Kế hoạch thành lập một cơ quan mới chuyên trách về đổi mới sáng tạo (DATI) và chuyển giao công nghệ số tại các trường đại học và viện nghiên cứu đã được Chính phủ Đức thiết lập. Dự kiến, cơ quan này sẽ ra mắt vào đầu năm tới.

Một trong những hứa hẹn chính về đổi mới khoa học của liên minh ba đảng cầm quyền của Đức là tạo ra một cơ quan chuyển giao công nghệ cấp quốc gia mang tên chính thức là Cơ quan Chuyển giao và Đổi mới sáng tạo Đức (DATI) để thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các trường đại học và viện nghiên cứu ra tới doanh nghiệp và thị trường. Nhà khoa học máy tính Mario Brandenburg, thành viên Đảng Dân chủ tự do, thành viên Quốc hội Đức từ năm 2017 (được phân công làm người phát ngôn của nhóm nghị sĩ về chính sách công nghệ) đã được giao phụ trách dự án xây dựng DATI vào tháng sáu vừa qua khi được bổ nhiệm là thư ký nghị viện tại Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức. Trong một cuộc phỏng vấn với trang ScienceBusiness, ông đã nói về tiến trình hình thành dự án, việc thành lập DATI và cách hệ sinh thái chuyển giao công nghệ của châu Âu có thể được cải cách như thế nào.

Dẫu Đức đứng ở vị trí rất cao trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo thế giới nhưng theo Brandenburg, nhà khoa học máy tính từng có tám năm làm việc tại SAP, một công ty phần mềm lớn nhất châu Âu, có một khoảng cách lớn giữa Đức và thế giới trong chuyển giao đổi mới sáng tạo công nghệ số. “Tôi chỉ có thể nói là với các công nghệ truyền thống thì chúng tôi còn tương đối có khả năng cạnh tranh còn với các công nghệ số thì không hề”.

Một phần của việc bắt kịp sự phát triển của công nghệ số đã được đưa vào Chiến lược khởi nghiệp của Bộ Kinh tế, một chiến lược được đề xuất để tạo cơ hội cho việc thành lập các công ty spin-off từ các trường đại học được dễ dàng hơn và từ đó triển khai các doanh nghiệp trong lĩnh vực số hóa. “Phần thuộc về Bộ Giáo dục và Nghiên cứu trong chiến lược này là đảm bảo cho các công ty khởi nghiệp có thể hình thành trong hệ sinh thái khoa học truyền thống một cách dễ dàng”, và “hoạt động theo cách có thể được định giá không chỉ bằng tiền và bài báo mà còn bằng hiệu quả kinh doanh mà nó tạo ra, giống như những gì chúng ta thấy diễn ra ở Mỹ”, Brandenburg nói.

Trung tâm lượng tử Helmholtz (HQC) được đầu tư ban đầu 50 triệu euro để nghiên cứu vật liệu lượng tử, qua đó phát triển các máy tính lượng tử dạng mẫu thử.

Tự do vận hành

Chiến lược tương lai cũng được lập với việc cải thiện các cấu trúc cho đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó có DATI.

“Nếu so sánh với một chiến lược nghiên cứu, tôi chỉ có thể nói được về phần việc mà mọi người đã đề cập tới từ lâu, đó là việc tạo ra một cơ quan tầm quốc gia, tuyển dụng các vị trí và thực sự trao quyền cho DATI tự do vận hành tổ chức nhiều nhất ở mức có thể trong khuôn khổ hệ thống này”.

Một vài nhiệm vụ của cơ quan mới này bao gồm các dịch vụ chuyển giao công nghệ địa phương, cung cấp các khóa tập huấn, thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm ở địa phương và trung ương cho các nhà khởi nghiệp, và phát triển các mạng lưới vùng kết nối giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp.

DATI không phải là cơ quan cấp liên bang đầu tiên về chuyển giao công nghệ. Dưới thời bà Merkel, Chính phủ Đức đã lập SPRIN-D vào năm 2019 nhưng rút cuộc lại rơi vào “bẫy” của thói quan liêu. Brandenburg cho rằng có một mâu thuẫn tồn tại trong một cơ quan chuyên tài trợ cho các công nghệ mới, đầy hứa hẹn nhưng cũng rủi ro, song vẫn đòi hỏi nó phải tuân theo những quy tắc chi tiêu công vô cùng chặt chẽ. Hiện tại bộ quy tắc trao quyền tự do hơn đang được soạn thảo nhằm đem lại nhiều khả năng chủ động hơn trong quản lý tài chính và tuyển dụng nhân sự ở những nơi tổ chức này cần.

Bên cạnh đó, DATI cũng được lên kế hoạch để có những khu vực đổi mới sáng tạo phi tập trung khắp nước Đức, mỗi nơi được dẫn dắt bởi những người có thể nhanh chóng phản hồi hoặc loại bỏ các dự án chuyển giao công nghệ, nếu thấy cần thiết. Các trung tâm vùng này nhận tài trợ từ một ban quản lý trung ương, vốn hoạt động với một nhóm các thành viên liên quan cấp trung ương và địa phương để có thể triển khai các ý tưởng mới cho các chương trình chuyển giao công nghệ.

Việc điều hành theo cách này sẽ cho phép các vùng khác nhau được thử nghiệm các dự án chuyển giao công nghệ của mình và trao đổi bài học kinh nghiệm với vùng khác. “Đó là lý do giải thích tại sao DATI là một cơ quan không chỉ thực hiện chức năng trao tiền cho các nơi”. Brandenburg nói. “Những gì chúng tôi muốn là chuyển giao công việc và sử dụng tiền thuế một cách hiệu quả”.

Việc điều hành pha trộn giữa cách thức từ dưới lên và từ trên xuống là điểm mới ở Đức. “Chúng tôi phải truyền thông tới rất nhiều các bên liên quan, bởi vì với họ thì cách điều hành này cũng rất mới và họ cũng muốn hiểu tường tận cách nó vận hành như thế nào. Nói chung là mới mẻ với tất cả các bên”, Brandenburg nhận xét.

Việc trao đổi thông tin rất hiệu quả. Vào tháng 4/2022, một nhóm các chuyên gia đổi mới sáng tạo độc lập với chính phủ đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Quốc hội về DATI bởi họ cho là kế hoạch này quá tập trung vào các trường đại học nhỏ trong những khu vực có chọn lọc của Đức. Khi đó, Bộ Tài chính có động thái gần như đồng ý và lập tức đóng băng số tiền dành cho DATI vào tháng năm trong khi yêu cầu cầm phải xây dựng một kế hoạch hợp lý hơn. Sau đó, Brandenburg tiếp quản vị trí mới từ một thành viên trong Đảng Dân chủ tự do là Tomas Sattelberger, và cùng với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu dành thời gian gặp gỡ các tổ chức phi chính phủ cấp quốc gia và khu vực, các chính trị gia và các nhà quản lý khoa học để tinh chỉnh cấu trúc của DATI. Họ cũng nhấn mạnh là DATI cũng sẽ mở cơ hội cho các trường đại học lớn hơn trên khắp nước Đức.

Các trung tâm vùng của DATI cũng mời các nhà khoa học xã hội, những người đánh giá các tác động về mặt đạo đức và xã hội của các sản phẩm mới. Đây là một phần quan trọng khi bắt kịp các quốc gia châu Âu trong việc đem các công nghệ số ra thị trường. “Mô hình nhiều bên liên quan sẽ tạo được sự cân bằng”, Brandenburg nói.

Vào tháng 11, Ủy ban ngân sách của Quốc hội liên bang Đức đã thông qua ngân sách 14,6 triệu Euro cho DATI năm tới. Tiền này sẽ được dùng để DATI tuyển dụng nhân sự, xác định quy chế để hoạt động… Nó cũng sẽ cho phép DATI khởi động những hoạt động đầu tiên, bao gồm các dự án vùng, thiết lập các đường ray chuyển giao công nghệ thử nghiệm đầu tiên và truyền thông nội bộ. Một ý tưởng cho nó là phải có một lễ ra mắt bên ngoài các thành phố lớn của Đức để trao đổi nhiều hơn với các vùng khác nhau.

Hiện tại kế hoạch thành lập DATI mới đang được hoàn thiện để kịp ra mắt vào đầu năm sau. “Ủy ban ngân sách nói là họ muốn thấy đầy đủ kế hoạch”, Brandenburg nói. “Đấy chỉ là một phần của kế hoạch bởi chúng tôi muốn việc làm đầu tiên là đối thoại với các bên liên quan để có được kế hoạch chuẩn bị tốt nhất đã”.

Hiện tại bộ quy tắc trao quyền tự do hơn cho DATI đang được soạn thảo nhằm đem lại nhiều khả năng chủ động hơn trong quản lý tài chính và tuyển dụng nhân sự.

Nguồn: sciencebusiness.net