Triển vọng của các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba (Third World) sẽ càng thêm ảm đạm khi họ đánh mất những thành phần ưu tú nhất của mình.
Chảy máu chất xám (brain drain) là hiện tượng liên quan đến sự di chuyển của nguồn nhân lực chất lượng, bao gồm các trí thức, chuyên gia và người lao động kỹ năng được đào tạo bài bản từ quê nhà sang nước khác. Có nhiều nhân tố dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiên và rõ ràng nhất là cơ hội việc làm tốt hơn ở đất nước mới, bên cạnh chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn chính trị, hay cả những rủi ro về sức khỏe ở xứ sở cũ. Xu hướng thường thấy nhất của nạn chảy máu chất xám là các cá nhân ưu tú (elite) rời bỏ đất nước của họ – những quốc gia kém phát triển (LDC), nơi không thể cho họ một cuộc sống tốt đẹp lẫn điều kiện phát huy khả năng, sang các quốc gia khác phát triển (MDC) cùng nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, chảy máu chất xám cũng có thể xảy ra ngay giữa những MDC với nhau, chẳng hạn một chuyên gia của Thụy Điển lại chọn Mỹ để làm việc vì mức thuế thu nhập của Mỹ thấp hơn Bắc Âu rất nhiều.
Các quốc gia bị chảy máu chất xám thường chịu nhiều tổn thất, đặc biệt là những nước LDC khi không thể tối ưu tiềm năng phát triển kinh tế, mở rộng năng lực khoa học công nghệ, cũng như nâng cao mức sống và triển vọng cho người dân. Thiệt hại nghiêm trọng nhất có lẽ nằm ở nguồn vốn, bao gồm vốn con người (human capital) và vốn xã hội (social capital), khi những người có giáo dục nhất của một quốc gia lại phải sử dụng tri thức của mình để làm lợi cho nước khác (quốc gia tiếp nhận chất xám), trong khi không thể hoặc không làm được gì nhiều cho nền giáo dục của các thế hệ sau ở nước mình. Còn đối với MDC, mất mát này thường không đáng kể do có thể dự báo, kiểm soát được, bên cạnh sự dồi dào của nguồn chất xám thay thế.
Trong một số trường hợp, các chuyên gia di dân quyết định trở về quê nhà đóng góp sau một thời gian sinh sống và làm việc tại nước ngoài, mang theo những tri thức và kinh nghiệm của họ. Điều này sẽ mang lại lợi ích không nhỏ, thậm chí đưa đất nước phát triển nhảy vọt nếu có chính sách tốt, chẳng hạn như Đài Loan hồi thập niên 1970 – 1980 và Trung Quốc Đại lục sau này trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng làm được như vậy. Ngoài ra, bên cạnh những tác động tiêu cực, hiện tượng “chảy máu chất xám” cũng đem tới một số lợi ích nhất định, như góp phần mở rộng mạng lưới liên kết quốc tế giữa các trí thức trong và ngoài nước.
Tại Nga, chảy máu chất xám đã và đang là vấn nạn nhức nhối kể từ sau khi Liên Xô tan rã hồi đầu thập niên 1990. Khi ấy, vô số nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và trí thức hàng đầu trên mọi lĩnh vực của nước Nga đã chạy sang phương Tây. Chính phủ Nga hiện đang rất nỗ lực nhằm tìm cách đảo ngược lại tình trạng này, thông qua phân bổ thêm nhiều ngân sách cho các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới nhằm khuyến khích nhân tài trở lại. Còn tại Ấn Độ, nơi nổi tiếng có một nền giáo dục, nhất là đào tạo kỹ sư, hàng đầu thế giới, sinh viên của họ lại thường có xu hướng chuyển đến các nước phát triển như Mỹ, châu Âu sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Những năm gần đây, tình hình bắt đầu được cải thiện nhiều, nhờ sự bùng nổ kinh tế trong nước.
Có rất nhiều việc mà các chính phủ trên khắp thế giới cần làm để chống lại hiện tượng chảy máu chất xám. Theo kết luận của chương trình OECD Observer, chính sách khoa học công nghệ là chìa khóa. Mọi quốc gia cần nỗ lực ngay từ đầu để làm thăng tiến cơ hội cho người lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, để họ có cơ hội và động lực ở lại cống hiến. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng nó đặc biệt cần thiết và cần phải làm ngay. Mặc dù vậy, chiến lược này cũng khó lòng giúp giải quyết tình trạng chảy máu chất xám tại các quốc gia có vấn đề như xung đột, bất ổn chính trị hoặc rủi ro sức khỏe, nghĩa là nó sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài nữa.