Đó là nhận xét của ông David Thorne - cố vấn cấp cao Ngoại trưởng Mỹ tại chương trình Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam - Mỹ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội.

Ông David Thorne (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng các startup tại chương trình khai mạc Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam - Hoa Kỳ do Bộ KH&CN tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội. Ảnh: Phú Sỹ
Ông David Thorne (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng các startup tại chương trình khai mạc Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam - Hoa Kỳ do Bộ KH&CN tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội. Ảnh: Phú Sỹ

Theo ông Thorne, khởi nghiệp không chỉ là trao quyền tự chủ cho cá nhân mà còn là động cơ thúc đẩy tăng trưởng việc làm và sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc cần làm không chỉ là khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng mà còn phải hỗ trợ họ bắt đầu kinh doanh.

Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế nên chưa phát triển đúng với khả năng. Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cũng như quy trình đầu tư mạo hiểm để các quỹ dạng này phát huy hiệu quả.

Việt Nam có dân số trẻ, giàu ý tưởng, tài năng và nhiệt huyết, nhưng để những thế mạnh này được phát huy thúc đẩy phát triển kinh tế thì cần có các chính sách cụ thể về tài chính, sở hữu trí tuệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu… để hỗ trợ.

Ông David Thorne cho rằng, cần xây dựng môi trường chính sách thông thoáng và cởi mở để phát triển doanh nghiệp mới, khuyến khích việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp. Đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ và tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu từ viện, trường ra doanh nghiệp cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, cần tăng cơ hội về đào tạo, việc làm để người lao động dễ dàng học các kỹ năng mới khi cần thiết và luân chuyển tự do từ ngành này sang ngành khác, từ công ty này sang công ty khác.