“Muốn tạo ra một công dân toàn cầu, trước hết hãy giúp con nghĩ như bạn bè cùng trang lứa ở các nước trên thế giới” - đó là quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Hải - người sáng lập trường Eton Grammar School.
Làm thế nào để trẻ em Việt Nam nhanh chóng hội nhập và làm chủ cuộc chơi khi bước vào tuổi trưởng thành và bước luôn vào một thế giới phẳng và thẳng, đầy cơ hội nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt? Đó đang là một thách thức lớn đối với nền giáo dục Việt Nam.
Phải có cảm xúc, tư duy của công dân toàn cầu
Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015 đã tạo điều kiện cho công dân ASEAN làm việc ở các nước thành viên. Bên cạnh đó, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới khiến nền giáo dục đứng trước áp lực phải đào tạo được những công dân trẻ đủ trình độ cạnh tranh và thích nghi.
Bàn về tính cấp thiết của việc đào tạo công dân toàn cầu, ông Nguyễn Tuấn Hải cho rằng: “Nếu không được chuẩn bị, thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ chỉ là lao động đi làm thuê nhưng ở cấp thấp”.
Vậy cần chuẩn bị hành trang gì cho trẻ em Việt bước ra thế giới?
Ông Hải bày tỏ quan điểm: “Ngoài tri thức, cần xác định công cụ ngôn ngữ là điều đầu tiên. Tiếp theo đó, trẻ và người định hướng phải biết nhận định vấn đề dưới góc nhìn toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi một nước. Các em cũng cần kết nối với thế giới để giao lưu với bạn bè nước ngoài, tạo được kết nối cá nhân, hỗ trợ cho sự phát triển của mình trong tương lai. Chúng ta cần trang bị cho các em kỹ năng, phương pháp, cách tư duy và cảm xúc của một công dân toàn cầu” .
Còn theo ông Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa và giáo dục Long Minh, công dân toàn cầu phải hội tụ 5 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng đọc, STEM (học và hành các kiến thức về khoa học, kỹ thuật, tiếng Anh và Toán), có ngoại ngữ (tiếng Anh), có trình độ công nghệ thông tin và có kỹ năng đối thoại, trong đó bao gồm cả kỹ năng làm việc nhóm.
Muốn con giỏi, phải “đào tạo” phụ huynh
Bàn về vai trò của gia đình trong việc tạo ra một thế hệ kế tiếp có thể bước ra thế giới, các chuyên gia về giáo dục đều cho rằng có một số vấn đề hiện nay nhà trường, xã hội chưa làm tốt được mà cần phải có sự góp sức của phụ huynh. Cha mẹ là người có vai trò vô cùng lớn trong việc giáo dục phẩm chất cho con bởi ở một nước Á Đông như Việt Nam, nền tảng gia đình rất được coi trọng.
Trẻ cần được dạy về ý thức cá nhân, có thái độ văn minh trong ứng xử và không trung thực là một tội lớn… “Muốn làm được những điều này, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc thay đổi từ cha mẹ, giúp họ đổi mới trong cách tiếp cận với giáo dục để họ hiểu rằng ngoài vấn đề học thuật, họ cần xây dựng nhân cách cho con. Muốn tạo ra một công dân toàn cầu, trước hết hãy giúp con nghĩ như bạn bè cùng trang lứa ở các nước trên thế giới” - ông Tuấn Hải nói.
Cảm xúc toàn cầu cũng là điều mà ông Đỗ Hoàng Sơn coi trọng và theo ông, có thể giúp hình thành nó bằng việc khuyến đọc: “Đọc sách nhiều sẽ giúp học sinh có cái nhìn rộng mở về thế giới, tăng cường được nhiều bài học nhân văn mang tính đa dạng toàn cầu”. Theo ông Sơn, những bài học này sẽ dần ngấm, góp phần định hình nhân cách cho các em. Đó là chưa kể, sách giúp giáo dục kỹ năng cho trẻ - điều tối quan trọng khi vươn ra toàn cầu.
“Trước đây, học sinh, sinh viên của chúng ta chỉ học trong sách giáo khoa. Điều này đã khoanh vùng giới hạn học, hạn chế năng lực tự học và còn nguy hại ở chỗ nó khiến các em thiếu kỹ năng, trở nên lạc hậu so với chúng bạn ở các quốc gia khác” - ông Sơn nói.
Việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ khiến cho sự cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam sẽ trở nên vô cùng khốc liệt. Thế hệ trẻ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore có những kỹ năng làm việc rất tốt, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Sơn, nếu nhà tuyển dụng đặt lên bàn cân một bên là lao động nước ngoài có trình độ cao, kỹ năng tốt, có thể vận hành các máy móc hiện đại và một bên là lao động trong nước trình độ thấp, thiếu kỹ năng thì việc họ chọn ai là điều dễ đoán. “Vậy nên, nếu không tự hoàn thiện mình thì chúng ta dễ dàng thất nghiệp ngay trên sân nhà” - ông Đỗ Hoàng Sơn nói.