Một ngày trung tuần tháng 6, ngay sau khi hay tin về sự kiện công nghệ được xem là lớn nhất châu Á – RISE sẽ tổ chức tại Hong Kong vào đầu tháng 7, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đã ngay lập tức quyết định phải cử đoàn tham gia sự kiện này, chỉ vì một lý do đơn giản: phải đi ra ngoài để thấy startup thế giới đang làm gì.
1. Diễn ra trong liên tục ba ngày, từ 9 đến 11/7/2019, tuy nhiên, vì visa được cấp đúng vào ngày 8/7 nên đoàn chúng tôi đành ngậm ngùi tiếc nuối bỏ mất ngày đầu tiên của sự kiện với phiên khai mạc được kể lại là cực kỳ đặc sắc và thú vị với sự tham gia của anh Thuận Phạm – CTO của Uber, đồng thời cũng là một người bạn của DNES.
Dù đã có kinh nghiệm tổ chức Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng – SURF liên tục trong ba năm qua thì chúng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp và đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về khâu tổ chức cũng như nội dung của RISE. Ngay từ 20 ngày trước khi sự kiện diễn ra, những người tham dự sự kiện đã được khuyến khích tải app của sự kiện để có thể cập nhật lịch trình, thông tin diễn giả, địa điểm… và quan trọng nhất là trò chuyện với những người tham dự khác, trong đó không thiếu các diễn giả, để có thể “hẹn hò” với nhau tại sự kiện.
Quả xứng danh là một sự kiện về công nghệ, khi mà hầu như mọi thứ đều được tích hợp các nền tảng công nghệ mới nhất hiện nay: thẻ đeo của mỗi người tham dự được in mã QR để BTC quét mỗi khi ra hay vào khu vực sự kiện; app của sự kiện được tích hợp tính năng dịch tự động từ tiếng Trung sang tiếng Anh (và ngược lại) của startup có tên Interactio hay tính năng gửi trực tiếp câu hỏi cho diễn giả lên màn hình thông qua Slido. Thậm chí, tính năng chuyển giọng nói thành văn bản của startup Otter cũng được tích hợp, giúp nhiều người không nghe rõ giọng nói của diễn giả có thể đọc trực tiếp nội dung đó trên app!
Thực sự, sẽ khó lòng tưởng tượng được khối lượng công việc phải thực hiện để tổ chức một sự kiện với gần 20 ngàn người tham dự và gần 800 startup nếu không ứng dụng toàn diện công nghệ vào công tác tổ chức.
2. Một bất ngờ thú vị xảy ra vào buổi sáng ngày cuối cùng của RISE, khi chúng tôi bắt gặp một startup của người Việt đang trưng bày tại đây. Tự nhận mình là một mommy-preneur, chị Lê Thảo, mẹ của một bé gái mang trong mình dòng máu lai Việt – Nhật đem đến RISE ứng dụng Eldoraku với khả năng giới thiệu và kết nối những người mua hàng với các sản phẩm tiêu dùng, từ mỹ phẩm đến quà lưu niệm, mà trước mắt là sẽ tập trung vào các sản phẩm Nhật Bản. Cùng với cộng sự là những người thân trong gia đình, người mẹ kiêm doanh nhân đến từ Cần Thơ này đã phát triển Eldoraku từ một ứng dụng không người biết trở thành người bạn của hơn 1000 người chỉ sau một năm thành lập.
Trước khi chào tạm biệt, DNES và Eldoraku đã hẹn nhau để cùng làm một điều gì đó ở Đà Nẵng trong thời gian tới, vì biết đâu, chúng ta lại được chứng kiến một “unicorn” Việt trong 5 – 10 năm tới?
3. Chúng tôi gặp anh Jose Perera Sosa, Giám đốc phụ trách đối tác của Web Summit – “sự kiện công nghệ xịn nhất thế giới” theo Forbes, đồng thời cũng là nhà tổ chức của RISE trong một khoảng thời gian không thể bận rộn hơn với người đàn ông dễ mến này. Trong vòng 20 phút ngắn ngủi nhưng quý giá trước khi phải tiếp một tá đối tác khác, Jose đã chia sẻ với chúng tôi nhiều về tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, hay về cách mà những sự kiện như RISE, SURF tạo ra tác động tới cả hệ sinh thái. Mặc dù không đủ thời gian để trao đổi kỹ hơn về cách thức phối hợp giữa Web Summit và DNES, tuy nhiên hai bên đã cùng thống nhất về một sự hợp tác để đem đến cơ hội cho startup Việt vươn ra tầm khu vực và thế giới là hoàn toàn có thể. Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch DNES đã có lời mời Jose đến SURF vào tháng 10 này để cùng nhau nghĩ cách đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến mới của khởi nghiệp châu Á.
4. Nhận lời mời của chị Idy Cheung, quản lý của Hong Kong Startup Council (HKSC), chúng tôi đã đến thăm vườn ươm này để xem cách những ý tưởng của sinh viên được hỗ trợ như thế nào. Trong một không gian chỉ rộng gần 100m2, HKSC đang là nơi trưng bày 16 ý tưởng/mô hình là sản phẩm tốt nghiệp của sinh viên Học viện Giáo dục bậc cao và Công nghệ Hong Kong (THEi). Từ những vấn đề của xã hội, các bạn sinh viên đã tìm cách giải quyết chúng thông qua các ý tưởng cực kỳ sáng tạo. Một vài trong số đó thậm chí có khả năng thương mại hóa rất tốt. Trong hơn 10 ngày triển lãm, HKSC cũng sẽ mời các nhà đầu tư, các công ty trong cùng lĩnh vực đến để đánh giá tính khả thi của sản phẩm, đồng thời tạo ra cơ hội hợp tác giữa các bên.
Trao đổi với chị Idy, chúng tôi biết được cách thức hỗ trợ của HKSC như sau: họ sẽ kết nối với các công ty, tập đoàn lớn để đưa ra đề bài là những vấn đề mà chính bản thân công ty đó đang gặp phải. Các startup sẽ là người tham gia giải quyết những vấn đề đó. Thông qua hoạt động này, tất cả các bên tham gia đều được hưởng lợi: công ty có được giải pháp cho vấn đề của mình với chi phí thấp; startup tìm được nguồn tài chính để phát triển sản phẩm và vườn ươm thì nhận được tài trợ để duy trì hoạt động.
5. Để tạm kết lại cho những câu chuyện tại Hong Kong, xin được mượn chia sẻ của anh Jose khi nói về tiềm năng của những thành phố như Đà Nẵng: “Tôi không hề nghi ngờ gì về việc những trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Hong Kong hay Đà Nẵng sẽ là cái nôi để tạo ra những startup xịn. Hãy nhìn trường hợp của Klook, các bạn sẽ thấy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hong Kong đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra unicorn này”.
Chúng tôi nhận ra rằng, Hong Kong đã có vài chục năm trồng cây để có ngày hái quả như hôm nay, thì Đà Nẵng, vốn có những điều kiện tương tự (một số còn tốt hơn!) thì không có lý do gì để không nghĩ về một tiền cảnh đầy phấn khởi.