Hội nghị Liêm chính nghiên cứu Thế giới WCRI mới đây tại Athens đã đề xuất mở rộng khuôn khổ liêm chính nghiên cứu để bao trùm cả ngành công nghiệp và lĩnh vực hoạch định chính sách.

WCRI được tổ chức hai năm một lần, là một sự kiện lớn trong sinh hoạt liêm chính nghiên cứu toàn cầu. Hội nghị lần thứ tám được tổ chức mới đây tại thủ đô của Hy Lạp thu hút 800 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới – đông nhất từ trước đến nay. Hầu hết các WCRI đều đưa ra một tuyên bố được coi là có ảnh hưởng trong lĩnh vực liêm chính nghiên cứu.

‘Tuyên bố Athens’ từ hội nghị WCRI lần thứ tám sẽ được hoàn thiện vào đầu năm 2025, dựa trên tham vấn với các chuyên gia, các thảo luận tại Hội nghị, và một báo cáo tư vấn về vai trò của liêm chính nghiên cứu trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu thành những chính sách và đổi mới sáng tạo đáng tin cậy.

Các nguyên tắc của liêm chính nghiên cứu liên quan đến sự trung thực, công bằng, tôn trọng, trách nhiệm giải trình, giám sát, tín nhiệm, quản lý… Nguồn: CC
Các nguyên tắc của liêm chính nghiên cứu liên quan đến sự trung thực, công bằng, tôn trọng, tín nhiệm, trách nhiệm giải trình, giám sát, quản lý… Nguồn: CC

Năm nay, lần đầu tiên nhu cầu mở rộng liêm chính nghiên cứu sang các quy trình liên quan đến các chuỗi cung ứng nghiên cứu bên ngoài lĩnh vực học thuật trở thành một trong năm đề xuất chính được các chuyên gia đưa ra trong bản thảo Tuyên bố Athens.

Họ nhất trí rằng liêm chính nghiên cứu liên quan đến mọi nhà nghiên cứu, bất kể họ tiến hành nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng hay chuyển giao, và đang thực hiện nghiên cứu trong môi trường học thuật hay công nghiệp hay tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách - bản thảo Tuyên bố cho biết. Theo các chuyên gia, đây là một trong những vấn đề lớn nhất được WCRI giải quyết.

Đề xuất thứ hai của các chuyên gia là nên bắt đầu đối thoại giữa giới học thuật và giới công nghiệp càng sớm càng tốt trong chu trình nghiên cứu, nhưng làm sao để không phải “hy sinh” nghiên cứu cơ bản và tự do học thuật.

Các chuyên gia lưu ý rằng mặc dù tất cả các nghiên cứu đều có tiềm năng tạo ra tác động nhưng nghiên cứu cơ bản khác với chuyển giao và việc quản lý có trách nhiệm các xung đột lợi ích trong chuyển giao được xem là một ‘thách thức lớn’ đối với liêm chính nghiên cứu.

Thứ ba, việc các trường đại học áp dụng các hệ thống chất lượng có thể giúp nuôi dưỡng niềm tin giữa giới học thuật và ngành công nghiệp.

Thứ tư, bên cạnh các nguyên tắc về sự rõ ràng và minh bạch được đưa ra tại WCRI lần thứ sáu, cần bổ sung các nguyên tắc liêm chính nghiên cứu trong thực hành khoa học mở theo cách nổi bật hơn nữa.

(Hội nghị WCRI lần thứ sáu, diễn ra tại Hồng Kông vào năm 2019, bổ sung hai nguyên tắc: sự minh bạch trong quá trình nghiên cứu và trình bày kết quả; và sự rõ ràng trong truyền thông để đảm bảo rằng các đổi mới được truyền đạt dễ hiểu, được giải thích đầy đủ và dễ tiếp cận).

Cuối cùng, cần phát triển các chính sách khuyến khích ít khác biệt hơn giữa các nhà nghiên cứu hàn lâm và công nghiệp. Các chuyên gia tin rằng hệ thống đánh giá ở các trường đại học không có lợi cho các hoạt động thương mại hóa hoặc chuyển giao.

“Các nhà nghiên cứu hàn lâm được đánh giá dựa vào số lượng công bố của họ trên các tạp chí uy tín hàng đầu, số lượng sinh viên tốt nghiệp, và thu nhập từ các tài trợ nghiên cứu mang tính cạnh tranh,” theo bản thảo Tuyên bố. Nhưng “có bằng chứng cho thấy các học giả bắt đầu theo đuổi con đường thương mại hóa thường bị sụt giảm số lượng công bố.”

Các chuyên gia cho rằng việc tách biệt nhà nghiên cứu hàn lâm và nhà nghiên cứu công nghiệp hàm ý sự đối lập giữa họ. Họ có những mục tiêu khác nhau: các nhà nghiên cứu hàn lâm cần xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt, trong khi các nhà nghiên cứu công nghiệp cần đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng cả hai đang nỗ lực cùng nhau tạo ra một cộng đồng thực hành, nơi họ có thể chia sẻ nhu cầu của mình và cộng lực trong những vấn đề nghiên cứu giống nhau.

“Cộng đồng thực hành này đang được xây dựng theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như biệt phái nhà nghiên cứu công nghiệp đến trường đại học và ngược lại, các dự án hợp tác giữa trường đại học và ngành công nghiệp, và các trường đại học chấp nhận công ty liên kết,” bản thảo Tuyên bố viết.

Theo Tiến sĩ Daniel Barr, cố vấn chính về liêm chính nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Melbourne, Australia, đồng thời là thành viên ban lãnh đạo của Tổ chức WCRI, các nghiên cứu cơ bản thường bị cho là không thực tế, mặc dù chúng rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà nghiên cứu muốn tạo ra tác động tích cực thông qua công việc của họ, liêm chính nghiên cứu có vai trò bảo đảm độ tin cậy của việc đưa kết quả nghiên cứu vượt ra ngoài khuôn khổ xuất bản. Bởi vậy, ông cho rằng “Tuyên bố Athens có thể được sử dụng để cải thiện các quy trình chuyển giao nghiên cứu hiện có hoặc tạo ra các công cụ mới cho các nhà nghiên cứu trong môi trường học thuật. Nó cũng làm rõ trách nhiệm liêm chính nghiên cứu của các bên tham gia chuyển giao, chẳng hạn như những người hỗ trợ chuyển giao tại các trường đại học và những người bên ngoài lĩnh vực học thuật như các đối tác từ ngành công nghiệp.

Nguồn: