Triết gia người Pháp Alexandre Monnin đưa ra khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” để chỉ những thứ gây hại cho cộng đồng và môi trường xung quanh nhưng chúng ta buộc phải quản lý và chăm sóc. Áp dụng khái niệm này, chúng ta có thể mở rộng góc nhìn đối với vấn đề quản lý các chất thải môi trường.

Trước thực trạng môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng bởi các chất thải không thể sử dụng vào việc gì khác ngoài đem chôn lấp, đốt bỏ, hoặc đổ ra biển, hai nhà xã hội học người Đức là Maria Mies và Veronika Bennholdt-Thomsen đã đề cập đến khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” (negative commons) từ năm 2001.

Triết gia người Pháp Alexandre Monnin sau đó cũng đưa ra khái niệm tương tự là “communs négatifs” vào năm 2017 để chỉ những gánh nặng từ quá khứ và hiện tại, như rác thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, những hệ thống sản xuất gây tổn hại môi trường,... – nhìn chung là những thứ gây hại cho cộng đồng và môi trường xung quanh nhưng chúng ta buộc phải quản lý và chăm sóc.

Cần phân biệt khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” với các khái niệm tương tự như “hậu quả ngoài ý muốn” hay “chi phí ngoài”.

Theo Monnin, những tài nguyên chung tiêu cực không phải là kết quả phụ hay hậu quả vô tình ngoài dự kiến của hoạt động sản xuất kinh tế. Thực tế, chúng là một phần không thể tách rời của chính hệ thống kinh tế, xã hội hiện tại. Ví dụ, ô nhiễm không khí hay rác thải không phải là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất mà là hệ quả tất yếu, không thể tách rời khỏi mô hình tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế hiện đại.

Ông phân tài nguyên chung tiêu cực thành hai loại. Loại thứ nhất gồm các chất thải, ô nhiễm như các bãi rác thải, nguồn nước bị nhiễm độc, không khí ô nhiễm ở các thành phố lớn, đất đai cằn cỗi do bị khai thác quá mức, rừng bị chặt phá để lấy gỗ và trồng cây công nghiệp, v.v. Loại thứ hai gồm các hệ thống, công nghệ, chuỗi cung ứng gây tác hại, như các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm khí thải, ngành công nghiệp thời trang nhanh (fast fashion) gây ô nhiễm nước và chất thải rắn khổng lồ; trang trại công nghiệp chăn nuôi gia súc quy mô lớn thải ra lượng lớn khí mê-tan, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu của các mặt hàng điện tử tiêu dùng phát thải các chất độc hại trong quá trình sản xuất linh kiện.

Khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” của Monnin không đơn thuần chỉ ra những vấn đề môi trường hiện hữu, mà còn nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và giải quyết những hệ lụy này.

Ông nhấn mạnh cần “chính trị hóa” vấn đề để nhận diện và giải quyết các tài nguyên chung tiêu cực. Nhưng thay vì đẩy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý hay các tập đoàn tạo ra những ô nhiễm, quan điểm của Monnin là kêu gọi sự tham gia trực tiếp của cộng đồng để cùng thảo luận, đánh giá và ra quyết định về cách thức quản lý, giảm thiểu hoặc thay thế những “tài nguyên chung tiêu cực” một cách công bằng và hợp lý.

Quá trình này được gọi là “chính trị hóa việc từ bỏ” (politiser le renoncement), nhằm khơi dậy ý thức cũng như quyền làm chủ của cộng đồng trước những di sản tiêu cực mà họ đang phải gánh chịu. Nó đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng các mối liên hệ, sự phụ thuộc của con người vào những nguồn lực hay công nghệ đó để tránh gây ra những hệ lụy bất ngờ khi quyết định từ bỏ chúng.

Monnin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các “quy trình định giá” (processus de valuation) để đánh giá đúng giá trị của từng “tài nguyên chung tiêu cực” cũng như chi phí cần phải trả khi từ bỏ hoặc duy trì chúng. Điều này sẽ giúp các quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở thực tế và khoa học hơn.

Đồng thời, chúng ta phải thừa nhận sự thật rằng mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức đều góp phần vào việc hình thành nên những tài nguyên chung tiêu cực qua chuỗi cung ứng, tiêu dùng của mình. Do đó, việc quản lý các tài nguyên chung tiêu cực đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội thông qua các quy trình dân chủ, minh bạch hơn, thay vì chỉ trông chờ vào các quyết định hành chính hay những biện pháp kiểm soát trực tiếp từ nhà nước.

Monnin còn lưu ý, các tài nguyên chung tiêu cực không những gây hại trong hiện tại mà còn để lại di chứng lâu dài, truyền qua nhiều thế hệ. Ví dụ, chất thải hạt nhân từ các nhà máy điện nguyên tử có thể gây ô nhiễm môi trường trong hàng ngàn năm. Tương tự, việc sử dụng các loại hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp trước đây vẫn còn để lại dư lượng trong đất và nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều thế hệ. Những tổn thất về đa dạng sinh học do nạn phá rừng cũng sẽ rất khó phục hồi và gây ra những hệ lụy khôn lường cho tương lai. Vì vậy, cách tiếp cận vấn đề quản lý tài nguyên chung tiêu cực cần có tầm nhìn dài hạn, xem xét các tác động lan truyền về không gian lẫn thời gian. Đây là điểm khác biệt so với cách nhìn nhận truyền thống, chủ yếu tập trung vào việc giải quyết các hệ lụy trước mắt. Ví dụ, các biện pháp xử lý rác thải tại chỗ thường nhằm giải quyết vấn đề giảm mùi hôi hay mất mỹ quan, mà chưa tính đến nguy cơ rò rỉ chất độc ra môi trường trong dài hạn. Hay việc đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm chỉ là “dời bệnh” sang nơi khác nếu không có những thay đổi căn bản trong chuỗi sản xuất.

Quản lý chất thải ngành nuôi tôm như một “tài nguyên chung tiêu cực”

Áp dụng khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực”, chúng ta có thể mở rộng góc nhìn đối với vấn đề quản lý các chất thải môi trường, chẳng hạn như đối với việc quản lý chất thải từ ngành nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nuôi tôm là một hoạt động nông nghiệp quan trọng ở ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Theo nghiên cứu của Võ Hồng Tú và cộng sự (2024), ngành nuôi tôm đóng góp khoảng 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL. Năm 2020, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD, riêng tôm đạt 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, hoạt động nuôi tôm cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, đặc biệt là vấn đề chất thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Nuôi tôm ở ĐBSCL tập trung chủ yếu tại tám tỉnh ven biển - gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Trong đó, bốn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, và Sóc Trăng chiếm tới 89,07% tổng diện tích nuôi tôm của toàn vùng.

Khảo sát bốn tỉnh trên, nhóm Võ Hồng Tú phát hiện, lượng chất thải dinh dưỡng thừa từ quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú là rất lớn. Cụ thể, lượng dư thừa đạm và lân (tính theo đơn vị gây phú dưỡng) từ nuôi tôm thẻ là 1.154,30 kg/ha, còn từ nuôi tôm sú là 859,06 kg/ha.

Các chất dinh dưỡng thừa này chủ yếu đến từ thức ăn không được tôm hấp thụ hết. Lượng đạm tôm hấp thụ chỉ chiếm 20-31% trong thức ăn, lượng lân hấp thụ chỉ 10-13%. Phần còn lại bị thải ra môi trường dưới dạng chất thải hòa tan trong nước hoặc lắng đọng trong bùn đáy. Mức độ gây ô nhiễm từ hai loại hình nuôi tôm cũng khác nhau. Hiệu quả môi trường trung bình của nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 29,9%, nghĩa là tạo ra khoảng 70% chất thải dinh dưỡng. Con số này ở nuôi tôm sú thấp hơn, chỉ 15,8%, tức tạo ra tới 84% chất thải dinh dưỡng.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nông dân đạt hiệu quả môi trường cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ - 0,34% đối với nuôi tôm thẻ và 0,87% đối với nuôi tôm sú. Theo nhóm Võ Hồng Tú, một số nông dân đạt hiệu quả môi trường cao trong nuôi tôm là nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như công nghệ biofloc (bể lọc sinh học). Công nghệ này giúp chuyển hóa phần lớn chất thải của tôm thành thức ăn có thể sử dụng lại thông qua quá trình tổng hợp của vi sinh vật. Nhờ đó, chất dinh dưỡng dư thừa được liên tục tái sử dụng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm theo hướng hữu cơ, giảm sử dụng kháng sinh và hóa chất sẽ hạn chế được dư lượng chất độc hại trong nước thải.

Tuy nhiên, đa số nông dân nuôi tôm vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại môi trường hoặc chưa có điều kiện đầu tư công nghệ xử lý chất thải phù hợp. Họ chủ yếu tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế hơn là giảm thiểu tác động môi trường.

Nuôi tôm ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh:phunuonline.com.vn
Nuôi tôm ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh:phunuonline.com.vn

Với lượng chất thải khổng lồ như vậy, thực sự cần có những biện pháp quản lý môi trường nghiêm ngặt để kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm. Dựa trên quan điểm của Monnin, có thể thấy những hạn chế trong cách nhìn nhận và xử lý vấn đề chất thải nuôi tôm hiện nay ở ĐBSCL như sau:

Thứ nhất, việc đánh giá hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm thường chỉ dựa trên các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, lợi nhuận trước mắt mà chưa tính đến các chi phí môi trường, xã hội lâu dài. Thực tế, nếu tính đủ chi phí để xử lý triệt để lượng nước thải khổng lồ và khắc phục hậu quả ô nhiễm lâu dài, có lẽ nhiều hộ nuôi tôm sẽ không còn lãi. Nhưng việc “nội hóa” chi phí môi trường như một phần của giá thành sản phẩm vẫn rất cần thiết. Các chính sách về phí xả thải, thuế môi trường đặt ra yêu cầu cao hơn về xử lý nước thải có thể khiến nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn trước mắt nhưng lại có lợi về dài hạn.

Thứ hai, các giải pháp xử lý chất thải nuôi tôm hiện nay thường mang tính cục bộ, tại chỗ. Nước thải được xử lý sơ bộ rồi thải trực tiếp ra sông, biển, chứ chưa được kiểm soát, quản lý ở quy mô lưu vực. Các hộ nuôi tôm hoạt động riêng lẻ, phần lớn chưa coi trọng việc xử lý chất thải hoặc nếu có áp dụng các biện pháp xử lý nước thải thì cũng chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.

Trong khi đó, các dòng chất thải thường lan truyền, gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Chất thải nuôi tôm có thể bị cuốn trôi, gây ô nhiễm nguồn nước ở những vùng khá xa so với nơi xả thải. Mức độ tác động cũng có thể kéo dài qua nhiều năm do quá trình lắng đọng, tích tụ. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh trong giám sát, quản lý chất lượng nước và xử lý ô nhiễm tổng hợp cho các lưu vực sông chính ở ĐBSCL.

Một khía cạnh quan trọng nữa là khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” nhấn mạnh mức độ cần thiết phải thực hiện “quy trình định giá” công khai, khoa học để đánh giá chính xác các chi phí, lợi ích thực sự của ngành nuôi tôm, cả về kinh tế lẫn môi trường. Từ đó, có thể ra các quyết định về duy trì hay cắt giảm ngành sản xuất này một cách công bằng và khả thi cho tất cả các bên liên quan.

Tóm lại, việc áp dụng khái niệm “tài nguyên chung tiêu cực” của Monnin trong việc quản lý ô nhiễm từ nuôi tôm ở ĐBSCL có thể gợi ý nhiều hướng tiếp cận hữu ích cho công tác bảo vệ môi trường khu vực.

Tài liệu tham khảo:

Monnin, A. (2021). Les «communs négatifs» Entre déchets et ruines.

Trang, N. T., Tu, V. H., & Kopp, S. W. (2024). Trade-offs between economic and environmental efficiencies in shrimp farming: implications for sustainable agricultural restructuring in the Vietnamese Mekong Delta. Environment, Development and Sustainability, 26(3), 6677-6701.

Bài đăng số 1293 (số 21/2024) KH&PT