Trung Quốc và Mỹ đã phải vừa học vừa làm để chuyển đổi sang nền kinh tế số, bởi ở thời điểm đó, vấn đề này còn mới mẻ trên thế giới.

Trong tọa đàm "Tầm nhìn cho Việt Nam trong kỷ nguyên Chuyển đổi số" do UPGen Vietnam phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS), cho biết, để chuyển đổi sang nền kinh tế số, Trung Quốc đã vừa học vừa làm, bởi ở thời điểm đó, vấn đề này còn mới mẻ trên thế giới.

Trung Quốc đã làm rất bài bản theo các bước, lần lượt là: phổ cập hóa internet, đảm bảo tốc độ nhanh, chi phí thấp, nhằm tăng lượng người tiếp cận internet; phát triển các thiết bị thông minh để người dân có thể tiếp cận internet và các ứng dụng ở bất kỳ đâu; và chuẩn bị nền tảng dữ liệu đủ lớn.

TS Vũ Tú Thành chia sẻ
TS Phạm Sỹ Thành chia sẻ về kinh nghiệm của Trung Quốc trong chuyển đổi số. Ảnh: BTC.

“Nền kinh tế số sẽ là con số 0 nếu không có dữ liệu. Nếu không có dữ liệu, sẽ không hiểu được về đối thủ, người dùng hay xu hướng tương lai. Trung Quốc đã xây dựng nhiều trung tâm thu thập dữ liệu và mua cả các công ty số liệu nước ngoài. Họ hiểu rằng, đây chính là tài sản của tương lai. Việc này tương tự thời nông nghiệp đi mua ruộng đất và thời công nghiệp đi mua máy móc” - ông Phạm Sỹ Thành nhận định.

Sau những bước đi bài bản này, Trung Quốc xác định rõ, mục đích của nền kinh tế là đưa internet và số hóa vào để phát triển công nghiệp, chứ không phải thương mại điện tử.

Trong khi đó ở Mỹ, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, cho rằng có 2 khái niệm là chuyển đổi số và khởi nghiệp số. Những doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình truyền thống thường có nhu cầu chuyển đổi số hơn là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực số như Google, Facebook… bởi họ đã và đang nằm trong hệ sinh thái số rồi.

Theo ông Thành, việc chuyển đổi số "việc chuyển đổi số trong các công ty truyền thống rất vất vả", kể cả các doanh nghiệp lớn. Một ví dụ điển hình là General Electric đã bỏ nhiều tiền để xây dựng nền tảng công nghiệp gắn với các ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sức nặng của mô hình kinh doanh truyền thống quá lớn khiến cho "phần số" của General Electric không thể sống được. Sau đó, thị phần này của General Electric đã bị thâu tóm bởi SAP, Oracle,

Ngành chịu áp lực cạnh tranh nhất sẽ chuyển đổi số sớm nhất

Đây là câu trả lời của PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho câu hỏi "ngành nào sẽ chuyển đổi số sớm nhất?". Ở thời điểm hiện tại, đó là ngân hàng, tài chính, bán hàng. Những ngành chuyển đổi số chậm hơn là những ngành độc quyền như viễn thông, khai khoáng,...

PGS TS Nguyễn Ái Việt chia sẻ quan điểm về sự sống chết của
PGS TS Nguyễn Ái Việt chia sẻ quan điểm về vấn đề chuyển đổi số trong các ngành. Ảnh: BTC.

Ông Việt cho rằng, chuyển đổi số là câu chuyện sống còn của tất cả các công ty bởi "chuyển đổi số về bản chất là thay đổi tư duy trong mô hình kinh doanh chứ không chỉ thay đổi công nghệ”.

Ông dẫn ra một ví dụ điển hình cho thấy các đơn vị kinh doanh truyền thống phải chuyển đổi số từ sự ra đời của Airbnb. Startup này không có một bất động sản nào nhưng lại "có nhà cho thuê khắp nơi trên thế giới".

"Airbnb đã làm được điều mà những chuỗi khách sạn lớn trên thế giới chịu thua bằng cách dùng công nghệ để thay đổi quan niệm truyền thống về bất động sản” - ông Ái Việt phân tích.

GS. TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán, Giám đốc Khoa học Viện John von Neumann thì cho rằng, để một doanh nghiệp hay một chính phủ chuyển đổi số thành công, cần chuẩn bị 3 thứ “nhận thức – năng lực – dữ liệu”. Nhận thức ở đây là thấy được sự cấp bách của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp; năng lực để có thể thay đổi, vận hành mô hình kinh doanh mới; và dữ liệu để phân tích và biết mình cần phải làm gì.