Kết quả công tác năm 2015 cho thấy Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã làm được khối lượng công việc rất lớn và quan trọng. Riêng tốc độ giải phóng mặt bằng và chuẩn bị nguồn vốn để khởi công dự án hạ tầng lớn đã khiến Hòa Lạc phải dốc toàn lực.

Cùng với việc xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù, kỳ vọng Khu CNC Hòa Lạc thực sự chuyển mình và đi vào hoạt động ổn định.

 Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ của Hà Nội - khu phức hợp về KH&CN lớn nhất cả nước - vừa chính thức đi vào hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: Loan Lê
Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ của Hà Nội - khu phức hợp về KH&CN lớn nhất cả nước - vừa chính thức đi vào hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: Loan Lê

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã đánh giá như vậy khi nhìn lại một năm nỗ lực của Khu CNC Hòa Lạc.

Đơn giản, minh bạch các quy trình

Chia sẻ về những việc đã thực hiện, ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - cho biết: Thời gian qua, ban quản lý tập trung xây dựng quy trình thực hiện các thủ tục quản lý đất đai, quản lý dự án, quy hoạch, xây dựng, môi trường đảm bảo đơn giản, minh bạch theo quy định, đồng thời nỗ lực chuẩn bị mặt bằng, cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Trong năm 2015, ban quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 326,7 tỷ đồng trên tổng diện tích 2,45ha.

Như vậy tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã có 69 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,395 tỷ đồng trên tổng diện tích 329ha, thuộc các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh học, y học, điện tử, tự động hoá, sản xuất thiết bị viễn thông và kinh doanh hạ tầng… Có 32 đơn vị đang hoạt động, 9 đơn vị đang triển khai xây dựng.

Song song với việc thu hút đầu tư, ban quản lý thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định giao đất để đảm bảo triển khai đúng mục tiêu, quy mô và tiến độ cam kết. Đến nay, 17 dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/quyết định giao đất do không có khả năng triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ.

Khu CNC Hòa Lạc từng đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và đầy đủ như mong muốn. Chính vì vậy nỗ lực để chuẩn bị một cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thủ tục đầu tư thông thoáng với chi phí cho hoạt động đầu tư thấp nhất là điều kiện sống còn để “hút” nhà đầu tư.

Theo ban quản lý, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hòa Lạc được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đến nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong giai đoạn trước mắt. Đến năm 2018, khi dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hoà Lạc bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản hoàn thành thì Khu CNC Hoà Lạc sẽ có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư.
Cần thêm cú hích để thực sự chuyển mình

Đánh giá rất cao nỗ lực của Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Thực sự Khu CNC Hòa Lạc là kỳ vọng rất lớn của những người làm KH&CN Việt Nam và là dự án lớn của Chính phủ.

“Chúng ta đã dành nhiều “mỹ từ” cho Khu CNC Hòa Lạc như: “Thành phố vệ tinh”, “thành phố khoa học”, “thành phố thông minh”; nhưng thực tế 17 năm trôi qua những việc đã làm được cho Hòa Lạc không đáng bao nhiêu. Khu CNC Hòa Lạc không có được cơ chế gì hơn một khu kinh tế, khu công nghiệp bình thường; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân chưa bằng nơi khác. Cơ chế giải phóng mặt bằng cũng chật vật, chẳng có gì đặc biệt; vốn bố trí nhỏ giọt trong suốt hơn chục năm qua nên giải phóng mặt bằng vô cùng chậm” - Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ. Thực tế cho thấy, cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc là nỗi mong mỏi của các nhà đầu tư đã, đang và sắp có dự án tại đây.

Từng đến Khu CNC Tân Trúc, Đài Nam, Đài Trung của Đài Loan và Khu CNC của Hàn Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, họ chỉ mất 10 năm từ khi Chính phủ có chủ trương đến lúc hoạt động ổn định; còn Khu CNC Hòa Lạc đã có dự án và đi vào hoạt động gần 20 năm rồi, tức là tốc độ triển khai chậm hơn các nước trong khu vực 10-15 năm.

Năm 2016, Khu CNC Hòa Lạc xác định tập trung phát triển tiềm lực KH&CN - nhân tố quyết định sự thành công, cụ thể là: Thúc đẩy hoạt động KH&CN của các nhà đầu tư, thu hút nhân tài và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CNC phục vụ việc nghiên cứu phát triển; thúc đẩy hoạt động đổi mới; ươm tạo, đào tạo; chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm CNC của các nhà đầu tư.

Để triển khai, ban quản lý xác định tận dụng tối đa thế mạnh và nguồn lực trong thẩm quyền quyết định của Bộ KH&CN; thu hút nguồn vốn ODA; đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù... Khu CNC Hòa Lạc sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án CNC trong và ngoài nước, chú trọng thu hút và triển khai các dự án hạ tầng xã hội cho Khu CNC Hòa Lạc như: Các dự án nhà ở, trường học, bệnh viện, dịch vụ... Ban quản lý cũng sẽ hoàn thiện kế hoạch và chương trình xúc tiến đầu tư đến năm 2020, triển khai theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm.

Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, khối lượng công việc và mục tiêu đặt ra không nhỏ. Vì vậy, ngoài nỗ lực của ban quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Quân mong đợi hơn nữa sự vào cuộc và ủng hộ của các bộ, ngành và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, việc xây dựng hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, bố trí nguồn vốn cần được chú trọng hơn để Khu CNC Hòa Lạc có điều kiện hoạt động ổn định và bứt phá thực sự như kỳ vọng của Chính phủ.