Có tới hơn 400 sinh viên đang theo học chuyên ngành điện hạt nhân tại Obninsk (Nga) và nhiều sinh viên đang học ngành điện hạt nhân trong nước. Họ rất băn khoăn về tương lai khi có thông tin tạm thời dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Báo Khoa học và Phát triển đã có cuộc trao đổi vớitiến sỹ (TS) Trần Chí Thành (ảnh) - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - về hướng giải quyết đối với nguồn nhân lực này.

>> Nên cấp thêm chi phí cho nghên cứu sinh ngành năng lượng nguyên tử

Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Tiến sỹ Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Chuyển đổi ngành, bố trí công việc

Sau khi có thông tin Việt Nam tạm dừng triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều gia đình đang có con theo học ngành điện hạt nhân và các cán bộ đang được cử đi học rất băn khoăn về đầu ra. Ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

Đây là một vấn đề quan trọng và băn khoăn của các bậc phụ huynh cũng như sinh viên đang theo học ngành điện hạt nhân (chủ yếu ở Liên bang Nga) là rất xác đáng. Cho đến nay, có khoảng hơn 400 sinh viên đang theo học chuyên ngành điện hạt nhân tại Obninsk (Nga), sinh viên khóa đầu tiên đã tốt nghiệp về nước. Việc dừng dự án điện hạt nhân sẽ gây khó khăn cho họ trong việc tìm công việc phù hợp với kiến thức, chuyên ngành đã học; còn những sinh viên đang học thực sự lo lắng cho tương lai.

Chính vì vậy, trong chuyến công tác sang Nga cùng đoàn của Chủ tịch Nước cuối tháng 6/2017, tôi có xuống Obninsk để gặp gỡ, trao đổi cũng như động viên các bạn sinh viên đang học tập tại đây.

Hiện nay, lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng như các tổ chức liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... đang rất quan tâm giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành để tìm cách chuyển đổi ngành phù hợp cho các sinh viên mới bắt đầu sang học (chưa đi sâu về chuyên môn nhà máy điện hạt nhân).

Chúng ta cũng đang đàm phán với Bộ GD&ĐT của Nga, tập đoàn nhà nước về NLNT của Nga (Rosatom) để tạo điều kiện cho các sinh viên học tốt được tiếp tục đào tạo sau đại học ở Nga, hoặc đào tạo thêm chuyên môn để có thể tham gia các dự án điện hạt nhân của Nga ở nước ngoài. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang cố gắng bố trí công việc phù hợp nhất cho các sinh viên mới tốt nghiệp.

Cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giới thiệu sơ đồ hệ thống hoạt động của lò nghiên cứu hạt nhân. Ảnh: Anh Tuấn
Cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giới thiệu sơ đồ hệ thống hoạt động của lò nghiên cứu hạt nhân. Ảnh: Anh Tuấn

Còn phía Bộ KH&CN có phương án nào cho việc sử dụng nhân lực này không, thưa ông?

Bộ KH&CN, Viện NLNT Việt Nam đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia với lò nghiên cứu mới. Lò nghiên cứu này sẽ thay thế lò hạt nhân Đà Lạt đã rất cũ (vận hành lần đầu từ 1963) và công suất quá nhỏ, với mong muốn đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng cho một đất nước gần 100 triệu dân. Viện NLNT Việt Nam sẵn sàng xem xét và bố trí công việc nghiên cứu cho các sinh viên ở Nga sau khi tốt nghiệp, nếu họ học tập tốt và có đam mê nghiên cứu.

Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc nghiên cứu ứng dụng hạt nhân, viện sẽ tạo điều kiện để các cán bộ trẻ này được tiếp tục đào tạo sau đại học theo những chuyên ngành sát với thực tế công việc ở Nga hoặc các nước khác.

Chuyên ngành điện hạt nhân nói riêng và hạt nhân nói chung là chuyên ngành khó, đào tạo rất công phu. Muốn giữ được năng lực KH&CN hạt nhân của đất nước, cần giữ con người và tiếp tục đào tạo họ thành chuyên gia, cán bộ giỏi. Như vậy, chúng ta mới có được đội ngũ cán bộ để triển khai các nhiệm vụ của ngành hạt nhân hiện nay và các dự án điện hạt nhân khi đất nước cần đến.


Tận dụng cán bộ từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Cụ thể, Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia dự kiến sẽ cần bao nhiêu nhân lực, thưa ông?

Dự kiến đến năm 2025, Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia sẽ được đưa vào vận hành để thay thế lò Đà Lạt đã cũ và sẽ hết nhiên liệu vào khoảng năm 2028. Cho đến thời điểm 2025, có thể cần khoảng 300 cán bộ nghiên cứu làm việc tại trung tâm này. Nguồn nhân lực cho trung tâm sẽ là các cán bộ đang làm việc tại lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hoặc từ các đơn vị khác thuộc Viện NLNT Việt Nam.

Cán bộ vận hành (các kíp vận hành) sẽ được đào tạo riêng tại Nga trong khuôn khổ của dự án. Họ phải có đủ kiến thức, kỹ năng, có đủ các chứng chỉ mới có thể vận hành lò nghiên cứu mới. Ngoài ra, trung tâm cũng sử dụng nguồn cán bộ nghiên cứu được tuyển dụng mới (được đào tạo trong nước hoặc từ nước ngoài về, bao gồm cả các cán bộ đang theo học ngành điện hạt nhân tại Obninsk và các nơi khác) và tiếp tục đào tạo từ nay cho đến khi vận hành lò mới.

Một trong những cơ sở đào tạo tốt và thuận lợi hiện nay là Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna (Liên bang Nga). Cán bộ có đủ ngoại ngữ (tiếng Nga hoặc tiếng Anh) và năng lực có thể sang làm việc thời gian dài tại Dubna, trên các kênh nghiên cứu của lò hạt nhân IBR-2 tại Dubna (có 18 kênh nghiên cứu với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể gửi người sang các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... để đào tạo, nghiên cứu, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho trung tâm.

Nếu công việc triển khai dự án được thuận lợi (có sự ủng hộ tích cực của Chính phủ), có kế hoạch đào tạo tốt, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo nhân lực nghiên cứu tốt, tự chủ khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn ông!