Giải quyết được những ý kiến đó sẽ là một trong những cách tốt nhất để đưa giải pháp KH&CN vào những vấn đề thiết thực trong đời sống kinh tế xã hội của một địa phương, thậm chí của cả một vùng.
Sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ hằng năm giữa những người làm quản lý KH&CN ở các địa phương với những người làm quản lý KH&CN ở Trung ương của Bộ KH&CN đem về nhiều lợi ích thực tế hơn người ta tưởng. Ở những hội nghị như thế này, đại diện của sở KH&CN các địa phương có thể nêu những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc chỉ lộ diện qua thực tế hoạt động, thậm chí có thể đưa ra một số đề xuất kiến nghị để mong được tháo gỡ. Đó chính là những “ngân hàng câu hỏi” bất tận dành cho các nhà quản lý ở Trung ương, những người được hy vọng sẽ giúp các nhà quản lý địa phương giải tỏa những điểm nghẽn thực thi chính sách.
Những vấn đề ở cấp cơ sở, thoạt nhìn tưởng vụn vặt nhưng lại ẩn chứa những vấn đề hóc búa mà ở cấp Trung ương vẫn còn đang băn khoăn về lời giải. Dù không dễ một sớm một chiều giải quyết những thắc mắc này nhưng nếu tìm ra một cách thức hiệu quả để tháo gỡ dần dần, rất có thể sẽ tạo ra nguồn lực mới khơi thông những ách tắc bấy lâu tồn tại của một địa phương, một vùng.
Vận hành máy tiệt trùng sản phẩm tự động tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản BAVABI Quảng Ninh. Nguồn: Báo Quảng Ninh
Những bài toán từ thực tế
Nếu làm thử một phép so sánh, khi đặt những vấn đề có quy mô ở tầm quốc gia như đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia… bên cạnh những vấn đề ở quy mô địa phương và những giải pháp mang tính địa phương, và cho rằng quốc gia ắt hẳn phức tạp hơn địa phương thì hẳn đã nhầm. Các bài toán của địa phương, một mặt phản ánh tính chất cụ thể do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của một địa phương nhưng mặt khác lại mang điểm chung và tương đồng với những địa phương khác trong vùng, ít nhất về mặt địa lý. Do đó, bài toán thực tế bao giờ cũng hết sức phức tạp với những tiêu chí của riêng nó và đòi hỏi sự tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, để giải quyết một cách triệt để.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao, không chỉ ở Hội nghị giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm nay mà ở nhiều hội nghị trước, có vô số những đề xuất, vấn đề được người đại diện của các địa phương đặt trở đi trở lại… bởi vẫn chưa có lời giải, ví dụ như những chính sách về liên kết giữa các tổ chức KH&CN địa phương với các doanh nghiệp địa phương để huy động nguồn lực giải quyết vấn đề địa phương; liên kết vùng để các địa phương có thể cùng nhau phát huy chuỗi giá trị, giải bài toán chung của vùng; hay chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN; chính sách tháo gỡ với việc sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ KH&CN địa phương, Quỹ KH&CN của doanh nghiệp… Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhận xét “Tôi thấy có một vấn đề là trong báo cáo ‘Kết quả hoạt động KH&CN, ĐMST ở các địa phương năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm 2022’ có nhiều kiến nghị mà nhiều năm, các sở KH&CN địa phương cũng đã từng kiến nghị. Đến nay, chúng ta vẫn có một câu trả lời là sẽ giải quyết”. Do đó, ông cho rằng “giá như chúng ta [có] sớm hơn những văn bản, cơ chế chính sách cho nó thì chắc là hoạt động KHCN và ĐMST của cả nước nói chung và của các địa phương chắc chắn sẽ phát triển hơn”.
MimosaTEK thực hiện dự án tiết kiệm nước cho cây cà phê. Nguồn: MimosaTEK
Nhìn tổng thể, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có những mối quan tâm về phát triển nông nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu… Ngay cả hai thành phố lớn được coi là trung tâm kinh tế xã hội, có rất nhiều khu công nghiệp như Hà Nội và TP.HCM cũng cùng mối quan tâm đó, nhất là khi diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội lên tới gần 200.000 ha hay diện tích đất nông nghiệp của TP.HCM là 88.000 ha và sở hữu Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Có rất nhiều vấn đề đặt ra quanh các câu chuyện đó, không chỉ liên quan đến bài toán muôn thuở “trồng cây gì, nuôi con gì?” mà cả những yêu cầu cao hơn “làm sao để những sản phẩm địa phương có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế?”, “làm sao để tạo ra một chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm”, “phát triển nông nghiệp như thế nào để hạn chế phát thải, có khả năng đáp ứng với biến đổi khí hậu?” hay “giải pháp nào để khuyến khích các khởi nghiệp sáng tạo?”…
Việc tìm lời giải cho những bài toán như thế này cũng là cách để KH&CN khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. “Không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, những nhiệm vụ cấp thiết của địa phương, ngay cả cấp huyện, ngành KH&CN địa phương cũng cảm thấy hổ thẹn”, ông Hồ Thắng, giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế chia sẻ thành thật.
Trong câu chuyện của riêng Thừa Thiên Huế, người ta thấy bóng dáng của nhiều tỉnh thành khác trên khắp mọi miền đất nước. “Chúng tôi thấy rằng, có nhiều nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cần phải có sự vào cuộc của ngành KH&CN địa phương nhưng chúng tôi chưa thực hiện kịp thời. Điều đó đã ảnh hưởng đến vai trò của ngành KH&CN địa phương”, ông nói.
Tự tìm giải pháp
Khi đề cập đến những khó khăn gặp phải, không hẳn những người làm quản lý KH&CN ở địa phương chỉ chờ cơ chế từ trên Trung ương rót xuống mà không cố gắng tìm cách tự giải quyết. Ví dụ ở Cần Thơ, Giám đốc sở KH&CN Ngô Anh Tín cho rằng, “sở đã cố gắng ‘vừa chạy vừa xếp hàng’ nên hai năm đứng đầu các cơ quan chuyên môn của thành phố về cải cách hành chính và hoàn thành 100% chỉ tiêu về các văn bằng sở hữu trí tuệ do Thành ủy, UBND giao”… Đây là cơ sở để sau đó, Sở KH&CN Cần Thơ tiếp tục tham mưu cho địa phương những chính sách khác về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, triển khai sàn giao dịch công nghệ…
Không chỉ có Cần Thơ mà nhiều nơi khác cũng cố gắng vận dụng để đưa KH&CN vào giải quyết các vấn đề của địa phương. Ông Hồ Thắng cho biết, tận dụng những ưu thế của Thừa Thiên Huế, sở đã tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ cho Đại học Huế để nơi này có đà trở thành đại học cấp quốc gia trong tương lai và đầu tư xây dựng Viện Công nghệ sinh học của trường tiến tới trở thành một trung tâm tầm cỡ quốc gia. Việc phân định các nhiệm vụ KH&CN ở Thừa Thiên Huế cũng rất rạch ròi, “chúng tôi lựa chọn các nhiệm vụ, dự án KH&CN mà mang tính chất ứng dụng còn các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu cơ bản, các nhiệm vụ cấp quốc gia thì dành cho Đại học Huế hay cho các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh”.
Có lẽ, trong những nỗ lực ấy, Bắc Giang là một nơi thành công nhất, không chỉ vì đã góp phần giải quyết “những cây, những con” chủ lực của tỉnh như đưa quả vải thiều đi Nhật Bản, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể… của rất nhiều sản vật khác của địa phương như lạc Tân Yên, gà đồi Yên Thế, mì Chũ, măng Lục Trúc…, mà còn kết nối được với rất nhiều sở ban ngành và doanh nghiệp của tỉnh để thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ khác. Tại hội nghị, Giám đốc sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình đã nêu cách làm đi vào thực chất để xác lập và khai thác tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ: dựa trên ngân sách của các huyện thông qua các dự án đầu tư, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, không chỉ có sở KH&CN làm mà các huyện, các đơn vị sở hữu sản phẩm cũng bỏ kinh phí đầu tư để đăng ký xác lập nên số lượng sản phẩm được bảo hộ của Bắc Giang cũng lớn và cũng giữ được chất lượng. Bên cạnh đó, ngay cả những hoạt động như đóng góp sáng kiến cho tỉnh cũng diễn ra một cách thực chất. “Khi sáng kiến gửi đến, chúng tôi làm rất nghiêm túc, rọc phách rồi mời chuyên gia đến chấm nên thậm chí lãnh đạo tỉnh, giám đốc các sở trượt là chuyện bình thường. Cũng mất một năm đầu và đến năm 2021, chúng tôi có 35% sáng kiến nộp về sở không được công nhận. Dần dần mọi người cũng quan trọng hơn việc nộp những sáng kiến có hiệu quả”.
Trong những lúc chờ chính sách, Bắc Giang còn tự chủ động triển khai những gì có thể, ví dụ như việc thúc đẩy các doanh nghiệp KH&CN. “Chúng tôi không ngồi đợi các doanh nghiệp nộp hồ sơ công nhận doanh nghiệp KH&CN mà cử cán bộ đến một số doanh nghiệp xem họ có hội tụ đủ điều kiện không, sau đó giải thích cho họ hiểu về quyền lợi khi được công nhận và động viên, khuyến khích, hỗ trợ họ lập hồ sơ”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Mong chờ chính sách
Giữa những câu chuyện kể về cách làm của các sở KH&CN địa phương, có câu hỏi chợt dấy lên: có cách nào để KH&CN làm tốt vai trò của mình ở địa phương, khi luôn đầy rẫy khó khăn như vậy? Câu trả lời là chính sách. Bởi đây sẽ là đèn hiệu cho những hoạt động triển khai các dự án KH&CN, tài trợ cho các hoạt động khởi nghiệp… đi đúng đường ray và góp phần giúp các sở KH&CN địa phương tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh từ thực tế. Nhưng có lẽ, chính sách bao giờ cũng đi chậm một vài nhịp so với thực tiễn. Do đó, giữa ngổn ngang các bài toán này, những người làm quản lý KH&CN địa phương đều cảm thấy khó tự giải quyết những vấn đề mới.
Ở cương vị người đứng đầu ngành KH&CN Cần Thơ, ông Ngô Anh Tín chia sẻ, dù nhận thấy các doanh nghiệp trên địa bàn cần một cú hích về công nghệ, nguồn lực để tăng trưởng hay cần thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng cố gắng thúc đẩy mấy cũng vẫn không thể vượt qua những cái khó. “Chúng tôi trình HĐND thành phố nghị quyết về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới thiết bị công nghệ nhưng bị đình lại do chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ”, ông nói.
Chính sách mà Cần Thơ mong chờ Bộ KH&CN ban hành không chỉ có ý nghĩa với Cần Thơ, nơi “96% các doanh nghiệp trên địa bàn là nhỏ và vừa, còn những DN lớn có đóng góp cho ngân sách cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay”, mà còn có ý nghĩa với rất nhiều tỉnh thành khác bởi ở đâu thì doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chiếm số lượng lớn. Điều ông Ngô Anh Tín băn khoăn là việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, kết nối viện trường cũng đang bị ảnh hưởng bởi sàn giao dịch công nghệ mà Cần Thơ triển khai vẫn còn khá mông lung, mặc dù may mắn được thành phố đầu tư. “Cần Thơ muốn xin ý kiến về phát triển mô hình sàn giao dịch công nghệ của Bộ KH&CN”.
Có lẽ, những điểm nghẽn đang dần được khơi thông. Tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ KH&CN) cho biết, Bộ KH&CN đang “hoàn thiện hành lang pháp lí để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Trong năm nay, chúng ta có một loạt văn bản quan trọng cần triển khai, sự tham gia của các địa phương trong việc đóng góp, phản ánh những thực trạng, nhu cầu quản lí ở địa phương để giúp bộ hoàn thiện và trình các cấp ban hành”. Đó sẽ là giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KH&CN các cấp… Ví dụ theo ông Nguyễn Nam Hải, hiện nay Bộ KH&CN đang rất khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, hai bộ sẽ có hai thông tư để sửa đổi các quy định của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp ban hành vào tháng 6/2016. “Nếu tháo gỡ được vấn đề này, trong thời gian tới, chúng ta sẽ kì vọng nguồn lực của doanh nghiệp dành cho đổi mới công nghệ cũng như hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tăng lên trong giai đoạn tới”, ông nhận xét.
Về cơ chế tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp – điều mà hầu hết các sở KH&CN địa phương có mặt tại hội nghị đều kiến nghị, một giải pháp mới cũng đang trên đà giải quyết. “Hiện tại, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa hai Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Dự kiến hết quý 2 năm nay, Bộ KH&CN sẽ ban hành các thông tư thay thế hoàn toàn các thông tư về quản lí các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia giai đoạn trước, đồng thời phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện các thông tư về quản lí cũng như hướng dẫn tài chính cho các chương trình KH&CN cấp quốc gia do Thủ tướng đã kí ban hành”.
Nếu các văn bản đó được ban hành, chắc hẳn nó sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo KH&CN ở địa phương? Để tăng thêm giá trị cho các giải pháp KH&CN ở cấp địa phương, ông Nguyễn Nam Hải gợi ý, trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN thực hiện trong năm 2022 có nhóm nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng KH&CN về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Qua đây, các địa phương cần phải tập trung và dành thời lượng, số lượng các nguồn lực ưu tiên để xây dựng các nhiệm vụ dành cho các lĩnh vực này, trong đó chú trọng đến kiểm soát môi trường, ứng phó sự cố môi trường có thể ở địa phương, xử lí chất thải các khu công nghiệp hoặc các làng nghề…”, ông nói.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nêu bảy nội dung ngành KH&CN tập trung thực hiện trong năm 2022, trong đó đáng chú ý sẽ có việc trình Quốc hội xem xét thông qua Luật SHTT sửa đổi, Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử; Chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST đến năm 2030; các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm tới: gấp rút xây dựng khung chương trình, các thông tư quản lý, thông tư tài chính cũng được xây dựng theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tin học hóa việc quản lý chương trình, đảm bảo sự công khai minh bạch; trình Đề án Phát triển công nghệ sinh học; tổ chức thí điểm tính chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh…
Riêng với kế hoạch tính chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, việc thí điểm sẽ được thực hiện ở một số tỉnh đại diện cho bảy vùng kinh tế trong cả nước. Bộ trưởng cho rằng, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh không chỉ là xếp hạng giữa các tỉnh thành phố mà còn là công cụ để mỗi tỉnh biết được điểm mạnh, điểm yếu về mặt KH&CN và ĐMST của địa phương mình, qua đó có căn cứ cải thiện hoạt động KH&CN và ĐMST nhằm phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. |