện gần như lên tới 42.000 rial cho 1 USD, tương đương 115.000 trên thị trường chợ đen. Iran cũng đã trải qua mức lạm phát lên tới 40,4% trong vòng một năm qua. Do đó, hầu hết các nhà khoa học không đủ khả năng chi trả cho một chuyến đi để tham dự các hội nghị, Abbas Edalat, một nhà khoa học máy tính người Anh gốc Iran làm việc tại Đại học Hoàng gia London cho biết. Và chỉ rất ít trong số các đối tác quốc tế của họ có thể làm một điều gì đó để hỗ trợ cho các nhà khoa học, ông nói.
Thiệt hại trong nghiên cứu khoa học
Ngay cả những nhu yếu phẩm cơ bản, bao gồm thuốc và phúc lợi y tế, cũng trở nên xa xỉ, Reza Malekzadeh, nhà nghiên cứu y sinh học tại Đại học Khoa học Y tế Tehran và cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. Chi phí cho hóa chất và thiết bị có thể tăng gấp bốn lần so với trước khi có lệnh trừng phạt, đặc biệt đối với hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài. Ali Gorji, một nhà thần kinh học người Iran làm việc tại Đại học Münster ở Đức, nhà sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Shefa ở Tehran và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Razavi ở Mashhad, nói: “Nhiều dự án nghiên cứu đang chịu áp lực thực sự,” đặc biệt là những dự án đã có ngân sách được thông qua trước. Một dự án mà Gorji bắt đầu tiến hành vào năm 2016 với các nhà nghiên cứu tại hai trung tâm ở Iran để phát triển các liệu pháp tế bào gốc điều trị các tổn thương tủy sống đã vấp phải khó khăn khi ngân sách dành cho vật tư y tế chỉ còn tương đương với khoảng một phần ba giá trị của nó vào năm 2016 nên dự án đã chậm tiến độ tới gần một năm.
Hợp tác quốc tế đang đứng trên bờ vực
Từ năm 2000, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã điều phối một dự án hợp tác khoa học vì hòa bình lớn cùng với các nhóm nghiên cứu của Iran nhưng dự án này hiện đang bị đóng băng, một phần vì các lệnh trừng phạt, nhưng cũng vì mối quan hệ giữa các chính phủ trở nên xấu đi. Hội thảo gần nhất có sự hợp tác giữa hai bên được tổ chức ở Ý vào năm 2017, Glenn Schweitzer, giám đốc Chương trình nghiên cứu ở Trung Âu và Eurasia của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, cho biết. Ông hy vọng chương trình này sẽ hồi sinh khi mối quan hệ được cải thiện.
Cũng trong năm 2017, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã không cho năm nhà khoa học Hoa Kỳ tham dự hội nghị quốc tế lần thứ mười về Vật liệu từ và siêu dẫn tổ chức tại Tehran vào tháng 9/2019.
Tuy nhiên, có một điểm sáng ở ngành vật lý năng lượng cao, nơi Iran có truyền thống tri thức vượt trội và mối liên kết vững chắc trong lịch sử với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. CERN vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học Iran, nhất là với các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản ở Tehran, để tiếp tục tham gia các thí nghiệm.
Thỏa thuận cứu trợ
Tất cả các cường quốc trên thế giới đã ký thỏa thuận năm 2015 đều phản đối việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và đặt các lệnh trừng phạt sau đó. Trong một bức điện tín bị rò rỉ vào tháng 5/2018, Kim Darroch, khi đó là đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, đã mô tả việc rút khỏi thỏa thuận của Hoa Kỳ là “một hành động phá hoại ngoại giao, dường như là vì lý do cá nhân và ý thức hệ — đây là thỏa thuận do Obama ký kết” .
EU đã cấm các công ty thuộc thẩm quyền của mình tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, nếu vi phạm, có thể phải đối mặt với các hình phạt hình sự. Các công ty EU phải đối mặt với một vấn đề nan giải: họ phải lựa chọn giữa việc vi phạm luật pháp EU hoặc có khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong một động thái chính trị đầy thiện chí, một số quốc gia EU, trong đó có Pháp, Đức và Anh, đang thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), một kênh thanh toán đặc biệt để phối hợp giao dịch, trao đổi với Iran nhằm giúp các công ty của họ cùng với Iran phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu như Gorji không tin tưởng về tiềm năng của INSTEX trong việc giảm bớt tình trạng khó khăn của họ. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người xây dựng chính của kênh thanh toán này, cho biết ông quyết tâm khiến nó hoạt động.
Với việc Iran phải đối mặt với sự gia tăng áp lực từ Hoa Kỳ và các đồng minh bao gồm Ả Rập Saudi, viễn cảnh của các nhà khoa học nước này có vẻ không hứa hẹn. “Cộng đồng khoa học quốc tế cần nhận thức vấn đề và nỗ lực nhiều hơn để hỗ trợ cho các dự án hợp tác với các đồng nghiệp Iran của họ,” Gorji nói.