Việc thừa nhận tư cách pháp lý và các quyền của thực thể tự nhiên như rừng, sông, núi… đã trở thành một xu hướng tiến bộ trên thế giới.

Người Dao đỏ ở xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) tổ chức lễ cúng Thần Rừng vào ngày mùng hai tháng Hai âm lịch hằng năm. Trong ảnh: Thầy cúng thổi những hồi tù và dài để thỉnh trời đất. Nguồn: laodong.vn
Người Dao đỏ ở xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) tổ chức lễ cúng Thần Rừng vào ngày mùng hai tháng Hai âm lịch hằng năm. Trong ảnh: Thầy cúng thổi những hồi tù và dài để thỉnh trời đất. Nguồn: laodong.vn

Quan niệm coi rừng, sông suối, núi đồi là những thực thể sống, có linh hồn là một phần trong thế giới quan của nhiều cộng đồng địa phương trên khắp thế giới, trong đó có các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Đối với họ, các thực thể tự nhiên không chỉ có vai trò thiết yếu về môi trường sinh thái, mà còn gắn với đời sống văn hóa tâm linh. Đặc biệt, khái niệm “rừng thiêng” thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa con người với rừng, nơi ngự trị của các vị thần, linh hồn tổ tiên.

Trong bối cảnh các hệ sinh thái rừng đang bị tàn phá nặng nề, các khu rừng thiêng cũng không ngoại lệ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn xâm phạm không gian văn hóa của cộng đồng địa phương. Để đối phó với những thách thức như vậy, việc thừa nhận tư cách pháp lý và các quyền của thực thể tự nhiên đã trở thành một xu hướng tiến bộ trên thế giới. Sự phát triển này có thể mang lại những gợi ý cho khuôn khổ pháp luật về rừng cộng đồng ở Việt Nam hiện nay.

Rừng, sông, núi - những thực thể sống

Trái với quan niệm về thiên nhiên như một khách thể để khai thác, phục vụ con người, ở nhiều nơi trên thế giới, các thực thể trong tự nhiên như rừng, sông, núi đã được công nhận là những thực thể sống, có quyền hưởng sự tôn trọng và bảo vệ.

Ví dụ tiêu biểu là New Zealand, nơi văn hóa của người địa phương Maori coi sông, núi, biển cả là tổ tiên, không phân biệt với con người. Luật Te Awa Tupua (Whanganui River Claims Settlement) năm 2017 của nước này công nhận sông Whanganui là một “thực thể sống” (living entity) có tư cách pháp nhân và có các quyền như: quyền được bảo vệ toàn vẹn từ đầu nguồn đến biển; quyền được phục hồi; quyền được đại điện bởi hai người giám hộ. Sau đó, quy chế tương tự đã được áp dụng với khu bảo tồn Te Urewera, vùng núi Taranaki.

Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo ở thôn Chúng Chải, xã Phố Là, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào ngày mùng sáu tháng Sáu âm lịch hằng năm. Trong ảnh: Vật phẩm dê được đưa lên tế cúng. Nguồn: mia.vn
Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo ở thôn Chúng Chải, xã Phố Là, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào ngày mùng sáu tháng Sáu âm lịch hằng năm. Trong ảnh: Vật phẩm dê được đưa lên tế cúng. Nguồn: mia.vn

Cùng xu hướng này, ở Ấn Độ, tòa án bang Uttarakhand đã ra phán quyết công nhận các dòng sông Hằng (Ganga), Yamuna và các chi lưu của chúng là những thực thể sống với quyền được bảo vệ, phục hồi, không bị ô nhiễm. Hai “người giám hộ” gồm Tổng thư ký và Tổng chưởng lý của bang sẽ thay mặt các con sông bảo vệ quyền lợi của chúng trước pháp luật. Phán quyết này thừa nhận mối liên hệ tâm linh, văn hóa của người Hindu với sông Hằng.

Tại Ecuador, Hiến pháp năm 2008 trao quyền cho Mẹ Thiên nhiên (Pacha Mama); còn Bolivia cũng trao quyền cho Mẹ Trái đất (Mother Earth) trong Luật 2010.

Việc trao quyền cho tự nhiên còn được thừa nhận trong các văn kiện quốc tế. Tuyên bố về Quyền của Mẹ Trái đất được Liên hợp quốc chính thức công nhận năm 2010. Điều 1 của Tuyên bố khẳng định quyền vốn có của Trái đất và các sinh vật trong đó được sống, tồn tại, được tôn trọng. Nghị định thư Nagoya 2010 về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cũng nói về tính bất khả xâm phạm của quyền đối với nguồn gen của các cộng đồng địa phương [1].

Triển vọng áp dụng tại Việt Nam

Trước áp lực phát triển, khai thác tài nguyên, rừng tự nhiên ở nước ta đang suy giảm; trong đó, diện tích rừng nguyên sinh chỉ chiếm một phần nhỏ [2]. Rừng đầu nguồn bị tàn phá dẫn đến gia tăng hạn hán, lũ lụt. Các khu rừng thiêng cũng không tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại. Người dân địa phương ngày càng khó gìn giữ “rừng ma”, “rừng nước” theo quan niệm truyền thống trước những cám dỗ kinh tế. Những thay đổi này không chỉ tác động đến môi trường tự nhiên mà còn xâm phạm đến không gian văn hóa, tâm linh gắn với rừng của cộng đồng.

Thực tiễn đó đòi hỏi phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ hiệu quả các khu rừng tự nhiên quý giá. Bên cạnh việc thắt chặt quản lý từ phía nhà nước, cần ghi nhận vai trò của cộng đồng địa phương, trao quyền cho họ trong việc bảo vệ “rừng thiêng” vốn gắn bó từ bao đời. Xu hướng trao tư cách pháp lý cho tự nhiên trên thế giới có thể đem đến giải pháp tiến bộ cho bài toán bảo vệ rừng.

Trên thực tế, khung pháp luật hiện hành đã từng bước thừa nhận và trao quyền quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng thông qua mô hình “rừng cộng đồng”. Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, sau đó là Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã bổ sung quy định về rừng cộng đồng, trong đó có “rừng tín ngưỡng” mà cộng đồng được giao để quản lý, sử dụng theo truyền thống. Đây là tiền đề quan trọng để nhà nước và pháp luật ghi nhận vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các khu rừng thiêng liêng gắn với bản sắc văn hóa tộc người.

Bên cạnh đó, nhiều tộc người ở Việt Nam đã và đang bảo vệ “rừng ma”, “rừng nước” theo tín ngưỡng và tri thức truyền thống, cho thấy tiềm năng áp dụng các nguyên tắc quốc tế về trao quyền cho tự nhiên. Nếu rừng với tư cách một thực thể sống được trao các quyền cơ bản như quyền được tồn tại, được bảo vệ toàn vẹn, không bị phá hủy, điều đó sẽ tạo sức mạnh pháp lý cao hơn để các cộng đồng địa phương đứng lên bảo vệ rừng dựa trên luật pháp và tín ngưỡng.

Một bài luận gần đây của nhà sử học về Việt Nam là Pascal Bourdeaux cũng viết rằng nghiên cứu tại vùng châu thổ sông Mekong ở miền Nam Việt Nam cho thấy con người tổ chức cuộc sống theo nhịp điệu của sông, tạo nên “nền văn minh sông nước” với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với sông. Các dòng sông được tôn vinh thành thần linh, được gắn với các huyền thoại, truyền thuyết, được thờ phụng qua các nghi lễ tín ngưỡng. Mối quan hệ giữa sông và tôn giáo, giữa tự nhiên và thần thánh phổ biến ở nhiều nền văn hóa. Ông đề xuất gắn việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với các dòng sông bởi điều này có thể đem lại giá trị, kinh nghiệm của xã hội cổ đại vào việc đối thoại, trao đổi văn hóa, tìm kiếm giải pháp cho các thách thức môi trường ngày nay. [3]

Kinh nghiệm tại New Zealand, Bolivia, Ecuador cho thấy vai trò của cộng đồng địa phương rất quan trọng trong việc đề xuất và hiện thực hóa việc trao quyền cho các thực thể tự nhiên. Không chỉ dựa vào nhà nước, chính các cộng đồng này cần chủ động và sáng tạo trong việc đấu tranh bảo vệ quyền của rừng sông, núi linh thiêng bằng cả biện pháp kiện tụng và vận động chính sách.

Tất nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc này vào luật pháp Việt Nam cần có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh và điều kiện cụ thể. Cần có thêm nhiều nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước về bảo tồn rừng dựa vào cộng đồng, những điểm tương đồng và khác biệt trong quan niệm về thiên nhiên ở Việt Nam và trên thế giới. Trên cơ sở đó, có thể đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho việc pháp điển hóa mô hình rừng cộng đồng, trao quyền hợp lý cho các chủ thể rừng.


Rừng thiêng trong văn hóa các tộc người Việt Nam

Đối với nhiều cộng đồng tộc người địa phương ở Việt Nam như người Mạ, Ê Đê ở Tây Nguyên, hay người Thái, Mường ở miền núi phía Bắc, rừng không chỉ là nơi họ sinh sống, mà còn là không gian thiêng liêng không thể tách rời. Trong thế giới quan của họ, cây rừng là nơi ngự trị của thần linh, mỗi khu rừng, đỉnh núi, dòng sông đều có các vị thần cai quản. Họ có những khu "rừng thiêng", "rừng ma", "rừng nước" được bảo vệ nghiêm ngặt, do các thầy cúng, già làng thực hiện nghi lễ cúng bái.

Người Mạ quan niệm rằng cây cối trong rừng là nhà của các vị thần, nên nếu chặt phá sẽ bị trừng phạt. Hàng năm, họ có lễ cúng Rẫy, cúng được mùa để tỏ lòng biết ơn thần rừng. Nhiều khu rừng ở Tây Nguyên còn gắn với những câu chuyện tình yêu đẹp như truyền thuyết đồi Cư H'Lăm với đôi tình nhân Y Đhin Niê và H'Lăm Niê hóa thân vào cây rừng.

Như vậy có thể thấy, rừng là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh kế và văn hóa tâm linh của các tộc người thiểu số Việt Nam. Mối liên hệ giữa cộng đồng và rừng khiến họ có ý thức bảo vệ, coi rừng là "nhà" thiêng liêng phải được tôn trọng, gìn giữ. Những khu rừng cấm, rừng thiêng dưới sự quản lý của cộng đồng vì thế thường có tính đa dạng sinh học cao hơn. Các truyền thống coi rừng, sông, núi như những thực thể sống thiêng liêng tạo nền tảng thuận lợi cho việc áp dụng nguyên tắc trao quyền cho tự nhiên trong luật pháp Việt Nam.



Nguồn tham khảo:

[1] David, V. (2017). La nouvelle vague des droits de la nature. La personnalité juridique reconnue aux fleuves Whanganui, Gange et Yamuna. Revue juridique de l’environnement, (3), 409-424.

[2] Viên Lâm (2020). Rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn của Việt Nam chỉ còn 0,25%. Thanh Niên. https://thanhnien.vn/rung-nguyen-sinh-con-nguyen-ven-cua-viet-nam-chi-con-025-1851011307.htm

[3] Bourdeaux, P. (2023). At the Sources of the Sacred: Evoking Nature and its Cults by Listening to the Rivers. Blue Papers, 2(2).

Bài đăng số 1287 (số 15/2024) KH&PT