Trí tuệ nhân tạo, thiết bị điện tử, rác thải nhựa, điện toán đám mây, nghiên cứu về đại dịch đều có mặt trong danh sách các mục tiêu đầy tham vọng của Đức đề xuất với EU trong sáu tháng tới.
Các nhà bình luận cho rằng, qua việc đề xuất với EU một số mục tiêu lớn về nghiên cứu và giáo dục chính phủ Đức đang làm một vụ cá cược lớn về khoa học, công nghệ và giáo dục không chỉ để giúp EU vượt ra ngoài khủng hoảng đại dịch mà còn giúp củng cố vị trí của EU trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Những dự án chính về phát triển công nghệ
“Cuộc khủng hoảng coronavirus khiến chúng ta thấy rõ là châu Âu cần phải được củng cố hơn chủ quyền về công nghệ và dữ liệu của mình. Đó phải là mục tiêu cơ bản của nghiên cứu và các chính sách phát triển của châu Âu nhằm duy trì và mở rộng hơn nữa chủ quyền công nghệ trong những lĩnh vực thiết yếu của tương lai”, Bộ Nghiên cứu Đức nêu rõ lý do vì sao lại xây dựng kế hoạch như vậy trong bản tóm tắt của mình.
Kế hoạch của Đức vạch ra tuy ngắn gọn nhưng bao hàm những dự án phát triển công nghệ lớn và quan trọng với châu Âu.
1. “Làm trí tuệ nhân tạo ở châu Âu” là một loạt các sáng kiến đưa châu Âu “trở thành một mạng lưới trí tuệ nhân tạo phi tập trung dẫn đầu thế giới để hỗ trợ cho những ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn”. Nó sẽ được xây dựng dựa trên các trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Đức và mạng lưới nghiên cứu liên quốc gia Pháp – Đức đang tồn tại. Dự án này cũng sẽ hỗ trợ những kế hoạch R&D về trí tuệ nhân tạo mà châu Âu đã lên khung trước đó. Việc hình thành và phát triển dự án cũng sẽ là cơ sở để tạo ra một “thương vụ hợp tác” về AI có thể do Horizon, chương trình đầu tư cho R&D lớn nhất châu Âu, đồng tài trợ.
Đức dự đoán, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngoài việc khiến cho các ngành công nghiệp và sản xuất hoạt động hiệu quả, bền vững và định hướng tốt hơn, còn khiến châu Âu có khả năng tự bảo vệ môi trường, khí hậu, tạo ra những bước phát triển mới trong nghiên cứu về y tế, mô hình ngăn chặn bệnh tật…
2. Sáng kiến đám mây dữ liệu đưa mạng lưới Đức – Pháp “đạt đến quy mô châu Âu”. GAIA-X, dự án phát triển những điều kiện cần thiết cho một cơ sở hạ tầng dữ liệu châu Âu thống nhất, được loan báo vào tháng trước nhằm “kháng cự” lại sự lấn át hiện tại của Mỹ - nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu thế giới với các công ty như Amazon, Microsoft và Google – qua đó đồng thuận về các tiêu chuẩn kỹ thuật mở, các khách hàng được cấp phép để có thể chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ một cách dễ dàng. Nỗ lực mới này có thể là một dự án quan trọng vì lợi ích chung châu Âu, một dạng quy định mới cho phép miễn trừ quy tắc cạnh tranh để các công ty tư nhân có thể hợp tác với chính phủ và đón nhận các khoản đầu tư của chính phủ.
3. Một dự án quy mô châu Âu về sản xuất thiết bị điện tử, có thể được thiết lập trên một sáng kiến do Đức mới loan báo.
4. “Những hải tặc nhựa” là một cuộc vận động dành cho các nhà “khoa học không chuyên” mà Đức hình dung ra trong việc kết nối nhà khoa học, các công ty sản xuất và giới trẻ để giảm thiểu rác thải nhựa, có thể bắt đầu với Bồ Đào Nha và Slovenia – hai quốc gia sẽ tiếp tục đảm trách vai trò chủ tịch EU sau Đức. Cách thức mà họ tiến hành là thanh niên của hai quốc gia này sẽ thu thập dữ liệu về cách các dòng sông đóng góp vào việc đưa rác thải nhựa ra đại dương như thế nào”. Dữ liệu thu được từ đó sẽ được sử dụng cho một dự án hợp tác nghiên cứu để giảm thiểu rác thải nhựa.
5. Phản hồi đại dịch. Đức muốn một sáng kiến nghiên cứu y tế công cộng mới “nhằm thúc đẩy sự phục hồi” các hệ thống y tế châu Âu. và phát triển những giải pháp mới để có thể ứng phó với những dịch bệnh tương lai.
6. Giáo dục số. Đức dự kiến sẽ tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giáo dục số và tiếp tục phát triển nó như một phần của Khu vực giáo dục châu Âu, một sáng kiến mà châu Âu đề ra nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên được hưởng lợi ích từ các hoạt động giáo dục - đào tạo và có thể tìm được việc làm khắp châu Âu.
7. Khu vực nghiên cứu châu Âu. Đức mong muốn EU mở rộng các lằn ranh trong kế hoạch mới về một “thị trường” nghiên cứu châu Âu, qua đó cho phép các công dân có thể được hưởng thụ một cách trực tiếp những chính sách đầu tư cho nghiên cứu, ví dụ như cá nhân cũng có thể tham gia vào những dự án có kinh phí đầu tư ở cấp quốc gia và EU. Theo nghĩa đó, Khu vực nghiên cứu châu Âu sẽ là một công cụ hợp lý và đường kết nối hoàn hảo để đạt được thành công ở khía cạnh cá nhân lẫn tổ chức, qua đó cho phép mở rộng sự đối thoại giữa các công dân và xã hội với chính quyền. Nhờ vậy quá trình xử lý công nghệ và chuyển đổi số trong xã hội sẽ được kích hoạt và sẽ ảnh hưởng đến mọi công dân châu Âu. Khoa học trên cơ sở các giá trị sáng tạo và tự do học thuật sẽ đem lại một đóng góp thiết yếu để hướng tới gia tăng sự phục hồi của xã hội trong tương lai, sau những khủng hoảng bệnh dịch.
8. Thỏa thuận xanh. Đức đang thúc đẩy cho một kế hoạch chống biến đổi khí hậu thành một loạt sáng kiến trong năm tới với việc xúc tiến những khoản đầu tư mạo hiểm vào công nghệ và kinh tế sinh học, qua đó phát ra một “thông điệp ủng hộ” các tổ chức châu Âu tập trung vào giáo dục về phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm bền vững và nghiên cứu quốc tế về năng lượng hydrogen giữa EU, châu Phi và Australia.
Vẫn cần các quốc gia thành viên bỏ phiếu
Kế hoạch của Đức không đề cập đến tiền – và phần lớn các sáng kiến được đề xuất trong kế hoạch này có thể sẽ bị loại khỏi ngân sách của EC bởi nó còn phụ thuộc vào cam kết bổ sung kinh phí từ các quốc gia thành viên, bên cạnh những khoản đóng góp cố định hằng năm của họ. Nhưng kế hoạch của Đức muốn nhấn mạnh vào cam kết chính trị như cơ sở pháp lý để thực thi kế hoạch lớn hơn là đề xuất một kế hoạch đi kèm ngân sách trong vòng bảy năm. Với vai trò là cường quốc công nghệ mạnh nhất châu Âu và là người đóng góp lớn nhất vào ngân sách EU, Đức sẽ là người có tầm ảnh hưởng nhất trong cuộc đàm phán thông qua kế hoạch.
Trong vòng 18 tháng tới, các quốc gia EU với ba quốc gia giữ vai trò quan trọng là Đức, Bồ Đào Nha và Slovenia sẽ cùng bước vào cuộc tranh luận cho những đề xuất về “Định hình Tương lai số châu Âu”, một sách trắng về trí tuệ nhân tạo, một chiến lược về dữ liệu và một đạo luật về các dịch vụ số. |
Nguồn: https://sciencebusiness.net/news/germans-kick-their-eu-presidency-big-plans-research-and-education