Là con gái của một nhà khoa học và người ủng hộ sự đa dạng của lĩnh vực STEM, bà Kamala Harris đã thắp lên hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho các nhà khoa học.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới làm việc ở Viện Pasteur Paris vào năm 2021 về kế hoạch hợp tác Mỹ – Pháp trong COVID-19. Ảnh: AP
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới làm việc ở Viện Pasteur Paris vào năm 2021 về kế hoạch hợp tác Mỹ – Pháp trong COVID-19. Ảnh: AP

Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui khỏi chiến dịch tranh cử, ông và những thành viên của Đảng Dân chủ đã ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trong vai trò ứng viên của Đảng Dân chủ. Dẫu sự lựa chọn này có thể được thay đổi và việc lựa chọn chính thức của ứng viên Đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào tháng tám nhưng bà được chờ đợi là gương mặt sáng giá trong cuộc tranh cử với cựu Tổng thống Donal Trump vào tháng 11/2024.

Các nhà phân tích và các nhà khoa học cho rằng nếu bà Kamala Harris trúng cử, thì khoa học Mỹ, nhất là trong lĩnh vực sức khỏe và môi trường, sẽ có những bước phát triển mới.

Một nền tảng vững chắc về khoa học và luật


Sức khỏe và khoa học là một phần cuộc sống của bà Harris ngay từ đầu đời: mẹ bà, Shyamala Gopalan, người mà nhiều lần bà Harris nhắc đến như một người có tầm ảnh hưởng lớn, là một nhà nghiên cứu hàng đầu về ung thư vú và đã qua đời vì ung thư.

Rất nhiều thời gian trong sự nghiệp được bà Harris tập trung vào vấn đề luật pháp – bà đã là một luật sư tòa án cấp quận ở San Francisco trong vòng bảy năm và sau đó là tổng chưởng lý California trong vòng sáu năm. Công việc này chỉ kết thúc vào năm 2017 khi bà được bầu làm nghị sĩ của bang.

Là một nghị sĩ, bà tham gia vào nhiều nỗ lực cải thiện sự đa dạng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực STEM. Bà đưa ra các hỗ trợ pháp lý cho các sinh viên từ những cộng đồng thiểu số trong xã hội nhận được việc làm và những kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực STEM. Và khi là một ứng viên trong cuộc tranh suất ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa vào năm 2020, bà đã đề xuất một kế hoạch đầu tư 60 tỉ USD cho các trường đại học trong quá khứ từng là nơi học tập dành cho người da đen và hỗ trợ các doanh nghiệp của người da đen.

Với vai trò Phó Tổng thống, bà Harris đã giám sát Hội đồng Vũ trụ Quốc gia, nơi chịu trách nhiệm tư vấn cho Tổng thống Mỹ về chính sách và chiến lược vũ trụ. Dưới sự dẫn dắt của Harris, cơ quan này tập trung vào hợp tác quốc tế, ví dụ như sứ mệnh gửi các phi hành gia lên Mặt trăng mang tên Artemis.

Vẫn còn chưa rõ ràng cho việc bà Harris sẽ chọn ai làm người đồng hành với mình, nếu bà trở thành người đại diện cho Đảng Dân chủ. Người ta đoán đó là Mark Kelly, một nghị sĩ bang Arizona và một cựu phi hành gia mà kinh nghiệm tích lũy trong nhiều thập kỷ làm việc trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật có thể hỗ trợ cho bà Harris.

Chăm sóc sức khỏe và giá thuốc

Trong cuộc tranh suất ứng cử viên của Đảng Dân chủ năm 2020, bà Harris tán thành một hệ thống bảo hiểm sức khỏe quốc gia chung thanh toán một lần – vốn vẫn có vai trò của các công ty bảo hiểm tư nhân.

Không rõ là liệu bà có còn thích các dạng chính sách sức khỏe tiên tiến này không hay chọn lấy một con đường có thể dễ hấp dẫn những người bỏ phiếu độc lập và ôn hòa hay không.

Theo nhận xét của bà Alina Salganicoff, Giám đốc Chính sách sức khỏe cho phụ nữ tại Tổ chức nghiên cứu chính sách sức khỏe KFF ở San Francisco, California, bà Harris sẽ tiếp tục là một người kiên định trong việc bảo vệ và hỗ trợ Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act).

Chính quyền Biden-Harris đã coi giá thuốc như một ưu tiên chính bằng việc tạo ra một mức trần giá thuốc tiểu đường và bằng việc bảo lưu “quyền thực hiện” đối với bằng sáng chế để chính phủ có thể can thiệp khi định giá đổi mới sáng tạo được tạo ra từ ngân sách đầu tư công. Vào năm 2019, bà Harris đã đồng ủng hộ điều luật cho phép thành lập một tổ chức độc lập để xác định các mức giá thuốc thích hợp.

Peter Maybarduk, Giám đốc Chương trình Tiếp cận Y tế tại tổ chức hỗ trợ Public Citizen tại Washington DC, ca ngợi những hành động này, và hy vọng những chính sách ấy sẽ được tiếp tục dưới chính quyền Harris trong tương lai.

Sức khỏe phụ nữ

Bà Harris quan tâm đến quyền phá thai hơn ông Biden. Tháng 12 năm ngoái, bà thiết lập một chuyến công du toàn quốc về quyền tự do sinh sản và trở thành Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên đến gặp một nhà cung cấp dịch vụ phá thai.

Đây là một vấn đề lớn với những người bỏ phiếu ở Mỹ, với 63% dân số cho rằng phá thai là hợp pháp trong phần lớn trường hợp, theo kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington DC. Ủng hộ quyền phá thai được cho là một phần quan trọng làm nên ủng hộ Đảng Dân chủ trong năm qua. Melissa Murray, một chuyên gia về quyền sinh sản ở ĐH New York nhận xét. “Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa hai đảng và tôi nghĩ người có thể cho công chúng Mỹ thấy những vấn đề rõ ràng quanh quyền phá thai sẽ là người được ủng hộ”.

Cách tiếp cận của bà Harris trong pháp lý về sinh sản không chỉ giới hạn trong việc tiếp cận phương pháp tránh thai và phá thai, Murray lưu ý. Bà Harris còn ủng hộ cho các vấn đề sức khỏe bà mẹ theo nghĩa rộng hơn, nhấn mạnh vào sự cần thiết đấu tranh với những thiên kiến ngầm với phụ nữ da đen trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cách tiếp cận này “bao gồm những nhu cầu cần thiết của phụ nữ da màu, những người có lẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự công kích về tự do sinh sản, như chúng ta đã thấy trong hai năm qua”, Murray nói.

Khí hậu và môi trường


Bà Harris từ lâu đã có hành động khuyến khích bảo vệ môi trường cũng như ủng hộ các điều luật bảo vệ môi trường.

Theo Leah Stokes, một nhà nghiên cứu chính sách khí hậu tại ĐH California, Santa Barbara, khi còn là luật sư quận ở San Francisco và sau đó là tổng chưởng lý bang California, bà Harris đã trở thành người ủng hộ các cộng đồng chống lại sự ô nhiễm do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tương tự, bà Harris cũng có quan điểm như vậy với sức khỏe công cộng và môi trường khi là nghị sĩ trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.

Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, bà Harris được kỳ vọng sẽ giữ được động lực và những đầu tư vào các lĩnh vực chưa được đánh giá đúng mức mà ông Biden đã đưa vào chương trình khí hậu của Mỹ. Điều này sẽ là việc đầu tư 1 nghìn tỉ USD cho năng lượng sạch và biến đổi khí hậu trong một thập kỷ, một cam kết pháp lý mà nhiều chuyên gia năng lượng cho là có thể làm giảm đáng kể khí nhà kính mà Mỹ tạo ra trong hàng thập kỷ đến.

Nguồn Nature