Theo Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (EVNNPB), nhu cầu nhân sự cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận I rất lớn. Theo đó, đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 2.400 người (mỗi nhà máy là 1.100 người). Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học là 884 người, cao đẳng nghề là 922 người, lao động phổ thông là 394 người. Số nhân lực trên được phân theo các ngành: Điện hạt nhân là 420 người, an toàn hạt nhân và kỹ thuật hóa là 140 người, còn lại 320 người cho các ngành nghề khác.
Đến nay, Dự án ĐHN Ninh Thuận đang ở giai đoạn hoàn tất hồ sơ phê duyệt địa điểm, ký kết nội dung với các nhà thầu để chuẩn bị cho giai đoạn xây dựng nhà máy.
Dự án Ninh Thuận I tại huyện Thuận Nam sử dụng công nghệ VVER 1200 với thế hệ lò hiện đại, được kiểm chứng và bảo đảm an toàn. Địa điểm được đề xuất mở rộng về phía tây nam và lùi sâu vào đất liền khoảng 400m so với vị trí được duyệt trong quy hoạch năm 2010. Dự án Ninh Thuận 2 tại huyện Ninh Hải sử dụng công nghệ nước áp lực với thế hệ lò hiện đại cũng đã được kiểm chứng, bảo đảm an toàn.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I cũng được đề xuất mở rộng về phía tây nam và lùi sâu vào đất liền khoảng 285-395m so với vị trí được duyệt trong quy hoạch 2010 (tại hội thảo “Truyền thông phát triển điện hạt nhân (ĐHN) và ứng dụng năng lượng nguyên tử” diễn ra tháng 4/2016).
Sau khi đề án 370 về thông tin, tuyên truyền phát triển ĐHN ở Việt Nam được phê duyệt, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, tập trung vào các hoạt động như tổ chức hội thảo, tọa đàm, triển lãm, trưng bày về phát triển ĐHN; biên soạn, xuất bản ấn phẩm về ĐHN. Dự án ĐHN Ninh Thuận cũng đã triển khai nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền cho nhân dân Ninh Thuận, tư vấn khối ngành kỹ thuật cho thanh - thiếu niên Ninh Thuận,…