Khi xem xong một bộ phim, bạn có bao giờ thắc mắc ai là chủ sở hữu hoặc tác giả của chúng? Hầu hết mọi người đều nghĩ câu hỏi này không khó trả lời - trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã quy định rõ chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh là những tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất, kỹ thuật để sản xuất, còn tác giả là những chủ thể sáng tạo nên tác phẩm, có thể là người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh.
Tuy nhiên, giữa quy định và thực tế lại có khoảng cách lớn. Ngay cả với những luật sư lành nghề nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc xác định ai là tác giả/ chủ sở hữu tác phẩm luôn là một bài toán hóc búa. Cụ thể, khi có tranh chấp về quyền tác giả, nếu muốn khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả phải đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp. Bao gồm những tài liệu chứng minh họ là tác giả/chủ sở hữu chân chính của tác phẩm, chẳng hạn như giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Nếu không có giấy đăng ký, họ phải chứng minh mình đã sáng tạo ra tác phẩm. Nhiệm vụ này gần như “bất khả thi”, đặc biệt là với tác phẩm điện ảnh thường có số lượng người tham gia rất lớn, “chứng minh quyền tác giả thuộc về mình cực kì khó, được vạ thì má đã sưng”, đại diện văn phòng luật sư A Hòa chia sẻ trong một hội thảo năm 2021.
Điều đáng mừng là bài toán này có lẽ sẽ biến mất khi Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành vào cuối tháng tư năm nay. Nếu tác phẩm không được đăng ký bảo hộ, các quyền đối với tác phẩm sẽ được xác định theo giả định về quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, các cá nhân được nêu tên là tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó cho đến khi có chứng cứ ngược lại.
Đây chỉ là một trong số nhiều điểm mới mà Nghị định 17 mang lại. Với hơn 100 điều - gấp đôi so với nghị định cũ, Nghị định hướng dẫn bao trùm toàn diện quá trình xác lập, bảo hộ, khai thác và xử lý hành vi xâm phạm. Cụ thể gồm năm nhóm nội dung cơ bản: (1) quy định quyền của các tác giả, đồng tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và chủ sở hữu quyền; (2) giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; (3) hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; (4) hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; (5) hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Quy định biểu mức thu tiền bản quyềnNghị định 17 ra đời nhằm đáp ứng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mới có hiệu lực từ đầu năm nay. Nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan chỉ chiếm chưa đầy 1/3 số điều được sửa đổi trong Luật, bên cạnh hai mảng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Vậy tại sao nghị định hướng dẫn về phần quyền tác giả, quyền liên quan lại được ban hành đầu tiên? Có lẽ, sự mong mỏi về một nghị định mới nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan từ lâu nay là một trong những nguyên nhân chính.
Đơn cử như vấn đề giả định quyền tác giả, “trong quá trình làm việc với tòa án hoặc các cơ quan thực thi, điều cơ bản nhất là chúng tôi không bao giờ chứng minh được rằng mình là chủ sở hữu cả”, luật sư Phan Vũ Tuấn ở Văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm khi đại diện cho các chủ sở hữu/tác giả trong các vụ tranh chấp. Không ít vụ kiện bị chững lại vì công đoạn chứng minh bản thân là chủ sở hữu chân chính: “Chúng tôi từng đối diện với cả chục vụ kiện tại tòa, người ta nói rằng thấy logo trên phim, nhưng liệu logo của anh trên phim có chứng minh anh là người sản xuất ra bộ phim không? Thực sự là không biết giải quyết như thế nào, trong khi những người xâm phạm lại không bị hỏi là có được quyền sử dụng bộ phim hay không, vì nghĩa vụ chứng minh thuộc về chúng tôi”. Nhưng chứng minh bằng cách nào, làm sao để chuẩn bị được tất cả các tài liệu liên quan, hoặc lấy chữ ký của tất cả diễn viên? “Khi bạn chứng minh được xong thì cũng mất khoảng vài năm, lúc này các bạn không còn gì cả. Bởi một bộ phim chỉ cần ba ngày thôi là chẳng còn gì hết”, luật sư Tuấn nói.
Ngoài việc không cần phải chứng minh một điều tưởng chừng đương nhiên như trên, Nghị định còn giúp các tác giả/chủ sở hữu khai thác tác phẩm hiệu quả hơn thông qua quy định về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền. Cụ thể, với lĩnh vực phát thanh, truyền hình, tỉ lệ phân chia tiền bản quyền sẽ phụ thuộc vào địa phương (các loại đô thị) và kênh chương trình truyền hình (trung ương, địa phương, thiết yếu, không thiết yếu). Với các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình được sử dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại, số tiền bản quyền sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động và sức chứa/diện tích/địa điểm theo năm sử dụng.
Thu tiền bản quyền như thế nào đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận cách đây vài năm. Năm 2017, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tiến hành thu phí bản quyền âm nhạc trên ti vi tại các khách sạn ở Đà Nẵng. Ngay sau đó, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đã gửi công văn cho UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Du lịch nhằm phản đối yêu cầu này. Trước phản ứng gay gắt của các khách sạn, Cục Bản quyền yêu cầu VCPMC tạm dừng thu phí, sau đó vài tháng, việc thu phí lại được triển khai, và tiếp tục vấp phải sự phản đối từ các khách sạn. Trong cùng năm đó, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Khi yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trả phí cho những bản ghi thuộc quyền sở hữu của hiệp hội. Dù mức phí chỉ khoảng 2000 đồng/bài hát, quyết định này vẫn bị phản đối đến cùng, kèm theo hàng loạt tranh cãi, như thu phí dựa trên cơ sở nào, liệu có đủ minh bạch, quán karaoke lo ngại phá sản…
Giờ đây, các trung tâm và hiệp hội quyền tác giả, quyền liên quan có thể yên tâm thu phí, bởi Nghị định mới đã liệt kê cụ thể từng loại hình kinh doanh. Bao gồm: quán cà phê - giải khát, nhà hàng; phòng hội thảo, hội nghị; cửa hàng, showroom; câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phòng, karaoke box; quán bar, bistro, club, vũ trường; khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch; khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại; cao ốc văn phòng; siêu thị; hoạt động hàng không, giao thông công cộng. Số tiền bản quyền các cơ sở này phải chi trả (theo năm) được tính bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số điều chỉnh được quy định trong Nghị định 17.
Có được kết quả này là nhờ hành trình nỗ lực bền bỉ của các cơ quan quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Bởi ngay cả những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, nổi tiếng với nền công nghiệp văn hóa có giá trị ngày càng tăng, họ cũng gặp khó khăn khi bắt đầu triển khai thu phí bản quyền. Từ khi công bố Luật Bản quyền năm 1988, hơn 50% kế hoạch thu phí bản quyền của Hàn Quốc đã thất bại - theo chia sẻ của ông Lim Won Son, Chủ tịch Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc, trong Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2017. Họ đã tốn không ít thời gian để xây dựng phương thức thu phí hợp lý, và liên tục hoàn thiện, gỡ bỏ những rào cản trong quá trình thu tiền bản quyền.
Sẵn sàng trong bối cảnh mớiNgoài những nội dung nhằm khắc phục những vướng mắc đã tồn tại, Nghị định 17 còn bao gồm những nội dung hoàn toàn mới như thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Ngoài việc đáp ứng những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại thế hệ mới, việc bổ sung các quy định này là điều cần thiết trong bối cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet ngày càng gia tăng. Đáng chú ý nhất trong phần này là quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, bao gồm: dịch vụ truyền dẫn thông tin; dịch vụ lưu trữ đệm và dịch vụ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu. Ví dụ như doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số.
Các đơn vị trên phải thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được lưu trữ, truyền đi trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, phải gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác khi nhận được yêu cầu của thanh tra hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là bước tiến góp phần ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền trên internet. “Thách thức đầu tiên và khó nhất là xử lý trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian như Facebook, Google, Tiktok… bởi vai trò của các tổ chức này có tác động vô cùng lớn đến quyền lợi của các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự cho biết. “Chừng nào chưa luật hóa quy định trách nhiệm của họ thì con đường bảo vệ quyền của chúng ta còn rất khó”.
Trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực kể từ năm 2023, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP tập trung vào năm nhóm nội dung chính: Thứ nhất, quy định quyền của các tác giả, đồng tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và chủ sở hữu quyền. Thứ hai, giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ ba, hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ tư, hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ năm, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị định 17 là quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian và đưa ra biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền. Lần đầu tiên, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet được quy định cụ thể, bao gồm cả quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về thu tiền bản quyền trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, tỉ lệ phân chia tiền bản quyền sẽ phụ thuộc vào địa phương (các loại đô thị) và kênh chương trình truyền hình (trung ương, địa phương, thiết yếu, không thiết yếu). Với các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình được sử dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại, số tiền bản quyền sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động và sức chứa/diện tích/địa điểm theo năm sử dụng.
Nghị định này không quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.
|