Nếu châu Âu muốn tạo ra một cơ quan tài trợ cho nghiên cứu đỉnh cao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức rất cao theo mô hình DARRA, thì phải nhận được những hỗ trợ hết mức của chính phủ.
Cuối tháng tư vừa qua, trong buổi diễn thuyết của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại trường Đại học Sorbonne, ông đã kêu gọi châu Âu xây dựng một cơ quan dạng DARPA của chính châu Âu, để có thể tạo ra “những nhóm nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất trong từng lĩnh vực”. Nhưng để có được điều này, cơ quan mới DARPA đó phải sẵn sàng “chấp nhận rủi ro, do đó sẽ là những mất mát tài chính qua các khoản tài trợ hào phóng khi các dự án thất bại, vốn là yếu tố chính để tạo ra những dự án đột phá”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Macron kêu gọi điều này. Vào năm 2017, ông đã có một trao đổi tương tự, sau khi được cử tri Pháp bỏ phiếu bầu chọn vào vị trí Tổng thống Pháp lần đầu tiên. Khi đó, cũng trong khán phòng Đại học Sorbonne, ông Macron đã kêu gọi thành lập một cơ quan tài trợ mới của châu Âu “cho đổi mới sáng tạo mang tính đột phá”. Mục tiêu của ông Macron là cơ quan này sẽ giúp cho châu Âu bắt kịp Mỹ và một vài quốc gia châu Á khác đang sở hữu nhiều công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học.
Tại sao DARPA lại có tác động lớn đến vậy? Chúng ta cùng nhìn vào lịch sử phát triển của cơ quan tài trợ đặc biệt này. Được thành lập từ năm 1958, sứ mệnh của DARPA là lấp đầy khoảng trống giữa các nghiên cứu hàn lâm đỉnh cao với những đổi mới sáng tạo trong quân đội. Các dự án do cơ quan này tài trợ đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chip silicon, mạng internet, máy bay chiến đấu tàng hình. Không có những tài trợ giai đoạn đầu mang tính chiến lược của DARPA và một số cơ quan khác của Chính phủ Mỹ đối với các dự án dạng đó thì việc ghi nhận giọng nói, các bộ vi xử lý, hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, màn hình chạm và nhiều công nghệ khác, ví dụ như iPhone có thể trở thành không tưởng.
DARPA có một ngân sách hoạt động hằng năm là ba tỉ USD và 220 nhân viên, đồng thời tuyển dụng ngắn hạn 100 nhà quản lý chương trình có trách nhiệm giám sát 250 chương trình R&D ở sáu lĩnh vực cụ thể, bao gồm công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo công nghệ thông tin và công nghệ vi hệ thống. Các nhà quản lý này phải là người xuất sắc trong lĩnh vực của mình và được tuyển dụng theo hợp đồng từ ba đến năm năm.
Có ba đặc điểm dẫn đến việc DARPA thành công là đặt vào trung tâm năng lực chuyển đổi nghiên cứu cơ bản thành những đột phá công nghệ. Đầu tiên, cơ quan này có tính tự chủ và linh hoạt cao. Các nhà quản lý dự án vận hành trong một hệ thống phân cấp phẳng (không có người trung gian giữa thành viên và ban quản trị, các nhóm có quyền tự quyết). Thứ hai, các chương trình của DARPA đều được định hướng liên quan tới sứ mệnh của mình: các bộ phận kỹ thuật đều xác định được các năng lực công nghệ họ tìm kiếm và quản lý được chương trình nghiên cứu. Thứ ba, DARPA sẵn sàng chấp nhận các dự án có tính rủi ro cao và thất bại được coi như một phần có thể chấp nhận được trong tiến trình tạo ra đột phá công nghệ.
Tuy nhiên, ngoài việc muốn cơ quan quỹ vận hành thành công và đưa ra những gói hỗ trợ dài hạn thì phải nhận được những hỗ trợ hết mức của chính phủ; ngoài ra cũng không có nhiều nhà nghiên cứu chia sẻ tầm nhìn về cơ quan này của tổng thống.
Hiện nay, những ủng hộ cho một mô hình DARPA của châu Âu dựa trên việc châu Âu đang đứng sau Mỹ về đổi mới sáng tạo. Với việc rót tiền vào R&D, các doanh nghiệp Mỹ đang chiếm ưu thế về các công nghệ phần mềm và công nghệ số, trong khi một nửa các đầu tư vào R&D của doanh nghiệp châu Âu là ở các ngành công nghiệp truyền thống như dược phẩm và ô tô.
Châu Âu đang bị mắc kẹt trong cái mà các tác giả của một báo cáo mới công bố vào tháng trước gọi là “bẫy công nghệ trung bình” - do bị chuyên môn hóa trong những công nghệ đã định hình, không đòi hỏi chuyên môn mới ở mức cao. Nếu châu Âu muốn phá vỡ thế khó này, họ không chỉ phụ thuộc vào các nguồn tài trợ tư nhân đang có mà cần phải có dạng mô hình đầu tư công như DARPA. Dẫu có thể phải chấp nhận rủi ro và thất bại ở mức cao nhưng lại có tiềm năng vô cùng lớn cho những đột phá đỉnh cao.
Đó là mô hình mà nhiều nơi đang học tập. Ở Đức, một phiên bản của nó là SPRIN-D tập trung vào các dự án đổi mới sáng tạo không liên quan đến quốc phòng. Nhật Bản có chương trình R&D Moonshot; Anh thành lập ơ quan Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo vào năm ngoái, tập trung cho các lĩnh vực ngoài quốc phòng.
Các nỗ lực này đều phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách. Do vậy, để vận hành một tổ chức như của DARPA ở châu Âu, có thể cần các thành viên của liên minh châu Âu đồng lòng ủng hộ. Và ngược lại cần một nhà khoa học có uy tín theo đuổi kế hoạch thành lập DARPA cùng với một cuộc vận động của các nhà khoa học và đại diện các tổ chức khoa học nhằm kêu gọi mọi người ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên hiện tại thì các nhà khoa học đang rất lo ngại về việc bản thân ngân sách dành cho khoa học của đã không như kỳ vọng nên sự xuất hiện của một một cơ quan như vậy có thể sẽ dẫn đến việc làm phân mảnh thêm nguồn ngân sách đó.
Vào đầu tháng 6/2024, trước khi diễn ra các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu, một khối liên minh các tổ chức do Research Matters (Những vấn đề nghiên cứu), một cuộc vận động để bảo vệ các khung tài trợ cho khoa học trong tương lai của châu Âu khỏi tình trạng bị cắt xén, sẽ được tổ chức. Họ có đủ căn cứ để lo ngại bởi hiện tại, ngân sách nghiên cứu qua Horizon Europe, chương trình tài trợ cho nghiên cứu hàng đầu châu Âu, đã được quyết định là sẽ cắt đi còn 2,1 tỉ Euro (tương đương 2,3 tỉ USD). Một phần do đổ kinh phí 1,5 tỷ Euro cho các nghiên cứu về quốc phòng.
Nếu đạt được mức tài trợ như quy mô của DARPA dành cho các dự án của mình, cơ quan DARPA này của châu Âu sẽ phải nhận được hằng năm khoảng 750 triệu Euro (tương đương 0,75% ngân sách của Horizon Europe).
Một phần trong tình trạng khó xử của châu Âu là phải duy trì được các khoản đầu tư bền vững cho các dự án nghiên cứu được thiết kế nhằm đạt được “đổi mới sáng tạo mang tính đột phá”. Trong những tháng gần đây, đã có những ý kiến kêu gọi, cần suy nghĩ về những quỹ tài trợ như vậy.
Gần bảy thập kỷ tồn tại của DARPA cho thấy, chương trình này tự nó đã được nhận được rất nhiều ủng hộ để tồn tại và thay đổi theo hướng đúng đắn nhất. DARPA phát triển một cách kiên định theo mục tiêu của mình mà không bị hy sinh bởi những thay đổi trong xu hướng tài trợ và tiếp tục tồn tại bất chấp những thay đổi của các bộ máy chính quyền và ưu tiên của họ.
Các nhà khoa học cho rằng, ý tưởng của Tổng thống Macron cần được hiện thực hóa theo những đặc điểm đó của DARPA và muốn thành công thì DARPA châu Âu cần được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng khoa học và các tổ chức khoa học, và đảm bảo với họ là sự xuất hiện của cơ quan tài trợ mới không làm ảnh hưởng đến nguồn tài trợ đã có.
Nguồn:nature.com, ciencebusiness.net
Bài đăng số 1292 (số 20/2024) KH&PT