Một cuộc điều tra của Science|Business phát hiện ra năm dự án nghiên cứu của EU có sự tham gia của các trường ĐH của Trung Quốc có liên quan đến quân đội Trung Quốc đều có nguy cơ rủi ro.

Phòng thí nghiệm Lâu đài Mặt trăng 1 mô phỏng môi trường Mặt trăng tại ĐH Bắc Hàng, Bắc Kinh
Phòng thí nghiệm Lâu đài Mặt trăng 1 mô phỏng môi trường Mặt trăng tại ĐH Bắc Hàng, Bắc Kinh.

Các dự án đang được đặt dấu hỏi là năm dự án được EU tài trợ có sự tham gia của các trường đại học có liên quan đến quân đội của Trung Quốc, trong đó một dự án mang tên Marie Skłowdowska Curie Actions (MSCA) với những trao đổi thành viên và xây dựng mạng lưới giữa các viện nghiên cứu. Bốn dự án còn lại đang diễn ra trong khuôn khổ chương trình Horizon Europe, bao gồm việc cải thiện sự thoát nhiệt của các thiết bị điện tử trị giá 437.000 Euro, các hệ làm lạnh ít phát thải carbon 639.400 Euro và ô tô điện trị giá 1,1 triệu Euro. Dự án còn lại liên quan đến sử dụng drone cho mạng lưới xe tự lái với an ninh hệ thống 340.400 Euro và chống tai nạn 1,1 triệu Euro.

Rủi ro đáng kể

Theo Science|Business, với các dự án này, “nguy cơ các kết quả nghiên cứu được chuyển hướng cho những ứng dụng quốc phòng ở Trung Quốc khá đáng kể”, Rebecca Arcesati, một chuyên gia về công nghệ Trung Quốc tại think tank Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), nói. Tháng ba vừa qua, chủ tịch EU Ursula von der Leyen đã nói trước nghị viện châu Âu là dù sự hợp tác KH&CN với Trung Quốc phải được tiếp tục nhưng vẫn cần quản lý sao cho nó không đem lại lợi ích cho quân đội. “Chúng ta cần đảm bảo là tiền của chúng ta, chuyên môn và hiểu biết của họ không được dùng để thúc đẩy các năng lực quốc phòng và trí tuệ của những người thuộc phe kẻ thù của chúng ta”, bà von der Leyen nói.

Một số đối tác châu Âu của các dự án này đều cho biết là họ đã tuân thủ các biện pháp kiểm soát của EU, hơn nữa các nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn ban đầu, quá sớm để cho ra đời những ứng dụng thực tiễn.

Tuy nhiên nhìn sâu vào các dự án này, các chuyên gia về Trung Quốc đều dấy lên sự lo ngại, ít nhất dưới sự trông chừng của EU với Trung Quốc.

Chương trình Thất tử

Một đại học Trung Quốc tham gia ba dự án là ĐH Bắc Hàng ở Bắc Kinh, một đại học kỹ thuật lớn về hàng không vũ trụ được thành lập vào năm 1952. Với 31.000 sinh viên, nó nằm trong top 200 ĐH kỹ thuật trên thế giới, theo bảng xếp hạng mới nhất của Times Higher, và có những mối quan hệ đối tác lâu dài trên toàn cầu – bao gồm chương trình hợp tác kỹ thuật với École Centrale Paris. Nó cũng có ít nhất tám phòng thí nghiệm quốc phòng nghiên cứu về những lĩnh vực như kỹ thuật và định vị hàng không. Hơn một phần tư sinh viên tốt nghiệp vào làm tại các công ty quốc phòng của quốc gia, theo Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Úc (ASPI), một think tank đã lập bản đồ những mối liên hệ trường đại học – quốc phòng của Trung Quốc.

Theo báo cáo của ĐH Georgetown, ĐH Bắc Hàng và sáu trường còn lại cùng cung cấp ¾ sinh viên kỹ thuật cho các công ty quốc phòng nhà nước. Năm 2020, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã cấm visa vào Mỹ của các sinh viên những trường đại học Mỹ được quân đội hỗ trợ. Năm tiếp theo, chính quyền của ông Biden Administration đã làm dịu tình hình bằng cách trao cho Bộ Ngoại giao nhiều quyền hạn trong việc quyết định visa.

Tuy nhiên “việc hợp tác với những trường trong nhóm Thất tử rất rủi ro”, Jeff Stoff, một cựu phân tích về Trung Quốc với an ninh Mỹ và các cơ quan quốc phòng và hiện dẫn dắt một NGO gần Washington có tên gọi là Trung tâm nghiên cứu An ninh và Liêm chính.

Các trường ĐH này thực hiện nghiên cứu cả quân sự lẫn dân sự nhưng “những nhiệm vụ chính của họ là tìm ra các ứng dụng quốc phòng”, Stoff nói. Một báo cáo mới đây về hợp tác học thuật Đức – Trung Quốc đã đặt Bắc Hàng và các trường Thất tử vào hạng mục “rủi ro cao” và đòi phải có cảnh báo rộng hơn cho các đối tác phương Tây, tuy nhiên nó cũng cho là “những quốc gia khác nhau đều có những mức độ chấp nhận rủi ro và ưu tiên khác nhau trong phát triển công nghệ cụ thể”.

Thậm chí quan điểm hướng đến hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc rất khác nhau trên khắp châu Âu và xoay chuyển nhanh với tốc độ ánh sáng. Một thập kỷ trước, cả Mỹ và EU đều có sự gắn kết R&D với Trung Quốc nhưng dưới thời Chính phủ Trump vào năm 2016 mọi việc lại thay đổi với những cuộc điều tra hướng vào các nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc. Vào năm 2019, EU bắt đầu nhìn sâu hơn vào cuộc cạnh tranh của người Trung Quốc và những vấn đề pháp lý về bản quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2021, có sự tái cân bằng những liên kết khoa học với Trung Quốc nhưng sau đó vào tháng 3/2023, bà Von der Leyen tuyên bố là EU phải giải được rủi ro với những mối liên hệ đó và phải giữ những tiên tiến của công nghệ EU tránh xa khỏi quân đội Trung Quốc.

Chính sách và thực tế

Nhưng trong khi các thông tin chính sách vụt qua rất nhanh thì bộ máy thực thi tài trợ bên trong của EU lại vận hành rất chậm chạp – và đó có thể là một thực tế liên quan đến các dự án này.

Horizon được vận hành trong chu kỳ bảy năm và việc trao kinh phí được lên kế hoạch hai năm một lần – vì vậy có một khoảng thời gian rất dài giữa các quyết định chính sách và ký kết tài trợ. Trong những ngày mối quan hệ EU- Trung Quốc nồng ấm từ năm 2014 đến năm 2020, các tổ chức Trung Quốc tham gia phần vốn đối ứng với các dự án EU projects 609 lần, chiếm khoảng 0,34% trong số tất cả những người tham gia từ mọi quốc gia, theo cơ sở dữ liệu của Horizon. Nhưng kể từ năm 2021, khi mối quan hệ này chuyển sang hướng khác, con số này suy giảm xuống còn 111 lần tham gia, chiếm 0,25%, phần lớn là những hợp tác nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và sức khỏe với những trường dân sự như Thanh Hoa hoặc Phúc Đán.

Thông thường vẫn có độ trễ quản trị nhiều tháng giữa chính sách mới và việc tài trợ. Thường với một chương trình tài trợ cho nghiên cứu của EU, người ta sẽ gửi các đề xuất tới một nhóm những chuyên gia bên ngoài để nhờ đánh giá. Còn những người tham gia phải chứng tỏ họ đạt những yêu cầu được tiêu chuẩn hóa về đạo đức, bao gồm cả việc không sử dụng khả năng lưỡng dụng của công nghệ.

Chính xác những gì xảy ra trong những dự án hợp tác với Trung Quốc đó vẫn còn chưa rõ ràng và các quan chức EU không muốn bình luận công khai. Nhưng những hồ sơ công khai cho thấy bốn trong số năm dự án MSCA mà Science|Business tìm hiểu đều trong chương trình Horizon 2020 và đã nhiều tháng thực hiện. Dự án thứ năm do Sabanci ở Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt, bắt đầu thực hiện ở Horizon Europe hiện tại, là một đề xuất từ năm 2021 và được chờ đợi sẽ diễn ra trong vòng bốn năm.