Các ứng dụng số và cổng thông tin đang giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam dần khắc phục một số vướng mắc như dữ liệu chưa đầy đủ, tản mát và được lưu trữ bằng các giải pháp khác nhau.

Minh bạch thông tin - cánh cửa mở ra thị trường xuất khẩu

Truy xuất nguồn gốc là một yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng và thị trường về sự minh bạch của sản phẩm hàng hóa. Tại một hội thảo mới đây, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đang góp phần đáp ứng đòi hỏi này bằng việc cấp mã số cho các vùng trồng.

Theo đó, ở mỗi vùng trồng được cấp mã số, người sản xuất phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về quản lý sinh vật gây hại và an toàn vệ sinh thực vật. Họ phải ghi chép tất cả tác động lên vùng trồng trong quá trình sản xuất – từ ngày tháng sử dụng phân bón, hóa chất; lý do dùng; loại thuốc sử dụng; liều lượng; phương pháp bón; các sinh vật gây hại đã phát hiện trong quá trình chăm sóc, cho đến thông tin liên quan đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm như sản lượng dự kiến và sản lượng thực tế. Các vùng không đáp ứng yêu cầu có thể bị thu hồi hoặc hủy mã số.

Ông Lê Nhật Thành bàn về các yêu cầu kỹ thuật mà những thị trường đối tác đòi hỏi với nông sản Việt | Ảnh: Xuân Bình
Ông Lê Nhật Thành bàn về các yêu cầu kỹ thuật mà những thị trường đối tác đòi hỏi với nông sản Việt | Ảnh: Xuân Bình

Tính đến cuối tháng 11/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp hơn 3.600 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, trong đó hơn 2.800 mã số cho 12 loại trái cây (chủ yếu là xoài, thanh long), 11 mã số cho hạt giống ớt và cà chua; gần 200 mã số cho rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU; và gần 400 mã số cho ngọn cây cảnh, cây hoa xuất khẩu.

Hiện nay, các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng. Một khi nông sản của Việt Nam tuân thủ các quy định thì việc đàm phán mở cửa cho nông sản xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. "Trước đây, muốn đàm phán để cho quả vải sang Mỹ chúng tôi phải nộp hồ sơ từ năm 1998 nhưng đến năm 2015, Mỹ mới chính thức cho phép quả vải được xuất khẩu vào thị trường Mỹ," ông Lê Nhật Thành nói. "Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đàm phàn đã ngắn hơn nhiều do chúng ta vừa có kinh nghiệm, vừa minh bạch, sản xuất nông nghiệp đã có uy tín trên thị trường quốc tế. Chỉ cần 2-3 năm là chúng ta có thể mở cửa được thị trường trái cây sang các nước."

Để hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sắp tới sẽ có thêm Hệ thống truy xuất nguồn gốciTrace247 và Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số Decobiz do Bộ Công Thương xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý | Ảnh: Xuân Bình
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Bộ Công Thương, chia sẻ về các ứng dụng số hỗ trợ xúc tiến thương mại | Ảnh: Xuân Bình

Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), iTrace247 đã triển khai thí điểm thành công cho nhiều sản phẩm xuất khẩu như mận Yên Châu, xoài Yên Châu (Sơn La); nhãn (Hưng Yên), vải Lục Ngạn (Bắc Giang); vải Thanh Hà và su hào, bắp cải, cà rốt (Hải Dương) với tính năng đơn giản “mà bà con nông dân hoàn toàn có thể sử dụng được”. Còn Decobiz cung cấp cho các doanh nghiệp một bộ công cụ xúc tiến thương mại, gồm: Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam; Hệ thống quản trị thông tin điều hành xúc tiến thương mại số; Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp; Nền tảng hội chợ, triển lãm trên môi trường số; Nền tảng kết nối kinh doanh, và các nền tảng và dịch vụ chuyên ngành khác.

Hai công cụ số này đã hoàn thiện hơn sau thời gian thí điểm và sẵn sàng để áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp cũng như tích hợp vào Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia mà Bộ KH&CN đang xây dựng.

Tất cả trong một

Hoạt động truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam hiện đang vướng ở hai điểm. Một mặt, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán trong các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Mỗi bên lại sử dụng một giải pháp lưu trữ cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý. Mặt khác, thông tin trong các hệ thống này chưa đáp ứng “các nguyên tắc về truy xuất nguồn gốc”, như không đủ các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, không đủ các trường dữ liệu chính hoặc bị sai lệch thông tin. Người tiêu dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc đưa ra, mà mỗi phần mềm này chỉ truy cập được thông tin nội bộ.

Ông Bùi Bá Chính chia sẻ về cách kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia | Ảnh: Xuân Bình
Ông Bùi Bá Chính chia sẻ về cách kết nối vớiCổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quốc gia| Ảnh: Xuân Bình

Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quốc gia được thiết kế để giải quyết hai vướng mắc nêu trên. Nó sẽ thiết lập các tiêu chuẩn chung cho việc truy xuất nguồn gốc và kết nối thông tin, để các hệ thống hiện có và các hệ thống sẽ hình thành trong tương lai có thể liên thông được với nhau và với quốc tế.

Các tiêu chuẩn này có thể bao gồm nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 đặt ra các yêu cầu cần có về định danh điện tử, quản lý hệ thống, phạm vi dữ liệu, tính chính xác của dữ liệu… trong một hệ thống truy xuất nguồn gốc bất kì; tiêu chuẩn TCVN 12827:2019 lại bao gồm những yêu cầu về thông tin cần lưu trữ và định danh một đơn vị logistic đối với mỗi bên tham gia dọc theo chuỗi cung ứng rau quả tươi; trong khi tiêu chuẩn TCVN 12851:2019 đề cập những yêu cầu đối với một tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Hiện đã có 20 tiêu chuẩn như vậy được Bộ KH&CN công bố trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, và dự kiến sẽ tăng lên tối thiểu 30 tiêu chuẩn và 02 quy chuẩn quốc gia.

Theo ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), đơn vị phụ trách triển khai Cổng, cho biết, khi các hệ thống khác nhau được kết nối và xác thực ở Cổng thông tin, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn sử dụng bất kỳ ứng dụng truy xuất nguồn gốc của công ty/bộ, ngành nào.

Dự kiến, Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quốc gia sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Trong 3 năm tiếp theo, Cổng đặt mục tiêu kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt" ngày 22/3/2022 do Đoàn thanh niên 3 Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương phối hợp tổ chức.Thông tin hội thảo xem tại: Video | Tài liệu