Với chủ trương xem khoa học và công nghệ là động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ TP.HCM đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của đất nước cũng như trong khu vực.

1
Sản xuấtđèn Led tiết kiệm năng lượng của công ty KimĐỉnh tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tập trung phát triển khoa học công nghệ cao

Giai đoạn 2011-2015, ngân sách thành phố chi cho khoa học công nghệ luôn chiếm tỷ lệ trung bình trên 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Ngoài ra, còn có kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chương trình kích cầu của thành phố, tạo điều kiện về vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, vốn đăng ký hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khoa học và công nghệ trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị, chip vi điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao... Những thành quả này từng bước đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ luôn dẫn đầu trong chín ngành khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng 5,5% GDP của Thành phố. Thông qua đóng góp trực tiếp này, khoa học công nghệ đã làm tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố. Cụ thể, tỷ trọng đóng góp tăng TFP giai đoạn 2011-2015 của Thành phố Hồ Chí Minh ước bằng 32,8% GDP; cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2006-2011.

Bên cạnh đầu tư ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiều định hướng, chính sách, trong đó đã xây dựng và phát triển cơ chế đặt hàng, mua sản phẩm trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế và sự phát triển của xã hội. Nhiều đề tài qua đặt hàng nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tế, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề nóng của thành phố như xác định nguyên nhân gây cháy xe máy, xây dựng phần mềm kiểm tra hố ngầm và công trình ngầm, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục sụt lún mặt đường, giải pháp xử lý chất thải nguy hại...

Thành phố cũng đã đầu tư phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao nhằm nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển ứng dụng như pin mặt trời, năng lượng sinh khối (biomass), dầu diesel sinh học, thiết kế vi mạch, robot công nghiệp, tế bào gốc, dược liệu đều có triển vọng thương mại hóa, kỳ vọng tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Trong số đó, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Thành phố bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chip thương hiệu Việt đã được thương mại hóa, góp phần nâng cao vị thế ngành vi mạch của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương lớn coi khoa học công nghệ là động lực sẽ giúp thúc đẩy nhanh, mạnh các mục tiêu đề ra để phát triển mọi mặt của Thành phố; trong đó khoa học công nghệ là công cụ, phương tiện giúp thực hiện điều đó một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nhờ chủ trương đó, những năm qua, khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc. Thành phố hiện trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của cả nước.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Quốc cho rằng khoa học công nghệ hiện vẫn chưa phải là động lực trực tiếp để tạo ra của cải vật chất cho thành phố. Vẫn cần những đầu tư, cơ chế để phát triển lĩnh vực này, xứng tầm với mục tiêu đưa khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Xây dựng cơ chế mở để phát triển khoa học công nghệ

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, khoa học công nghệ tiếp tục được xác định có vai trò rất quan trọng và là động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới; trong đó định hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, chính sách tài chính để tạo bước phát triển đột phá cho khoa học-công nghệ, ưu tiên đầu tư cho khoa học-công nghệ so với các lĩnh vực khác.

Dù có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, nhưng theo ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển khoa học và công nghệ thời gian qua nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quản lý đô thị của thành phố, chưa trở thành động lực phát triển.

Với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thành phố hướng đến trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực, trong đó chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo để tiếp thu và vận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, làm chủ công nghệ tiên tiến, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội. Để thực hiện mục tiêu trên, ông Lê Hoài Quốc cho rằng cần đổi mới chính sách, cơ chế quản lý và cơ chế tài chính, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động khoa học công nghệ. Đây sẽ là điểm quan trọng để đưa khoa học công nghệ thành phố tiếp tục phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thành phố đã đề ra các chỉ tiêu, đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách tăng trung bình 20%/năm và huy động đầu tư từ xã hội tăng 30%/năm. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ không chỉ riêng từ chính quyền thành phố mà phải huy động sự chung tay của nhà khoa học và doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư Nhà nước và xã hội, tăng đầu tư từ ngân sách, ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xã hội và doanh nghiệp, nâng cao vai trò tiên phong tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cần có nhiều cách tiếp cận đối với các nghiên cứu khoa học, xem nhu cầu sản phẩm nghiên cứu ra như thế nào, nếu đáp ứng nhu cầu thì Nhà nước phải ưu tiên “bơm” kinh phí để thực hiện. Ngoài ra, để nhà khoa học và doanh nghiệp kết nối với nhau cần có sự tin tưởng lẫn nhau, nhà khoa học tin rằng doanh nghiệp không lấy đi sản phẩm của mình, trong khi doanh nghiệp phải tin tưởng kết quả nghiên cứu sẽ đem lại thành công cho doanh nghiệp. Tất nhiên, trong mọi trường hợp cũng có thể gặp rủi ro, kết quả không như ý muốn song làm khoa học, đầu tư cho khoa học phải chấp nhận là “đầu tư mạo hiểm” thì mới phát triển được.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung quy hoạch, đầu tư mở rộng các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Công viên phần mềm Quang Trung, Viện Khoa học Công nghệ tính toán. Ông Lê Hoài Quốc cho rằng bên cạnh cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu công nghệ mới, đích thực là công nghệ cao, Thành phố phải tiếp tục đầu tư hạ tầng cho khoa học công nghệ một cách có định hướng và có trọng điểm để tạo ra năng lực nghiên cứu như các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm chuyên sâu với cơ chế thoáng để thu hút, tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết những bài toán lớn của Thành phố Hồ Chí Minh như quy hoạch giao thông, chống ngập và đi nhanh vào những công nghệ mới, hiện đại.

Để thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ, thành phố đang xúc tiến đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao thứ hai với tên gọi Công viên Khoa học Công nghệ. Theo ông Lê Hoài Quốc, để khoa học công nghệ phát triển trong tình hình mới, thành phố không thể thiếu mô hình Công viên Khoa học công nghệ với những thiết chế đặc thù. Các thiết chế đó sẽ được định hình trong mô hình Công viên khoa học này rồi từng bước nhân rộng; góp phần đưa thành phố thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

Với những chủ trương đúng đắn đầu tư cho khoa học và công nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước tạo tiền đề, động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển chung, đưa thành phố trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước và xứng tầm trong khu vực./.