Sau hơn một thập kỷ hội nhập quốc tế, giờ đây khoa học Việt Nam đang phải đối đầu với rất nhiều vướng mắc về chính sách đầu tư cho khoa học.
Báo chí gần đây đã đề cập tới một vấn đề thời sự mà cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý Bộ GD&ĐT: số sinh viên dự tuyển vào các ngành khoa học cơ bản ở các đại học xuống thấp một cách đáng lo ngại, và kèm theo đó là chất lượng đầu vào và điểm tuyển cũng xuống dốc theo (trong khi xưa nay các ngành khoa học cơ bản luôn tự nhiên là một trong các lựa chọn hàng đầu của các học sinh giỏi cả ở Việt Nam và trên trường quốc tế - những người yêu khoa học và mong muốn khám phá). Thậm chí một số thống kê còn cho thấy chỉ 1-2% số sinh viên Việt Nam theo học các ngành cơ bản, trong khi đó tỷ lệ tương ứng ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, … và cả các hàng xóm gần chúng ta hơn về nhiều mặt như Malaysia, Thái lan, Singapore, … đều cỡ 6-7% hoặc hơn. Có thể thấy, hệ thống chính sách của chúng ta đang có vấn đề. Sinh viên chọn ngành theo nhu cầu thực tế của thị trường: đầu ra và thu nhập. Học ngành cơ bản xong, học đã khó nhưng khi tốt nghiệp lại khó xin việc và thu nhập thấp thì còn ai muốn học, dù có năng lực và yêu thích khoa học đi chăng nữa? Mọi người đều thấy, nhà nước cần đóng vai trò điều phối ở đây, nhưng cụ thể như thế nào thì các nhà lãnh đạo của Bộ GD&ĐT vẫn còn thấy lúng túng?
Chúng ta biết rằng, nghiên cứu cơ bản là nền tảng cho khoa học công nghệ của mỗi quốc gia giúp chúng ta tiếp thu được các thành tựu tiên tiến trên thế giới, đóng góp cho khoa học của nhân loại và phát triển các nghiên cứu ứng dụng và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế. Không có nước nào phát triển được công nghệ và kinh tế mà không có nền tảng khoa học đủ mạnh. Khác với các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật có thể hình thành, phát triển và suy biến theo thời gian, các ngành cơ bản luôn phát triển ổn định và đi trước một bước, tạo tiền đề cho tiếp thu kiến thức và là cơ sở cho sự tiến bộ của các ngành ứng dụng và công nghệ.
Khoa học Việt Nam vốn trì trệ trong thời gian dài của thời quan liêu bao cấp, thậm chí lạc hậu so với các tiến bộ trong hội nhập quốc tế của các lĩnh vực kinh tế và thể thao, đã được một cú hích mạnh với sự hình thành của Quỹ Nafosted (Bộ KH&CN) vào năm 2009. Với cơ chế tài chính mới thông thoáng, minh bạch, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là các công bố quốc tế chất lượng cao, được đánh giá khách quan, Quỹ đã tập hợp được các chuyên gia xuất sắc nhất theo chuẩn mực quốc tế, cộng đồng rộng rãi các nhà chuyên môn, trong đó có các tiến sĩ trẻ mới đào tạo ở nước ngoài đang tràn đầy nhiệt huyết, tham gia nghiên cứu khoa học, đẩy khoa học cơ bản của Việt Nam lên một mức mới trên trường quốc tế. Theo gương, các đề tài nghiên cứu ứng dụng của các bộ, ngành, các đại học, các chức danh khoa học đều đòi hỏi công bố quốc tế, sáng chế như các tiêu chuẩn khách quan quyết định. Tất cả đã thúc đẩy tăng nhanh số công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên những năm gần đây đã hình thành một nút thắt: cơ chế thanh quyết toán của các đề tài Nafosted qua “kiểm toán” đang đưa Quỹ trở lại con đường cũ, gây khó khăn cho các nhà khoa học, vốn đã được giải phóng thời gian công sức khỏi các quy trình nhiêu khê để tập trung cho nghiên cứu khoa học, và cả các nhà quản lý của Quỹ. Giờ thì mọi thứ đều phải lên kế hoạch từ trước, với thời gian khung cứng nhắc, đề tài không được phép gia hạn,… Tuy nhiên nghiên cứu là công việc sáng tạo có rủi ro, không lường trước hết được những rủi ro có thể xảy ra. Cơ chế này không khuyến khích nhà khoa học mạnh dạn lao vào các nghiên cứu khó cần có đột phá, mà là cho đối phó hình thức. Quy trình phức tạp kéo dài cũng làm lỡ nhịp các nhà khoa học, khi vấn đề đã qua tính thời sự hay bài báo đã công bố mà đề tài vẫn chưa có hiệu lực. Đầu tư kinh phí cho nghiên cứu cơ bản của chúng ta vốn đã thấp lại không được tăng phù hợp với tiến bộ của khoa học nước nhà.
Nếu như giai đoạn trước khoảng 60% số đề tài đăng ký được duyệt, thì đợt gần đây nhất con số này chỉ còn 25% và nhiều đề tài có triển vọng cũng bị loại vì tổng kinh phí rót cho Quỹ chỉ có thế. Lúc này, chịu nhiều thiệt thòi nhất là các tiến sĩ trẻ đang cần được khuyến khích. Mặc dù các Hội đồng khoa học ngành đã đòi hỏi cao hơn với các nhà khoa học thành danh, từng chủ trì thành công từ một đến hai đề tài với yêu cầu cao hơn như phải chủ biên bài báo nội lực chất lượng cao để tạo phần không gian cho các tiến sĩ trẻ chủ trì lần đầu, thậm chí một số giáo sư đã bị chấm điểm trượt… Tuy vậy, những nỗ lực này vẫn không đủ và những người trẻ vẫn thiệt thòi nhất khi họ là người cần nhất sự hỗ trợ cả về kinh tế và tinh thần trong bước đầu theo đuổi nghiên cứu khoa học. Thậm chí vì kinh phí ít chỉ đủ dành cho các đề tài còn đang thực hiện nên hai năm gần đây, Quỹ không thể triển khai đợt đề tài mới nào. Cộng đồng khoa học vốn đang được thúc đẩy bởi tinh thần cải cách hội nhập 2009 như bị dội một thùng nước lạnh với tương lai bất định. Không chỉ vậy các nhân viên trẻ của Quỹ với tinh thần làm việc đổi mới, sẵn sàng hỗ trợ các nhà khoa học đã không có được các chính sách khuyến khích tương ứng. Trong bối cảnh đó, Quỹ lại được đề xuất tự chủ… Có những tháng, các nhân viên trẻ của Quỹ còn bị nợ lương, khiến nhiều bạn làm việc rất nhiệt tình và hiệu quả cũng nản và bỏ đi …
Các nước quanh ta cũng như trên quốc tế duy trì được khoa học cơ bản làm nền tảng cho phát triển công nghệ và kinh tế của đất nước họ. Ở Việt Nam xuất hiện xu hướng đáng lo ngại như đã nói là do chúng ta chưa đầu tư kinh phí và chinh sách thích hợp cho nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam và cho các viện nghiên cứu và các trường đại học. Quỹ Nafosted, nơi tập hợp được các chuyên gia giỏi nhất chuẩn quốc tế, cần được quan tâm và tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong hội nhập quốc tế chất lượng cao, như Quỹ Khoa học của Mỹ. Quỹ càng cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong bối cảnh những năm gần đây, bên cạnh nỗ lực giữ vững chất lượng khoa học theo tiêu chuẩn công bố quốc tế, sáng chế, thì Quỹ còn phải đấu tranh với một hiện tượng là liêm chính khoa học.
Dẫu vậy, tôi tin vào cộng đồng Nafosted sẽ tiếp tục đi đầu và giữ định hướng đúng đắn cho khoa học Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế đầy khó khăn và phức tạp này, một khi nhận được sự cảm thông và ủng hộ của chính phủ và các cơ quan hữu quan.