Đó là nội dung bài viết của ông Trương Quốc Tùng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam.
Đề xuất chiến lược giảm nguy cơ thuốc BVTV
Từ những năm 1950 đến nay, trong các biện pháp BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV ngày càng phổ biến, đem đến nhiều hệ luỵ cho sản xuất, môi trường, sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.
Theo thống kê năm 2011 của Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam tăng quá nhanh. Chỉ trong 10 năm kể từ năm 2000 đến 2011, lượng thuốc BVTV được sử dụng tăng 2,5 lần, số sản phẩm đăng ký lưu hành tăng 4,5 lần và giá trị nhập khẩu tăng khoảng 3,5 lần. Trong khi đó, tỷ lệ tăng các chỉ số trên của thế giới thường dưới 2% mỗi năm.
Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013, muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững thì phải nhanh chóng nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm nguy cơ thuốc BVTV. Nhiều nước cũng đã và đang chuyển đổi chiến lược sử dụng thuốc BVTV từ “Chiến lược sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn” sang “Chiến lược giảm nguy cơ của thuốc BVTV”.
Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV là yêu cầu đặc biệt cấp bách. Từ đó, cần xây dựng một chiến lược giảm thiểu việc sử dụng và nguy cơ ô nhiễm của thuốc BVTV trong 10-15 năm tới.
Một người dân pha thuốc bảo vệ thực vật để phun cho lúa. Ảnh: Lê Loan
Với quan điểm đó, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&PTNT... xây dựng chiến lược sử dụng thuốc BVTV theo hướng giảm thiểu sử dụng và giảm thiểu nguy cơ thuốc BVTV.
Theo đề xuất của hội, chiến lược này cần đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 40-50% nguy cơ ô nhiễm thuốc BVTV so với hiện nay; loại bỏ các loại thuốc có độ độc cao; giảm 30-40% lượng thuốc sử dụng so với hiện tại, đặc biệt là trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu. Cần giảm 30-40% số hoạt chất trong danh mục, giảm 50-60% số sản phẩm thương mại. Mỗi loại hoạt chất chỉ nên cho phép tối đa 10 tên thương mại.
Bên cạnh đó, cần tăng tỷ lệ thuốc sinh học, thuốc có độ độc thấp và thời gian cách ly dưới 7 ngày, đạt tỷ lệ 70% số loại thuốc BVTV sinh học thân thiện môi trường. Ngoài ra, cần đặt mục tiêu giảm số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV xuống dưới 50, tỷ lệ đại lý buôn bán thuốc BVTV chỉ từ 2-3 cửa hàng mỗi xã (con số hiện tại là khoảng 3,5 đại lý/xã); trên 95% lượng nông sản tiêu dùng và xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm; từng bước xây dựng công nghiệp sản xuất thuốc BVTV của Việt Nam, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.
6 giải pháp
Để đạt các mục tiêu kể trên, theo tôi, Việt Nam cần áp dụng một số giải pháp.
Giải pháp thứ nhất: Trên cơ sở Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và các văn bản pháp luật khác liên quan, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp lý, chính sách về quản lý, sử dụng thuốc BVTV phục vụ thực hiện chiến lược.
Giải pháp thứ hai: Lành mạnh hóa danh mục thuốc BVTV. Danh mục thuốc BVTV hằng năm là cơ sở pháp lý và kỹ thuật cơ bản, cốt lõi cho mọi hoạt động liên quan đến thuốc BVTV - từ đăng ký, nhập khẩu, quản lý, sử dụng, buôn bán, sản xuất đến thanh, kiểm tra. Vì vậy, cần có chế tài quy định cụ thể, chặt chẽ về xây dựng, ban hành và thực hiện danh mục, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược theo 3 định hướng.
Một là hạn chế số hoạt chất trong danh mục, số tên sản phẩm cho một hoạt chất, rất hạn chế các loại hoạt chất hỗn hợp. Hạn chế đăng ký sản phẩm mới cũng như nhập khẩu thuốc BVTV, đánh giá hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả về môi trường, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế của cả hoạt chất lẫn phụ gia. Hạn chế đăng ký sản phẩm thuộc nhóm độc I, II (nhóm I là nhóm thuốc độc và rất độc, nhóm II là nhóm thuốc nguy hiểm - theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới) có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và cá.
Hai là đổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ lệ thuốc BVTV sinh học lên 30-40% trong 5-7 năm tới, giảm rõ các loại thuốc thuộc nhóm độc I và II. Ba là thực hiện nguyên tắc “có vào có ra danh mục” để định kỳ sàng lọc sản phẩm. Cứ 3 năm một lần, cần rà soát lại sản phẩm, loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa được sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm.
Bên cạnh đó, phải xây dựng các danh mục khuyến cáo sử dụng của trung ương và từng tỉnh để giúp người nông dân lựa chọn đúng.
Giải pháp thứ ba: Xây dựng chương trình hoặc đề án tổng thể về việc áp dụng và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới có tác dụng giảm thiểu, chống lạm dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV như các chương trình IPM (hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa), 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa (giảm lượng giống gieo sạ, thuốc trừ sâu, phân đạm; tăng năng suất lúa, chất lượng lúa gạo và hiệu quả kinh tế), công nghệ sinh thái SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến), VietGAP.
Giải pháp thứ tư: Tăng cường thanh, kiểm tra khâu sử dụng thuốc BVTV, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Cần có chế tài xử lý đủ nặng và răn đe các vi phạm trong cung ứng và sử dụng thuốc BVTV; củng cố và nâng cao quyền lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành về BVTV, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường trong quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV; xây dựng và củng cố tổ chức và chính sách, nội dung hoạt động của mạng lưới dịch vụ BVTV - khuyến nông cơ sở.
Giải pháp thứ năm: Thống nhất việc xây dựng và ban hành bộ tài liệu huấn luyện về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, chương trình huấn luyện các quy trình kỹ thuật ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV thông qua hệ thống chỉ đạo sản xuất và kỹ thuật nông nghiệp, hệ thống truyền thông.
Giải pháp thứ sáu: Có đề án và kế hoạch trong việc xây dựng công nghiệp sản xuất thuốc BVTV ở nước ta, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Ông Trương Quốc Tùng sinh năm 1943 tại Hà Nội, hiện là thành viên Ban Chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam. Ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và phát triển nông thôn Đông Nam Á. Ông Trương Quốc Tùng đã chủ trì và tham gia chủ trì trên 30 đề án, dự án, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và cấp bộ. Ông đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Vì sự nghiệp nông nghiệp Việt Nam... |