Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã chọn hướng đi khác biệt để tái cơ cấu và nâng cao giá trị. Mục tiêu của họ là trở thành doanh nghiệp cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam.

Dưa Nhật Bản trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn Global Gap tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam, đơn vị 100% vốn của Vinaseed | Ảnh: Mỹ Hạnh, 2020
Dưa Nhật Bản trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn Global Gap tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam, đơn vị 100% vốn của Vinaseed | Ảnh: Mỹ Hạnh, 2020

Được thành lập năm 1968 trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Vinaseed là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT. Trong nhiều năm, họ đã có không ít cống hiến cho lĩnh vực sản xuất giống lương thực trong nước. Tuy nhiên, đến năm 2003, khi đứng bên bờ vực phá sản và có nguy cơ sáp nhập vào một đơn vị khác, công ty đã phải cổ phần hóa để tìm kiếm những nguồn lực mới. Khi đó, Vinaseed chủ yếu kinh doanh những giống lúa phổ thông mà không có quá nhiều khác biệt với thị trường. Do vậy, ban lãnh đạo đã quyết định tập trung nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), lấy khoa học công nghệ là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dựa trên chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ”, doanh nghiệp này đã mở rộng hợp tác với một loạt viện nghiên cứu công lập trong nước. Cùng với việc xây dựng thêm một số cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đến năm 2011, công ty đã nâng tỷ lệ giống bản quyền lên được gần 30% doanh thu. Đó là những hạt giống F1 được chọn tạo, cho năng suất và chất lượng cao, giá thành rẻ chỉ bằng 60% giá nhập khẩu và tạo cho công ty thế chủ động trong việc cung ứng giống.

Những năm 2011 – 2017 là giai đoạn Vinaseed có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và hiệu quả nhất cho hoạt động R&D. Công ty tham gia vào một loạt chương trình nghiên cứu khoa học, chương trình sản phẩm trọng điểm Quốc gia để thực hiện các đề tài, dự án độc lập cấp nhà nước, các dự án hợp tác quốc tế. Điều này đã tạo đà cho họ nâng cao được chất lượng giống nghiên cứu và một loạt kỹ thuật khoa học công nghệ khác liên quan.

Sử dụng lợi thế đăng kí doanh nghiệp khoa học công nghệ ngay khi Nghị định 80 ra đời, Vinaseed đã chuyển phần lớn ưu đãi thuế1 của mình vào đầu tư cho R&D. Cùng với tiềm lực tài chính dồi dào từ công ty mẹ (The PAN Group) rót xuống, giai đoạn này tổng đầu tư cho khoa học công nghệ và mở rộng quy mô của Vinaseed lên tới gần 1.200 tỷ, trong đó ngân sách cho R&D chiếm khoảng 300 tỷ đồng. Một số dự án cơ sở vật chất quan trọng của được hình thành, như hệ thống hệ thống kho bảo quản nguồn gene ở Ba Vì, Trung tâm công nghiệp chế biến và bảo quản hạt giống và nông sản tại KCN Đồng Văn - Hà Nam…

Thời kì này cũng là lúc Vinaseed lan tỏa mạng lưới thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập, trở thành cổ đông ưu thế của một loạt công ty cùng ngành như CTCP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam, CTCP Giống cây trồng Thái Bình, CTCP Giống cây trồng Hà Tây, CTCP Giống cây trồng miền Nam… Kết quả, Vinaseed đã có 30 đơn vị thành viên trực thuộc nằm trải khắp các vùng sinh thái trên cả nước và chiếm thị phần giống lớn nhất cả nước. Điều này đem lại lợi thế địa bàn không nhỏ cho Vinaseed. Chẳng hạn, trong khi các viện nghiên cứu công thường phải mất ít nhất 4 vụ (tức 2 năm) để khảo nghiệm một giống mới tại một địa điểm, thì công ty có thể đồng thời đưa giống đó ra trồng ở tất cả các vùng để khảo nghiệm và có kết quả ngay trong năm.

Vinaseed hiện sở hữu bản quyền của 45 giống cây trồng các loại, trong đó có 4 loại thuộc Top 10 sản phẩm giống cây trồng hàng đầu Việt Nam. Việc cung cấp các giống cây trồng chất lượng cao đã giúp thị trường thay dần được những dòng sản phẩm cũ hoặc nhập ngoại.

Vinaseed cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc mua bản quyền, góp phần hình thành nên thị trường bản quyền giống cây trồng ở Việt Nam.

Giai đoạn 2018-2021 hiện nay, Vinaseed đang tiến hành tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, tức mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong đó ngành giống vẫn là chủ lực cốt lõi, đi đôi với việc cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ (công nghệ gen, công nghệ tế bào, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ tưới nhỏ giọt….), kết hợp với phát triển kinh doanh hai chuỗi giá trị nông sản ưu thế là gạo chất lượng cao và rau quả cao cấp. Họ đã đầu tư 360 tỷ đồng để xây dựng một Trung tâm công nghiệp chế biến giống và nông sản với quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước ở Đồng Tháp.

Thành quả lớn nhất của Tập đoàn là thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, hàng vạn người nông dân có việc làm tại các cánh đồng mẫu lớn và làng nghề công nghệ nông nghiệp ở Hà Nam, Thanh Hóa, Tây Nguyên, Quảng Nam… Tất cả họ đều được trang bị kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, tiếp cận với những quy trình sản xuất nghiêm ngặt và ứng dụng công nghệ thông tin, chẳng hạn phần mềm farm record được chuyển giao từ Israel để ghi lại dữ liệu sản xuất, góp phần thay đổi hẳn tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô công nghiệp.

Để hướng tới bảo vệ môi trường sống, sản xuất ra những sản phẩm an toàn cho xã hội, Vinaseed đã quyết tâm xây dựng các chuỗi giá trị hữu cơ khép kín: Nghiên cứu - Sản xuất giống - Sản xuất lương thực - Chế biến - Xây dựng thương hiệu - Tổ chức kinh doanh lương thực (nội tiêu và xuất khẩu). Theo họ, nếu làm được một chuỗi bài bản như vậy thì sẽ hoàn toàn kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn và truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Mô hình này đang được xem là hướng đi mới của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, Vinaseed đã đưa ra những cam kết chiến lược bền vững và triển khai xuyên suốt từ cấp cao nhất. Họ xây dựng các Bộ Nguyên tắc hành động (yêu cầu về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường, xã hội...) và Bộ Quy tắc ứng xử nội bộ (đảm bảo hành vi ứng xử phù hợp với văn hóa và định hướng phát triển của Tập đoàn) dựa trên những thông lệ tốt của thế giới. Vinaseed cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đã công bố Báo cáo Bền vững (BCBV) nhằm minh bạch thông tin với các bên liên quan./.

Chú thích:

1Theo quy định, các doanh nghiệp được miễn thuế TNDN 4 năm đầu và giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo, áp dụng với những năm có tỷ lệ sản phẩm KHCN đạt tối thiểu theo yêu cầu.